Kinh tế phục hồi khởi sắc
Theo Cục Thống kê thành phố, qua số liệu thống kê 2 tháng đầu năm 2022 cho thấy bức tranh kinh tế của thành phố đã khởi sắc với nhiều kết quả khả quan.
Thứ nhất, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,1% so với cùng kì; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 2 tháng đầu năm 2022 tăng 14,8% so với cùng kì. Trong đó, thu ngân sách tăng chủ yếu đến từ các khoản thu liên quan bất động sản cùng với việc giá dầu thô và sản lượng khai thác tăng, thị trường tài chính tăng trưởng ổn định.
Thứ hai, trong điều kiện kinh tế thế giới còn khó khăn vì dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao, giao thương chưa trở lại được trạng thái bình thường, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng TP Hồ Chí Minh tăng mức 8%. Đây là tín hiệu rất tích cực chứng tỏ các hợp đồng sản xuất, kinh doanh cơ bản đã phục hồi.
Thứ ba, thành phố vẫn đang thực hiện tốt các chương trình phòng chống dịch, kiểm soát dịch bệnh tốt, chủ trương sống chung an toàn với dịch là yếu tố quan trọng, tạo niềm tin cho người dân. Đây cũng là động lực để người lao động ở các địa phương quay trở lại thành phố.
![]() |
Doanh nghiệp sẽ giảm bớt khó khăn khi được vay vốn trả lương cho người lao động. |
Thứ tư, thị trường logistics tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng cũng được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là tiềm năng và phát triển mạnh trong năm 2022, khi các hợp đồng sản xuất, kinh doanh thương mại được kì vọng phục hồi tốt trong thời gian tới.
Thứ năm, hoạt động thương mại trong 2 tháng đầu năm và dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Thứ sáu, từ ngày 15/3 thành phố đã mở cửa hoạt động du lịch quốc tế, đây là cơ hội để thành phố có thể phục hồi đầy đủ.
Thứ bảy, đầu năm 2022 chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022-2023 đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành và đang tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong thời gian tới.
Cấp bách triển khai nhiều giải pháp
Tuy nhiên, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những mặt hạn chế đối với kinh tế thành phố. Trong đó, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với biến chủng Omicron đang trở nên phổ biến, sẽ có những tác động không tốt đến nỗ lực phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, trong 2 tháng đầu năm số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng cao hơn số doanh nghiệp hoạt động trở lại. Điều này cho thấy, một số bộ phận doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch; sức ép lạm phát 2 tháng đầu năm tăng 1,26%, cao hơn 0,74% so với 2 tháng đầu năm 2021 (0,52%).
Một trong những thách thức hiện nay là giá xăng dầu tăng không chỉ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành vận tải, logistics là những ngành có chi phí xăng dầu chiếm từ 35-40% trong cơ cấu gia tăng.
Để kịp thời có những giải pháp khắc phục khó khăn, đồng thời chủ động khai thác các cơ hội nhằm đạt được kết quả phát triển kinh tế – xã hội cao nhất trong các tháng tiếp theo, TP Hồ Chí Minh cần chú trọng đến một số vấn đề: Tiếp tục triển khai nhất quán đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm xúc tiến an toàn kĩ thuật, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Đồng thời, hỗ trợ nguồn lực tạo điều kiện phục hồi và phát triển doanh nghiệp, trong đó quan tâm hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp đang cần vốn, nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Triển khai các gói vay lãi suất thấp trong thời hạn 3 – 6 tháng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, triển khai mạnh mẽ các giải pháp phục hồi phát triển thị trường lao động, kết nối cung cầu bằng chính sách thu hút lao động trở lại thành phố, xây dựng các chính sách an sinh hỗ trợ về nơi ở, vấn đề đi lại; xác định việc đẩy mạnh vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, là giải pháp thúc đẩy kinh tế.
Mặt khác, kiểm soát lạm phát trên địa bàn thông qua chương trình bình ổn giá, bảo đảm nguồn cung xăng dầu dài hạn cho nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm thủ tục hành chính cũng như tăng cường xử lí hành chính trên nền tảng trực tuyến, đổi mới sáng tạo thúc đẩy mạnh mẽ vấn đề chuyển đổi số, phát triển kinh tế số…