Đổi thay ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng

0

Chính quyền, người dân cùng gỡ khó

Anh hùng Lao động Bành Văn Đởm, nguyên Trưởng Ban quản lí dự án vùng đệm U Minh Thượng nhớ lại: “Những năm 1990 – 1995, đời sống của người dân khu vực này thiếu thốn lắm. Nhà nước nhiều lần phải hỗ trợ tiền, gạo giúp dân. Chứng kiến cảnh người dân loay hoay với mảnh đất nhưng mãi vẫn nghèo, tôi và một số anh em cùng suy tính tìm hướng đi để cuộc sống bớt khó khăn hơn. Vào năm 2000, chúng tôi xin ý kiến Tỉnh ủy, UBND tỉnh đào mương trong diện tích đất người dân được cấp. Mỗi mảnh đất có chiều ngang 40m, dài 1.000m, trong đó, người dân chia 22m chiều ngang để sản xuất và đào 8m mương. Đất dưới mương múc lên sẽ đắp bờ 10m để người dân trồng trọt”.

Đổi thay ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng
Một góc vùng đệm U Minh Thượng với cây chuối xiêm là chủ lực.

Việc đào mương được chuẩn y. Nhà nước hỗ trợ người dân vay vốn để triển khai, nhưng kinh phí lên đến 32 triệu đồng. Giá 4ha đất trong vùng đệm ngày đó bán chỉ được 25 triệu đồng. Do kinh phí quá cao, nên người dân ngại vay tiền ngân hàng vì sợ sản xuất không hiệu quả thì không có tiền trả nợ. Thế nhưng, bằng sự kiên trì vận động của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức xã hội, nhiều hộ dân đã đồng tình. Ban quản lí dự án vùng đệm U Minh Thượng phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu về thổ nhưỡng vùng đất, thử nghiệm các lớp đất để tìm ra độ sâu thích hợp khi đào mương. Lớp đất đào mương múc lên được đắp thành bờ bao cho người dân trồng trọt. Các con mương đào vừa là nơi lấy nước tưới, xổ phèn, vừa là nơi thoát nước, tránh ngập khi mưa giúp người dân sản xuất được thuận lợi hơn.

Ông Võ Ngọc Giới, ở ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc khẳng định: sau khi các con mương được đào, việc phục vụ tưới tiêu dễ dàng hơn, người dân đã chuyển sang làm rẫy nhiều; đến năm 2001-2002, người dân phát triển trồng chuối. Đời sống người dân vùng đệm U Minh Thượng bắt đầu phất lên từ chủ trương phát triển kinh tế nông hộ.

Định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ

Bước vào thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, U Minh Thượng đã đi từng bước. Năm 2018, huyện bắt đầu tập trung tuyên truyền vận động và huy động nguồn lực về vốn, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; khảo sát chọn địa bàn, họp dân và xây dựng các chương trình, dự án sản xuất tôm – lúa, lúa mùa, cá đồng, rau màu, cây ăn trái theo hướng an toàn và đạt các chứng nhận VietGAP vùng tôm – lúa và vùng đệm U Minh Thượng. Năm 2019, U Minh Thượng chọn 3 xã Thạnh Yên, Hòa Chánh và An Minh Bắc triển khai chương trình, dự án sản xuất tôm – lúa; chọn xã Minh Thuận, An Minh Bắc triển khai mô hình lúa – cá, rau màu, cây ăn trái theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và đề xuất các chứng nhận theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, GlobalGAP để tiến đến chứng nhận hữu cơ.

Ông Lý Văn Tình, ngụ ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc, U Minh Thượng chăm sóc bưởi.
Ông Lý Văn Tình, ngụ ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc, U Minh Thượng chăm sóc bưởi.

Ông Giới cho biết: Từ năm 2003, trồng chuối xiêm cho hiệu quả kinh tế rõ rệt do ít tốn chi phí phân bón, nhẹ công chăm sóc. Gia đình ông có 2ha trồng chuối xiêm cho thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng; chưa kể, hằng tháng gia đình ông bán 300kg bắp chuối là đủ trang trải sinh hoạt gia đình.

Hiện vùng đệm U Minh Thượng có hơn 2.400ha trồng chuối xiêm theo hướng an toàn, đạt chuẩn VietGAP, tập trung ở xã An Minh Bắc và Minh Thuận. Đây là một trong những loại cây trồng có diện tích lớn của huyện, tạo thu nhập chủ yếu cho hàng trăm hộ dân, mở ra triển vọng cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Những kết quả bước đầu đạt được

Lợi thế của người dân vùng đệm là có nhiều đất để sản xuất nên dễ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Trên cùng diện tích đất, nông dân xen canh nhiều loại cây trồng, như trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản hoặc trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, nhất là chuối xiêm, gừng là hai loại cây trồng chủ lực.

Ở ấp Kinh Năm, nhiều hộ dân kết hợp mô hình trồng chuối xiêm, cây ăn trái, trong đó nhiều nhất là xoài, bưởi. Đến nhà ông Lý Văn Tình, ở ấp Kinh Năm, chúng tôi mê mẩn với vườn xoài, bưởi sum suê. Dưới mương ông nuôi ốc bươu, thả cá nước ngọt. Mảnh vườn xanh mát nhiều năm qua giúp gia đình ông Tình có đời sống ổn định. Nhẩm tính mỗi năm từ trồng xoài, gia đình ông lãi 300-400 triệu đồng. Nông dân trồng cây ăn trái ở ấp Kinh Năm đang hứa hẹn một bước đi mới phấn khởi khi tham gia hợp tác xã. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc được thành lập, phát triển mô hình sản xuất VietGAP đối với cây chuối, cây ăn trái và định hướng phát triển du lịch nông thôn. Vào hợp tác xã, nông dân được hỗ trợ kĩ thuật, vốn vay để đầu tư sản xuất. Ông Tình nói: “Vào hợp tác xã, nông dân được hỗ trợ vay vốn đầu tư trồng trọt, hướng dẫn kĩ thuật sản xuất. Nông dân tăng cường dùng phân, thuốc sinh học, kết hợp quy trình sản xuất cách li thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch. Đây là bước đầu tiến tới sản xuất nông sản sạch gắn với phát triển du lịch nông thôn”.

Có thể nói, trong thời gian triển khai thực hiện dự án phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng, thành quả thu được nhiều, nhưng khó khăn, vướng mắc cũng không ít. Để dự án nối tiếp có thể thực hiện thành công, rất cần sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia của người dân vùng đệm. Hi vọng, trong tương lai không xa, kinh tế – xã hội vùng đệm U Minh Thượng – vùng đất giàu tiềm năng, có bề dày truyền thống lịch sử anh hùng sẽ cất cánh, phát triển tương xứng với điều kiện sẵn có, ngang tầm với mặt bằng kinh tế – xã hội của tỉnh Kiên Giang.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.