Để không còn nạn xả rác bừa bãi

0

Vẫn biết rằng trong cuộc sống hằng ngày, việc phát sinh rác thải là điều tất yếu, nhất là tại các khu vực có dân cư đông đúc thì lượng rác thải càng nhiều. Thế nhưng việc đổ rác, xả rác như thế nào mới là điều cần phải bàn, khi thực tế rác thải vương vãi, lưu cữu ở khắp mọi nơi, do những người thiếu ý thức gây ra!

Vâng, quả đúng là như vậy, khi trong cuộc sống hằng ngày, ngoài một số cư dân sống có ý thức, có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, họ tuân thủ nghiêm ngặt việc vứt đổ rác đúng nơi quy định; thì vẫn còn rất nhiều người bạ đâu vứt xả rác ra đó, khiến cho hình ảnh đô thị trở nên nhếch nhác, môi trường ô nhiễm.

Khởi nguồn của các bãi rác xấu xí, ô nhiễm xuất hiện tràn lan tại các đô thị, đó là ý thức sống của nhiều người dân còn thấp kém...
Khởi nguồn của các bãi rác xấu xí, ô nhiễm xuất hiện tràn lan tại các đô thị.

Hành vi vứt, xả rác tuỳ tiện bừa bãi nơi công cộng là một thói quen rất xấu, nếu không muốn nói “nặng” hơn là thiếu ý thức, vô văn hoá. Điều nguy hiểm hơn và cần nói ở đây đó là, trong khi chúng ta đã, đang dạy dỗ, giáo dục những lớp người trẻ của xã hội hiện đại ngày nay sống có ý thức với môi trường, khi tuyệt đối không vứt, xả rác bừa bãi…, thì vẫn còn có quá nhiều người lớn nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng hằng ngày vẫn vứt, xả rác bừa bãi. Chính hành vi vứt, xả rác bừa bãi nơi công cộng của người lớn không chỉ nêu “gương xấu” trước con trẻ, mà còn rất “khó dạy” con chuyện sống có ý thức và trách nhiệm với môi trường.

Hằng ngày, chính mắt tôi đã không ít lần tận mắt chứng kiến người lớn vứt, xả rác trước mặt con trẻ. Ví dụ, vào buổi chiều, tôi có thói quen đi bộ tại khu vườn hoa gần nhà. Ngay sát đó có khu nhà thiếu nhi, nơi các em nhỏ được cha mẹ đưa tới sinh hoạt, học tập các môn văn nghệ, thể thao, năng khiếu. Thường trước giờ vào học, các em hay được cha mẹ mua cho đồ ăn vặt, khi thì vài xiên cá, bò viên chiên; lúc lại hộp cơm chiên, hay li trà sữa, li nước mía,… Khi con em mình ăn uống xong, tôi thấy có nhiều người khi dời đi không chịu thu nhặt gói ghém rác thải là bao nilon, hộp xốp, giấy lau…, để mang tới những cái thùng rác cách không xa là bao để bỏ vào, mà họ bỏ mặc cho các loại rác đó nằm vương vãi khắp xung quanh ghế đá. Hay có một lần cách đây chừng vài tháng, khi đi xe ngoài đường, tôi thấy một phụ nữ dẫn theo một cháu nhỏ chừng 4 tuổi đi bộ trên vỉa hè. Vừa đi người phụ nữ này vừa bóc trái quýt để ăn, và mỗi lần bóc xong một miếng vỏ trái quýt, người phụ nữ này đã buông vứt ngay xuống phía dưới chân, thay vì gom lại đợi tới thùng rác để vứt bỏ vào.

Có thể những miếng vỏ quýt chỉ là rất nhỏ, và nó cũng ít tác động tới ô nhiễm môi trường, nhưng hành vi xả rác bừa bãi của người phụ nữ này như vậy trước mặt con trẻ là rất nguy hiểm, đã vô tình “gieo” vào suy nghĩ của đứa trẻ một thói quen rất xấu, bởi biết đâu đó chính trong suy nghĩ của đứa trẻ sẽ dần hình thành tư tưởng rằng: “Một khi mẹ xả rác bừa bãi như vậy thì mình vứt rác ra đường cũng đâu có sao?”!

Để môi trường xung quanh chúng ta không còn rác thải xấu xí, ô nhiễm vương vãi khắp mọi nơi, thiết nghĩ song hành với việc giáo dục, dạy dỗ những lớp người trẻ sống có ý thức trong chuyện vứt xả rác, thì chính những người lớn chúng ta nói chung cần phải nêu gương sáng trước mặt con trẻ, tuyệt đối không vứt, xả rác ra nơi công cộng, mà nên tuân thủ vứt xả rác đúng nơi quy định, cũng như luôn tìm thùng rác để bỏ vào…

Tất cả những hành vi tốt đẹp và có ý thức trong việc vứt xả rác của người lớn như vậy trước mặt con trẻ, đó mới chính là cách giáo dục thực tế tốt nhất, để các em học và sống noi theo.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.