Bà ngoại tôi, người phụ nữ bàn chân Giao Chỉ

0

Có một số cách lí giải về bàn chân đặc biệt này, nhưng có lẽ phần lí giải rằng, dân tộc ta là một dân tộc làm nông nghiệp, người nông dân thường xuyên đi chân đất để làm đồng thuận tiện. Khi lội bùn, ngón cái phải choãi ra để giữ thăng bằng, tránh bị ngã, lâu ngày làm thay đổi cấu trúc xương. Bà, có lẽ thuộc phần lí giải ấy. Gần 90 tuổi, bà chưa một lần ra khỏi lũy tre làng. Cả một đời cứ cặm cụi cần mẫn thay chồng nuôi con, rồi lại thay con nuôi cháu.

Ông vào Việt Minh, rồi đi khắp chiến trường Đông Bắc, Tây Bắc. Khi ông ở ATK, khi ông đi đánh Điện Biên Phủ. Ông đi tăng cường tình nguyện cùng bộ đội Pathet Lào, ông vào Nam theo những đợt tiến quân thống nhất đất nước, bà chiu chắt nuôi 6 đứa con, lo tròn bổn phận dòng tộc thay ông.

Bà ngoại tôi.
Bà ngoại tôi.

Ngày thống nhất, ông về chỉ với một bộ quần áo đã bạc màu chinh chiến. Bà khóc vì mừng, dù những vết thương trên người ông vẫn dày, có những viên đạn sau gáy, hay những mảnh đạn trong hốc mắt khiến mắt ông không nhìn được một bên. Bà mừng vì ông lành lặn trở về.

Những năm sau chiến tranh cho đến đầu 1980, ông làm Trưởng phòng Thương nghiệp (hồi ấy là Bộ Nội Thương), ông được phân nhà ở phố Nhà Binh. Ông muốn đưa bà theo, nhưng bà cả đời chưa ra khỏi cổng làng, bà không muốn đi dù chỉ cách làng hơn 25km, ông đành chịu. Sau tháng ngày công tác, năm 1983, ông trả nhà công vụ về với bà, chọn quê cũ làm nơi an dưỡng cuối đời. Bà lại chăm ông, khi những vết thương chiến tranh thường xuyên hành hạ ông mỗi ngày khi tuổi già sầm sập đổ xuống. Bà chăm ông, nuôi 5 đứa cháu thay con. Những đứa con khi ấy đứa thì đi Liên Xô, đứa đi bộ đội, đứa đi theo những đoàn xây dựng của đất nước, đứa sang Campuchia,…

Bà, một đời tần tảo, cần mẫn và cam phận. Ngày mùa Hè, có khi vẫn quát mắng chúng tôi, vì nấu cơm không cẩn thận để cháy cả đống rơm lứa lúa mới. Khi thì vừa khóc khi chúng tôi nghịch lửa thuốc lào của ông, để cháy cả cái áo bông xịn nhất làng được gửi từ Liên Xô về cuối những năm 80 của thế kỉ trước; rồi vừa đánh mông vừa xuýt xoa vì những vết phỏng đỏ trên tay cháu. Có lúc hay tất tưởi chạy từ đồng về khi biết tôi nghịch dại lấy gai dứa dại làm cưa cắt những gốc bàng non, những gốc xà cừ non trong trường. Có khi lại dỗ từng đứa cháu chỉ vì đánh nhau khi tranh nhau miếng tóp mỡ trong bát canh rau muống nghèo nàn của nhà quê. 5 đứa cháu cả nội cả ngoại chạc tuổi nhau, có những đứa hay đành hanh, có đứa thì lại hay tủi hờn, bà lúc thì ngọt ngào, khi thì nghiêm khắc nhưng chưa một lần cầm roi với chúng tôi.

Ông thì nghiêm khắc kiểu nhà binh, bà thì lại hiền lành như đất, một đời chưa bước chân ra khỏi lũy tre làng, dù sau này những đứa con, đứa cháu làm ăn và sinh sống có điều kiện ở Hà Nội, ở Quảng Ninh, ở phố thị hay cả trong miền Nam đều muốn đưa bà đi cho biết. Nhưng, bà như chiếc bóng thâm trầm nép sau bậu cửa cứ cặm cụi với đồng, với bãi, tỉ mẩn lo chuyện cúng thờ, rồi canh cánh cho con cho cháu mỗi chuyến đi xa.

Nhiều năm rồi, cuộc đời xô đẩy và sự bươn bả cho những cuộc mưu sinh nơi xứ người phương Nam, tôi ít về thăm bà. Giờ tóc bà đã bạc, mắt đã mờ, chân chậm tay run, nhưng vẫn đọc vanh vách các trò nghịch của tôi, như thuở bé. Lúc tôi đi, bà vẫn lần cạp váy, lụi cụi lấy ra những đồng tiền còm cõi dúi vào tay tôi, bảo bà cho.

Mấy mươi năm rồi, tôi chưa hứa với bà điều gì, cũng chưa làm cho bà được điều gì. Chỉ thương bà, người phụ nữ có bàn chân Giao Chỉ, một đời vì chồng, vì con, vì cháu, như những người phụ nữ khác hiền hậu chân chất và trung kiên ở đất nước này.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.