Trong triền ám ảnh

Chỉ mới cách đây gần chục năm thôi, khi ấy nỗi sợ về bệnh lạ, về con ma rừng gây nên theo cách nói của đồng bào cứ bao trùm từng ngóc ngách trong những khu làng nhỏ nằm miên man trên triền núi một thuở anh hùng này. Căn bệnh da dày sừng bàn tay chưa hề có trong y văn thế giới khiến cuộc sống của người dân nơi đây rơi vào khó khăn. Đã gần 10 năm trôi qua, làng Rêu không có ca mắc bệnh nào mới. Người dân H’rê đã trở lại cuộc sống bình thường, dẫu sự ám ảnh bệnh lạ đôi lúc vẫn còn thoáng qua trong nỗi sợ hãi của nhiều người.

Trong trí nhớ của nhiều người như ông Phạm Văn Đáy có ba đứa con thì có đến 2 đứa mất vì căn bệnh lạ đó, giờ chỉ còn cậu con út, hay bà Đinh Thị Chiên, bà Phạm Thị Liên, hay cả với anh Nguyễn Anh Khoa (36 tuổi, Chủ tịch UBND xã Ba Điền) thì thời điểm đó quả thực đáng sợ. Ông Phạm Văn Đố, trưởng thôn cho biết, từ năm 2011 đến 2014, toàn xã Ba Điền có 264 người mắc bệnh, trong đó có 24 người tử vong.

Làng Rêu bây giờ đã hồi sinh, trở thành khu dân cư tiêu biểu.
Làng Rêu bây giờ đã hồi sinh, trở thành khu dân cư tiêu biểu.

Sau khi căn bệnh lây lan nhanh, đã có hàng chục đoàn chuyên gia y tế, đầu ngành tỉnh, Bộ Y tế và WHO về khảo sát thực địa, thu thập thông tin, lấy mẫu nước, đất, thực phẩm, máu, tóc của bệnh nhân… để tìm nguyên nhân. Khi căn bệnh ùa về làng, đến cả thầy mo cũng phải lặng lẽ rời đi trong nỗi sợ hãi thì nói gì đến người dân.

Làng Rêu một thời sống trong ám ảnh căn bệnh lạ kì cướp đi nhiều sinh mạng, khiến nhiều người bỏ làng, nhiều đứa trẻ bỏ học, nhiều cánh đồng bỏ cày cấy. Với họ, căn bệnh lạ ập đến giống như sự trừng phạt của Yang trời Yang đất. Người làng đâu có làm gì nên tội mà sao Yang lại nỡ cướp đi bao nhiêu người như thế? Những câu hỏi ấy ánh lên trong mắt lũ làng, ám ảnh trong câu nói của người già, khắc khoải trong cuộc trò chuyện của người nam người nữ, ám cả vào giấc ngủ của người trẻ.

Rồi con “ma bệnh” từ từ biến mất. Người làng không còn ai chết vì “bệnh lạ” nữa. Người làng đã hiểu ra, hóa ra chẳng có “con ma” nào làm bệnh cả. Chỉ vì đời sống người dân kham khổ quá, y tế chưa được quan tâm, thói quen sinh hoạt lạc hậu gây nên bệnh tật. Ông Đố kể thế, rồi lại cười ngay mà bảo rằng: “Nhưng giờ thì người dân đã trở lại cuộc sống bình thường rồi, không còn sợ bệnh lạ nữa vì tuần nào, tháng nào cũng có cán bộ y tế về hướng dẫn cho bà con cách vệ sinh, cách phòng bệnh rồi. Bây giờ chỉ còn lo làm ăn, chăm con cái học hành nữa thôi!”.

Trong căn nhà râm ran tiếng trẻ con đang đọc bài rồi cất tiếng gọi, là nhà anh Phạm Văn Tuynh, khi anh đang buộc lại những buồng cau để sáng mai mang ra thị trấn bán.

