Ngày đi học, tối làm “thầy giáo nhí”
Đến xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa hỏi về nhà giáo Phạm Thiện (78 tuổi, ở thôn Bắc Sơn), ít ai không biết. Bởi, với người dân địa phương, nhà giáo Phạm Thiện là người nặng tình với sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn đất nước còn khốn khó.
Căn nhà của gia đình nhà giáo cao tuổi tuy không bề thế nhưng rất sạch sẽ, đồ đạc trong nhà được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Gần 20 năm rời xa bục giảng nhưng ông vẫn chăm chú dõi theo sự phát triển của giáo dục địa phương.
Bên li trà, nhà giáo Phạm Thiện hồ hởi chia sẻ về những năm tháng làm chiến sĩ “diệt giặc dốt” của mình. Những năm 1958 – 1959, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ,…”; chàng thiếu niên Phạm Thiện khi ấy mới 12 tuổi đã hăng hái tham gia.
Thày giáo Phạm Thiện. |
“Hồi ấy, được giao nhiệm vụ “diệt giặc dốt”, tôi vui lắm. Người theo học lớp bình dân học vụ chủ yếu là thanh niên địa phương không có điều kiện học tập”, ông Thiện hồ hởi cho biết.
Là học sinh có thành tích học tập xuất sắc lại có thêm một chút năng khiếu về sư phạm nên khi được giao nhiệm vụ, cậu bé Phạm Thiện thích ứng rất nhanh. Ban ngày học trên lớp, buổi tối lại dạy lớp bình dân học vụ. Cứ tối đến, thanh niên trong làng lại mang theo đèn dầu đến lớp bình dân học vụ. Nhà ai rộng rãi được trưng dụng làm nơi dạy học.
Ông Thiện kể, lớp bình dân học vụ khi ấy có khoảng 30 người, chủ yếu là thanh niên địa phương. Những cánh cửa nhà dân được tháo xuống làm bàn học, còn bảng viết được ghép lại từ những tấm gỗ. Loại bút sử dụng khi đó cũng chủ yếu là bút lá tre. Để nhìn rõ mặt chữ, mỗi người khi tới lớp bình dân học vụ đều mang bên mình một chiếc đèn dầu. Dù điều kiện học tập thiếu thốn nhưng ai cũng hăng hái tham gia, rất ít người bỏ học. Những ngày đầu, giáo viên của các trường đến dự giờ. Khi thấy hoàn toàn yên tâm, họ đã giao lại lớp cho thầy giáo nhí đứng lớp.
“Sau thời gian theo học, nhiều anh chị đã biết cách tính phần trăm, hiểu được phân số là gì. Thậm chí, còn biết cách hành văn có mở bài, thân bài và kết bài nên ai cũng rất hào hứng”, nhà giáo Phạm Thiện chia sẻ.
Sau 2 năm đứng lớp, Phạm Thiện phải nghỉ dạy, do trường Thiện học ở xa nhà. Tuy nhiên, kí ức về những ngày dạy bình dân học vụ vẫn được lưu giữ mãi. Sau này, ông quyết định theo học sư phạm và trở thành người “gieo chữ” ở làng biển xứ Thanh. Với những cống hiến trong thời gian dạy bình dân học vụ, ông được Nhà nước tặng Bằng Ghi công “diệt giặc dốt”.
Nặng tình với giáo dục địa phương
Tốt nghiệp cấp II, Phạm Thiện trúng tuyển vào Trung cấp Sư phạm. Hoàn thành chương trình học, thầy giáo trẻ được điều về Trường cấp I-II Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa giảng dạy.
Không chỉ là chiến sĩ năng nổ trên mặt trận văn hóa, thầy giáo Phạm Thiện còn hăng hái tham gia hỗ trợ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. “Ban ngày, chúng tôi dạy học dưới hầm hào, tối đến tranh thủ hỗ trợ bộ đội xây trận địa chống chiến tranh phá hoại. Tuy gian khổ, nhưng hồi ấy chúng tôi rất đoàn kết, thủy chung”, ông Thiện nhớ lại.
Sau nhiều năm giảng dạy cách nhà hàng chục ki lô mét, thầy giáo Thiện trở về Trường cấp I-II Hoằng Đông. Đến năm 1972, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường cấp I-II Hoằng Phụ (sau này là Trường Tiểu học Hoằng Phụ). Đảm nhận trọng trách mới, ông không ngừng nỗ lực xây dựng tập thể đoàn kết, từng bước khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất để trò học tốt, thầy cô dạy tốt.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề, năm 2004, thầy Thiện nghỉ hưu. Với những cống hiến cho ngành Giáo dục, nhà giáo vinh dự được Nhà nước trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam; Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.
Nhà giáo Phạm Thiện có 6 người con (5 gái và 1 trai). Trong đó cả 5 người con gái và con dâu của ông đều theo nghề dạy học.
Thầy Nguyễn Sinh Sỹ, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Phụ chia sẻ: “Có thể nói, thầy Thiện là “khuôn vàng thước ngọc” và là tấm gương mẫu mực đối với thế hệ học sinh chúng tôi ngày ấy, dù thầy không trực tiếp giảng dạy tôi. Tuy nhiên, thầy Phạm Thiện lại giảng dạy các anh, chị của tôi nên mối quan hệ giữa chúng tôi và thầy rất gần gũi”.
Theo thầy Sỹ, năm 1985, thầy công tác cùng với thầy Thiện ở Trường cấp I-II Hoằng Đông. Những năm làm hiệu trưởng, thầy Thiện rất quyết đoán và hết mình vì công việc. Đặc biệt, thầy tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng lại cơ sở vật chất, hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học.