Đường vào Yên Lạc thênh thang…

0

Để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII (2020- 2025) đề ra, Yên Lạc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển hạ tầng đô thị và công nghiệp. Trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huyện huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kĩ thuật, từng bước hoàn thiện theo hướng hiện đại và đồng bộ, hướng tới huyện Yên Lạc trở thành đô thị văn minh, phát triển bền vững.

Nằm ở phía Nam tỉnh, với diện tích tự nhiên hơn 106km2, gồm 15 xã và 2 thị trấn, trong đó có 6 đơn vị được công nhận là đô thị loại V, Yên Lạc không chỉ tạo điểm nhấn khi được công nhận là huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh, mà còn tiếp tục tạo sự đột phá trong phát triển hạ tầng đô thị và công nghiệp. Trên cơ sở xác định, định hướng huyện Yên Lạc phát triển theo hướng công nghiệp, đô thị, thương mại và nông nghiệp chất lượng cao, nhiều cấp đồ án quy hoạch được thiết lập, làm cơ sở hình thành khung hạ tầng kĩ thuật để phát triển đô thị, công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Đường vào Yên Lạc thênh thang...
Đường chính vào huyện Yên Lạc rộng thênh thang.

Hiện một số dự án đô thị trên địa bàn huyện đã được hình thành và đi vào hoạt động như: Khu đô thị Yên Lạc – Dragon City (diện tích 40,2ha); khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc và thị trấn Tam Hồng (diện tích 11,33ha); khu nhà ở đất dịch vụ xã Đồng Văn (diện tích 8,55ha)… tạo động lực để tỉnh phát triển đô thị phía Nam; đồng thời góp phần tích cực để Yên Lạc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu KT-XH, giải quyết việc làm. Một số dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư như: Dự án phát triển đô thị tại xã Trung Nguyên và thị trấn Yên Lạc (khu đô thị mới Green City diện tích 47,42ha); khu đô thị mới Đồng Cương – Bình Định (diện tích 22ha); khu đô thị mới Nguyệt Đức (diện tích 22ha)… sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị huyện Yên Lạc, phù hợp với thực tiễn và quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1883 ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với việc quy hoạch, phát triển đô thị, các công trình hạ tầng kĩ thuật như: Điện chiếu sáng, điện trang trí; công trình thoát nước, cây xanh, vệ sinh môi trường… cũng được Yên Lạc đẩy nhanh tiến độ. UBND huyện đã đầu tư xây dựng công trình hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh bằng việc thay mới các bóng đèn led; hệ thống điều khiển hẹn giờ tự động đóng cắt toàn bộ hệ thống điện trên tuyến… Các tuyến đường giao thông được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới đồng bộ, kết nối liên thông từ trung tâm huyện đến xã, như: Trục Bắc – Nam (tuyến từ QL2 tránh TP Vĩnh Yên đến ĐT.303 huyện Yên Lạc); trục Đông Tây, đoạn từ xã Trung Nguyên đến Tân Phong (Bình Xuyên); đường trục từ QL2 tránh TP Vĩnh Yên (phường Hội Hợp) đi ĐT.303 xã Tề Lỗ (Yên Lạc)… bảo đảm cho Nhân dân đi lại thuận tiện, đáp ứng tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Trên địa bàn huyện, các Cụm công nghiệp (CCN) ở Tề Lỗ, Yên Đồng, Đồng Văn, thị trấn Yên Lạc và các CCN làng nghề Minh Phương; CCN Trung Nguyên,… đã và đang hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều nhà đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành nghề phát triển và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Đặc biệt, việc hình thành và đưa vào sử dụng các CCN còn đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của hàng nghìn doanh nghiệp, hộ dân, đóng góp đáng kể vào ngân sách của huyện hằng năm.

Huyện Yên Lạc có 8 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, đang được duy trì và sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm cho gần 9.000 lao động nông thôn có thu nhập ổn định. Công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH của huyện với tốc độ tăng trưởng bình quân tăng đều theo các năm. Thu ngân sách đạt gần 658 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong huyện được cải thiện và nâng cao. Toàn huyện là vùng đất sáng – xanh – sạch – đẹp, đáng sống.

Bước vào năm 2023, huyện tiếp tục đẩy mạnh quá trình phát triển đô thị; trong đó, ưu tiên cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị khu vực số 1, số 2, số 3 thuộc thị trấn Yên Lạc và quy hoạch chi tiết khu trung tâm các xã: Yên Đồng, Đại Tự, Hồng Châu, Yên Phương, Hồng Phương, Trung Hà, Trung Kiên, Văn Tiến; lập đề án công nhận các xã Liên Châu, Yên Đồng là đô thị loại V; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đô thị và triển khai lắp đặt tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn…

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Khắc Hiếu và Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Xuân Thông cho hay: Trong tương lai gần, huyện Yên Lạc sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, hoàn thiện khung hạ tầng kĩ thuật, tạo sự kết nối với các vùng lân cận, tạo môi trường thân thiện, thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực đô thị, công nghiệp, thương mại – dịch vụ, hướng tới phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng Yên Lạc trở thành đô thị văn minh, hiện đại trên nền tảng huyện NTM nâng cao.

Khi hỏi về nguyên nhân thành công và động lực thực thi nhiệm vụ, cả Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện đều khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân huyện Yên Lạc đầy ắp khát vọng vươn lên. Trong xu thế phát triển toàn diện, mạnh mẽ của tỉnh Vĩnh Phúc thì huyện Yên Lạc cũng phải nâng tầm. Yên Lạc đã và đang kiến tạo đội ngũ cán bộ “nêu gương” để thực hiện “6 dám” và triệt để thực hiện cách làm “Giao nhiệm vụ cho người đứng đầu và nghiệm thu sản phẩm” mà Tỉnh ủy đề ra. Tạo sự đồng thuận “Ý Đảng – lòng dân”, mọi việc đều “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” và “Lấy sức dân mà lo cho dân”, từng bước đưa Yên Lạc “giàu có, phồn vinh, an bình” như lời dạy của Bác Hồ khi Người về thăm Vĩnh Phúc.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.