Chuyện ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh

0

Mỗi thân phận, một nỗi niềm

Từ mặt trận trở về, ông T lấy vợ, và vợ chồng ông sinh được 6 người con. Ông bà dựng vợ, gả chồng, lo cho con cái công việc đầy đủ và đều có cuộc sống khá giả. Rồi bà đi tu, còn lại một mình, ông ăn ngủ thất thường, ngày càng suy yếu. Do con cháu chẳng ai đoái hoài, ông phải nhờ hàng xóm rồi xin vào Trung tâm.

Một trường hợp khác nguyên là thầy giáo dạy toán, đẹp trai, biết làm thơ, nói chuyện có duyên, được cô xinh nhất lớp tỏ tình nhưng ông né tránh. Sau đó ông lấy vợ, sinh ba người con, gia đình hạnh phúc. Khi các con trưởng thành, vợ ông bị bệnh hiểm nghèo, mất sớm. Ông buồn, sinh bệnh Parkinson, các con thuê “ô-sin” chăm sóc. Không ngờ “ô-sin” lại là cô học trò xinh đẹp ngày xưa. Cuộc đời của bà cũng như ông, chồng mất sớm, một mình nuôi 2 con gái trưởng thành, nhưng không đứa nào chịu nuôi bà, với lí do phận gái phải phụng sự nhà chồng.

Gần nửa năm bà chăm ông, cả hai vui vẻ, sức khoẻ được cải thiện. Đang hạnh phúc thì các con phát hiện bà “ô-sin” là người tình cũ của ông. Sợ rổ rá sẽ cạp lại, tài sản, cơ ngơi phải chia cho “ô-sin”, chúng cắt hợp đồng, mời bà ra khỏi nhà. Ông giáo già kể: “Khép lại kỉ niệm sâu sắc đó, tôi quyết định vào Trung tâm sống những ngày cuối đời và giấu mối tình sâu thẳm trong tim”.

NCT ở Trung tâm tập thể dục dưỡng sinh
NCT ở Trung tâm tập thể dục dưỡng sinh

Ở đây còn có nhiều trường hợp được con cháu quan tâm, nhưng họ không muốn phiền hà, tình nguyện vào Trung tâm để con cháu yên tâm làm việc.

Nhiều cụ lúc mới vào rất buồn tủi, nhưng khi vào ở Trung tâm tìm được bạn tâm giao, thấy phần đời còn lại hạnh phúc. Cụ Đào Thị S, ở TP Uông Bí, chỉ cao 90cm, nên rất mặc cảm. Khi vào Trung tâm, gặp cụ Lê Văn T, ở thị xã Đông Triều bị mù bẩm sinh. Cụ S tự nguyện chăm sóc cụ T từ bước đi, đến bữa ăn. Cụ tâm sự: “Tôi bị lùn, nhưng may mắn có đôi mắt. Ông T từ khi sinh ra đã không biết ánh sáng, nhưng khỏe chân khỏe tay. Hai người gộp lại giúp nhau vươn lên trong cuộc sống”. Những câu chuyện như thế ở Trung tâm Bảo trợ nhiều lắm.

Tổ ấm cuối đời

Giám đốc Trung tâm Nguyễn Nam Thắng cho biết, tháng 10/1960, khu Hồng Quảng thành lập Trại Cứu bần để nuôi dưỡng những người già cả, cô đơn không nơi nương tựa. Ngày đầu thành lập, Trại chỉ thu nhận được hơn 20 người, phải di chuyển qua nhiều địa điểm và đổi tên cho phù hợp với từng giai đoạn. Từ năm 2001 đến nay Trại trở thành Trung tâm Bảo trợ xã hội đóng ở phường Nam Khê, TP Uông Bí.

Trong 120 NCT được nuôi dưỡng ở đây, có 80 người được Nhà nước bảo trợ, 40 người là đối tượng tự nguyện, tự chi trả. Người nhiều tuổi nhất trên 90, người ở lâu nhất gần 50 năm, có cụ không biết quê quán, không có người thân thích. Các cụ xem cán bộ, nhân viên Trung tâm là con cháu, NCT xung quanh là anh chị em, vui buồn, sống chết có nhau.

Các cụ được quan tâm đầy đủ cả tinh thần và vật chất. Trung tâm thành lập Chi hội NCT, Chi hội Phụ nữ…. Những Ngày lễ, tết, Ngày Truyền thống NCT Việt Nam (6/6), Ngày Quốc tế NCT (1/10), ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam (20/10), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3)… Trung tâm mời các đoàn văn nghệ, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn đến giao lưu văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian, các cuộc thi phù hợp với NCT… Trung tâm còn có nghĩa trang cho các cụ không biết quê quán, không có người thân, có nhà tang lễ và nhà thờ cúng, tổ chức làm giỗ chung cho các cụ.

Ông Thắng còn cho biết, NCT có nhiều bệnh nền, nên việc phòng, chống dịch Covid-19 được đặc biệt quan tâm. Trung tâm thành lập Ban chỉ đạo do Giám đốc làm Trưởng ban, Đại diện NCT làm Phó ban, Trưởng các phòng ban, các nhà là thành viên; thường xuyên tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch Covid-19, hướng dẫn thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, hạn chế người ngoài vào Trung tâm. Đồng thời tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh, tập dưỡng sinh nhỏ lẻ có sự giám sát của cán bộ Trung tâm. Nhờ đó, qua 4 đợt dịch, Trung tâm vẫn là “vùng xanh”.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.