Ngoại tôi ở một mình, trong ngôi nhà lá rộng ba gian. Gian giữa ngoại đặt bàn thờ ba cấp thờ ông bà tổ tiên. Gian đầu hồi bà kê cao “cấp săng ấm” phủ vải đỏ, che bằng vải hoa kín (thời ấy ở quê nhà nào có ông bà tuổi thất thập, con cái, cháu chắt đã lo chuẩn bị trước cấp săng ấm (quan tài) bằng gỗ tốt để sẵn trong nhà).
Cách nhà ngoại khoảng 20m có cái giếng mội, quanh năm nước mát lạnh, cát trắng xoá đáy giếng, nước không bao giờ cạn. Bên bờ giếng có một cây mù u to người ôm, đến mùa quả rụng khắp một vùng. Tụi con trai, con gái đến nhặt về nhà chơi, có đứa bày cách xâu thành chuỗi “tràng hạt” đeo vào cổ, tay lần từng hạt tập làm sư thầy ở chùa.
Quanh vườn nhà ngoại không thiếu một thứ cây gì. Nhiều nhất là loại mía lau, mía mừng, ai đến chơi ngoại đẵn vài cây vào ăn. Ngoài mía, đủ các loại rau ăn hằng ngày. Xung quanh bờ ao nhà ngoại trồng cây kè (cây lá dong) Tết bán cho những nhà gói bánh chưng. Sau vườn khoảng vài chục mét, ngoại có một khu vườn nhỏ nguyên sinh, đủ các loại gỗ quý: Bời lời vàng, de, dè, tre, nứa, mây,… Khu rừng này tổ tiên thừa lế hàng mấy trăm năm hết đời này đến đời khác lưu giữ. Dân làng thường gọi “lòi” bà cai. Đặc biệt là hàng chục cây mai già, đến Tết là nở hoa vàng, nhiều nhà đến mua về cắm Tết. Ngoại tôi không bán, biếu, tặng, cho vài ba cành về chơi Tết. Lũ trẻ con cứ thấy vắng bà là tót lên cây bẻ năm ba cành, một vác lẻn ra đường chạy. Có hôm ngoại bắt gặp chỉ cười và nói rõ to: “Chạy từ từ thôi, các cháu, coi chừng vấp ngã đấy”.
Trước cửa có hai cây bưởi, một cây khế ngọt. Vào tháng 3 hoa bưởi nở trắng, hương thơm ngát, ai đi ngang qua cũng ghé vào xin nhặt một ít về đun nước gội đầu. Đến mùa, trẻ chăn trâu cứ tự nhiên vào nhặt những quả rơi gọt ăn, còn những quả trên cây chỉ xin ngoại một tiếng là trèo lên làm vài ba quả ngay.
Ngoại tôi là thế. Hằng năm ngày giỗ, đắp mộ cho tổ tiên và những người đã khuất, con cháu tập trung đến ăn cỗ bàn xong, ngoại bảo con cháu ngồi uống nước và căn dặn: “Khổ đau không là do số phận hay người khác mang đến, mà là do ta tạo ra. Biết dừng lại đúng lúc là điều tốt nhất để người ta thanh thản”.
Những điều tốt biết về ngoại là thế. Còn mẹ tôi kể về ngoại nhiều chuyện nhưng tôi nhớ nhất là chuyện ngoại lo cho cậu Luận hoạt động cách mạng thời kì 1930-1931, ngoại tuyệt đối giữ bí mật. Hằng ngày vào bữa cơm tối là ngoại gói năm cơm vào mo cau, đợi tối hẳn nhìn trước nhìn sau không có một ai, ngoại lại mang nắm cơm ra giấu ở góc cây rơm trước cửa nhà, cậu về lúc nào cũng có cơm mang đi ăn. Nhiều hôm bận việc cậu không về lấy cơm, nắm cơm nguội thiu là bà ngồi khóc một mình.
Những lúc này, ngoại chỉ nói nhỏ với mẹ tôi biết, ngoài ra không có một ai hay. Về sau, cậu tôi bị giặc Pháp vây bắt và bị chúng xử tử hình. Mấy năm sau thì cậu út cũng hi sinh khi giặc càn vào làng. Ngoại tôi cứ lặng lẽ nén nỗi đau, những người thân thì đến động viên ngoại. Ngoại chỉ thưa: “Chiến tranh đất nước một mất một còn, người đứng lên bảo vệ giành lại đất nước thì cũng chịu cảnh một còn một mất”.
Năm 1950, mẹ tôi bị thương nặng trong một trận giặc vào làng, lúc tôi mới 5 tuổi. Ngoại tôi quyết định đưa mẹ tôi về nhà điều trị, chăm sóc bằng những bài thuốc vườn nhà, nhờ người lên rừng cắt cây tràm, cây chổi rèng hằng ngày đun nước rửa vết thương. Có nhiều bài thuốc lá đắng, cay ngoại cho mồm nhai để đắp vết thương, dùng mật ong rừng cho chóng liền da. Trên gác đủ các loại cây lá khô tươi, 6 tháng trời chỉ nhờ bàn tay ngoại, mẹ tôi đã lành vết thương, về nhà hoà nhập thôn xóm làm ăn.
Ngoại tôi đã về yên giấc suối vàng, khi tròn chín mươi tuổi đời, chín mươi mùa Xuân. Tất cả… ngoại để lại cho con cháu, chắt.
Tôi là cháu ngoại duy nhất còn sống, tuổi đời chạm tám mươi, là thương binh nặng sống cùng vợ con gia đình ở quê. Sự ra đi của con người theo quy luật vô thường: Sinh, lão, bệnh, tử; tất cả ta là thế tất. Dù ở chân trời nào, nghĩ đến mẹ cha của mình, nghĩ đến ông bà nội ngoại, giúp cho ta thêm động lực để sống, để bước trên con đường mình đã chọn.