Nhà bà Đinh Thị Chiên cách nhà anh Tuynh mấy tầm dao quăng cũng trồng rau và màu. Bà hồ hởi khoe: “Giờ hết bệnh rồi thì mừng lắm, phải làm ăn chứ. Mỗi vuông rau này mang bán cũng kiếm được mấy chục nghìn đồng đấy. Chăm chỉ làm ăn thì không lo đói, không sợ nghèo nữa rồi!”

Khi cái nắng vừa lên, ông Đố chỉ cho chúng tôi thấy một hình ảnh mà ông bảo là “rất mới” với người dân làng Rêu này. Đó là chuyện phơi thóc phơi lúa. Trước đây dù đã được phát gạo mới, nhưng họ vẫn ăn gạo cũ, vì theo họ, gạo được cấp ăn nhạt và không ngon. Bây giờ, sau khi các cán bộ y tế hướng dẫn người dân không được ăn gạo mốc, gạo mọc mầm vì có nhiều loại nấm mốc là tác nhân gây ra tổn thương gan, ung thư gan nên người dân đã biết phơi lúa, phơi gạo để nấu ăn như khuyến cáo.

Hồi sinh từ sợ hãi

Mấy năm qua, làng Rêu và xã Ba Điền được đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh. Đó là công trình Trạm y tế xã, đường giao thông. Đặc biệt là dự án nước sạch với tổng kinh phí 4 tỉ đồng. Ngoài ra, xã còn được một doanh nghiệp ở Hà Nội hỗ trợ kinh phí xây dựng 1 sân bóng đá và 1 sân bóng chuyền để thanh niên trong làng có chỗ tập luyện thể thao sau những giờ lên rừng, ra rẫy, góp phần rèn luyện thể lực.

Anh Nguyễn Anh Khoa, Chủ tịch xã Ba Điền bây giờ đã chuyển hộ khẩu lên Ba Điền, trở thành công dân chính thức của vùng đất thăm thẳm giữa rừng già. Lúc lên với Ba Điền, Khoa còn rất trẻ. Những ngày bệnh lạ hoành hành, Khoa đến với Ba Điền với nhiệt huyết và lời hứa sẽ ở lại Ba Điền đến khi nào hết bệnh. Người H’rê ở đây rất tin Khoa, bởi lúc “bệnh lạ” hoành hành, chàng trai phố thị xung phong lên Ba Điền mà không có chút do dự.

Anh Khoa bộc bạch cho biết: “Nhờ được đầu tư giao thông và những công trình khác, thực sự là sức bật mới để giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã đổi mới, đi lên. Sau một thời gian chúng tôi phải căng hết sức đối phó với căn bệnh lạ, thì giờ đây người dân đã có thể yên tâm lao động nuôi sống gia đình bằng những sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, cùng các tổ chức cá nhân hảo tâm khác. Bộ mặt của Ba Điền bây giờ đã khác trước nhiều lắm rồi!”.

Làng Rêu giờ đã khác. Con suối Nước Nẻ đầy hung dữ đã được xây cầu. Đường bê tông hóa cho xe chạy qua cầu, chạy ra xã ra huyện trong ngày. Hàng hóa được mua bán, trao đổi thuận tiện hơn, thông tin dưới xuôi cũng ngày càng nhanh chóng đến với người dân.

Trưởng thôn làng Rêu vui vẻ khoe, một nửa số hộ trong thôn giờ đã cất nhà bằng gạch, xi măng kiên cố. Có 5 em đang theo học đại học ở các thành phố lớn. Các hộ dân chủ yếu sống bằng nghề nông lâm nghiệp, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là 31 triệu đồng/người/năm. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Mới đây, vào cuối tháng 11/2022, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trao Bằng khen công nhận khu dân cư làng Rêu là khu dân cư tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh năm 2022. Nhiều hộ gia đình, cá nhân đã được biểu dương khen thưởng vì đã thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Nói về thành quả ấy, anh Nguyễn Anh Khoa, Chủ tịch xã Ba Điền vẫn đầy chân tình: “Tôi vẫn nhiệt huyết như lúc mới lên Ba Điền, và còn nhiều dự tính cho vùng đất này nữa”.



Nguồn: Ngày mới Online

Chia sẻ.