Giữ mãi tình yêu nghề đan

0

Thu nhập tỉ lệ nghịch với công sức

Theo sông Cái Tàu (hướng về thị trấn U Minh) đến xã Nguyễn Phích, rẽ vào những con rạch với cái tên mộc mạc như Rạch Giồng Ông, Rạch Sộp, Rạch Chệt, Rạch Tắc,… có thể nghe được tiếng chẻ tre, chẻ trúc, tiếng dọng nan, tiếng nan chạm vào nhau tí tách… làm thành âm thanh lao động rộn ràng của những xóm xa xôi chuyên nghề đan lát.

Xóm Rạch Chệt – một trong những xóm ven sông Cái Tàu hiện vẫn còn nhiều gia đình sống bằng nghề đan lát, có gia đình lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hơn 40 hộ dân ở Rạch Chệt đã có hơn một nửa sống bằng nghề đan lát truyền thống. Chị Phạm Thu Chung (53 tuổi) cho hay: “Bây giờ ít ai theo nghề đan lát vì nó khá cực mà thu nhập không được bao nhiêu. Tuy vậy, nhiều gia đình ở đây hai, ba đời vẫn sống bằng nghề này. Gia đình tôi cũng vậy”.

Tùy vào nhu cầu sử dụng mà có nhiều loại sản phẩm đan lát như: Thúng, rổ, nia, xịa, xề, rá,… Để làm ra thành phẩm, người lao động phải trải qua những công đoạn đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ: Cắt khúc, chẻ nan, lách nan, vót nan, gầy mê, đan, đát, lận vành và cuối cùng là nứt bằng dây nilon để vành tre được dính chặt vào mê. Nếu tính ra chắc khoảng 9, 10 công đoạn. Mỗi tháng, một hộ gia đình có thể làm ra 50 – 60 cái thúng, 150 – 200 cái rổ, còn nia, xịa, xề, rá khi được đặt hàng mới làm, thường số lượng ít hơn.

Giữ mãi tình yêu nghề đan
Nghề đan ở Cái Tàu

Công phu, vất vả như thế, song đồ nan thành phẩm ngày càng rớt giá. Chị Võ Hồng Phỉ (44 tuổi) chia sẻ: “Mỗi cái rổ bán ra chỉ được 7.000 – 10.000 đồng, đó là loại đồ hàng. Còn đồ đặt để đem đi triển lãm, làm quà tặng thì được hơn 15.000 đồng/cái. Làm đồ hàng nhanh hơn đồ đặt vì nó không cần trau chuốt kĩ lưỡng, chỉ cần chắc chắn. Còn đồ đặt phải trau chuốt từng sợi nan cho bóng mượt, cho đều, mang tính thẩm mĩ, có khi mỗi tháng chỉ làm ra 40 – 50 cái là cùng”. Với giá thành 7.000 – 10.000 đồng/cái rổ, 25.000 – 30.000/cái thúng, mỗi tháng thu nhập bình quân của một gia đình chỉ khoảng 2 – 4 triệu đồng. Mặc dù vật liệu (chủ yếu là cây trúc, tre) khá rẻ, nhưng số tiền thu lại thật sự ít ỏi, tỉ lệ nghịch với công sức người lao động bỏ ra.

“Chúng tôi giữ nghề vì tình yêu…”

Ngày nay, khi những sản phẩm bằng nhựa, inox, nhôm… lên ngôi, đồ nan không còn giữ vị trí độc tôn như mười năm về trước. Những chuyến ghe chở đồ nan đi bán ở các tỉnh khác bắt đầu thưa thớt dần, nhiều người cũng bỏ nghề đan lát để làm công việc khác. Thế nhưng, ở Rạch Chệt và những con rạch lân cận như Rạch Sộp, Rạch Tắc… bên dòng sông Cái Tàu vẫn còn văng vẳng tiếng chẻ trúc, dọng nan.

Gặp chị Trần Ngọc Bích (40 tuổi, ngụ tại Rạch Chệt) đang ngồi vót nan dưới bóng mát của căn chòi tạm dựng bên bờ sông, chúng tôi hỏi động lực nào để chị giữ lấy nghề đan lát trong khi chị vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác. Nở nụ cười tươi rói, chị Bích tâm sự: “Ở xứ này, chúng tôi giữ nghề vì tình yêu là chính. Nghề truyền thống mà, bỏ sao được”.

Chị Võ Hồng Phỉ (44 tuổi) theo chồng về Rạch Chệt đã hơn 20 năm, thử qua nhiều nghề mưu sinh, cuối cùng cũng chọn nghề đan lát. Nhờ tích góp từ tiền đan lát nhiều năm cùng với mấy vụ tôm trúng mùa, vợ chồng chị đã cất được căn nhà, tuy không quá khang trang nhưng chắc chắn. Gia đình ông Phạm Sơn Hà (74 tuổi, ngụ tại Rạch Chệt) dù chật vật vẫn nỗ lực giữ nghề truyền thống. Con ông Hà người nào cũng biết đan rổ, đan thúng, có người nhờ chăm chỉ đan lát mà nuôi được con vào đại học. Những người lao động nơi đây đã giữ nghề bằng tình yêu và niềm tri ân sâu sắc với nghề tuy khó làm giàu nhưng vẫn bảo đảm cuộc sống của họ.

Du lịch Cà Mau ngày càng phát triển, du khách đến với “thành phố cực Nam” thường theo sông Cái Tàu về U Minh để thưởng thức những đặc sản nổi tiếng như dâu da, mật ong rừng tràm,… và thâm nhập vào những xóm đan lát sót lại. Thúng, rổ, rá được quan tâm với tư cách là đồ thủ công mĩ nghệ. Những sản phẩm đan lát ngày một được nâng giá, cuộc sống người dân ngày càng ấm no hơn. Trong những dịp Hội chợ Du lịch ở Cà Mau và nhiều tỉnh, thành phố khác, sản phẩm đan lát Cái Tàu được trưng bày trang trọng, giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đó chẳng những là niềm tự hào của người Cà Mau nói chung, “miệt Cái Tàu” nói riêng mà còn góp phần thúc đẩy du lịch Cà Mau phát triển.

Với tình yêu những giá trị truyền thống, chúng tôi hi vọng rằng, nghề đan lát sẽ có điều kiện phát triển, thương hiệu “Đồ nan Cái Tàu” được lan xa và chất lượng cuộc sống của người lao động được nâng cao hơn.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.