Kỳ vọng tháo gỡ nhiều tồn tại, vướng mắc!

0

Chiếc áo đã quá chật

Trong lịch sử truyền thống hơn 60 năm qua, ngành Dầu khí đã thực hiện được ý nguyện lớn lao của Bác Hồ, của Đảng, Nhân dân về xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh – có giai đoạn đóng góp 30% ngân sách quốc gia và ngay ở thời điểm hiện tại khi quy mô của nền tế lớn hơn rất nhiều thì ngành dầu khí tiếp tục đóng góp quan trọng, chiếm khoảng 10% ngân sách nhà nước. Liên tục trong quá trình phát triển, ngành Dầu khí đã thực hiện được sứ mệnh của mình trong bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực cho đất nước, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trên biển.

Sửa đổi Luật Dầu khí:     Kỳ vọng tháo gỡ nhiều tồn tại, vướng mắc!
Ngành Dầu khí có giai đoạn đóng góp 30% cho ngân sách quốc gia

Ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, trong bối cảnh mới với những thay đổi của điều kiện tài nguyên, chuyển dịch năng lượng, những biến động, bất định lớn của kinh tế – xã hội toàn cầu, Luật Dầu khí hiện hành đã trở thành “chiếc áo quá chật” kìm hãm sự phát triển của ngành. Do đó, cần thiết phải sửa đổi để tạo cơ chế, điều kiện cho ngành Dầu khí phát triển, đóng góp cho đất nước.

Ông Nguyễn Tiến Vinh, PTGĐ Vietsovpetro cho rằng, việc sửa đổi Luật Dầu khí có ý nghĩa quan trọng trong việc tính toán, lập và triển khai các kế hoạch phát triển trung và dài hạn, góp phần vào sự phát triển chung của ngành dầu khí, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, qua đó Vietsovpetro kiến nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn Luật Dầu khí sửa đổi. Trong đó, tập trung vào các giải pháp thu hút đầu tư và xác định vai trò vị trí của Petrovietnam theo nguyên tắc tăng cường phân cấp, giao quyền, cải thiện thủ tục hành chính trong hoạt động dầu khí.

Bên cạnh đó, trải qua quá trình hình thành và phát triển, cùng với cơ sở hạ tầng Vietsovpetro cũng đã hình thành đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm và một nguồn quỹ phát triển sản xuất vững mạnh, tạo nên cơ sở vững chắc để Vietsovpetro tham gia đầu tư vào các lô dầu khí mới và lĩnh vực năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió ngoài khơi). Do đó, Vietsovpetro kiến nghị các cấp thẩm quyền tạo điều kiện cho Vietsovpetro được mở rộng hoạt động dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và xem xét cho phép Vietsovpetro tham gia đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng tái tạo ngoài khơi – ông Vinh cho hay.

Sửa đổi Luật Dầu khí:     Kỳ vọng tháo gỡ nhiều tồn tại, vướng mắc!
Ông Trần Quang Dũng (đứng) cho rằng, trong điều kiện hiện nay có nhiều thay đổi, chuyển dịch về tài nguyên, năng lượng, biến động… Luật Dầu khí hiện hành đã trở thành “chiếc áo quá chật” kìm hãm sự phát triển của ngành nên cần phải được sửa đổi.

Theo ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), hoạt động của PVEP chịu sự tác động của Dự án Luật dầu khí (sửa đổi), do đó những khó khăn, tồn tại của PVEP cần phải được sửa đổi cho phù hợp với hiện tại.

Vì chỉ tính từ giai đoạn 2016-2021, quy mô đầu tư của ngành chỉ còn 15% so với 5 năm trước đã cho thấy nhiều khó khăn trong hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Nếu như giai đoạn trước đây PVEP có đến 27 dự án được ký, thì 6 năm gần đây chỉ ký được 2 dự án. Trong khi đây là ngành đặc thù, rủi ro cao, tỉ lệ thành công chỉ 15%, lại thiếu cơ chế xử lý rủi ro.

“Với ưu đãi mới, quy định mới cho phép dự án sớm đưa vào phát triển, khai thác. Tất nhiên vẫn có rủi ro nhưng có thể tăng thêm trữ lượng khai thác khoảng 70-80 triệu thùng dầu, tạo doanh thu khoảng 1 – 1,5 tỉ USD”, ông Hoàng Ngọc Trung nhấn mạnh.

Liên quan các dự án đang sắp kết thúc bước sang giai đoạn tận thu, ông Trung kiến nghị dự luật cần quy định cho phép Thủ tướng quyết định mức miễn giảm thuế ưu đãi cao hơn so với dự thảo hiện nay cho các lô, mỏ cần áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt để có thể hiện thực hóa hoạt động khai thác tận thu, tránh lãng phí tài nguyên.

Đồng thời nên đa dạng hóa hình thức hợp đồng dầu khí, cho phép áp dụng thêm các hình thức khác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi cho cả Chính phủ và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích các nhà thầu của hợp đồng dầu khí hiện có đầu tư bổ sung để gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu; bổ sung hình thức gia hạn hợp đồng dầu khí cũ, bên cạnh việc ký hợp đồng mới như quy định tại dự thảo tại Điều 32a.

Bên cạnh đó, ngoài việc cho phép sử dụng miễn phí tài liệu và công trình, phương tiện thiết bị khai thác, cần bổ sung quy định cho phép sử dụng Quỹ thu dọn mà chính Nhà thầu đó đã trích lập theo hợp đồng cũ để phục vụ cho việc thu dọn các công trình, thiết bị sau khi kết thúc hợp đồng dầu khí mới.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, với những kinh nghiệm của ngành Dầu khí trong hoạt động thăm dò, khai thác, dịch vụ ngoài khơi, cơ sở vật chất, nguồn lực con người, những thông tin, hiểu biết về khí tượng, thủy văn, địa chất biển… là điều kiện thuận lợi để tham gia, tối ưu đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, tránh lãng phí, gia tăng hiệu quả, giảm giá thành. Ông Nguyễn Quốc Thập cũng kỳ vọng Luật Dầu khí sửa đổi sẽ được thông qua, được thực thi trong cuộc sống, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, của xã hội và doanh nghiệp.

Luật mới kỳ vọng gỡ được nhiều vướng mắc

Ông Lê Đắc Hoá, Giám đốc dự án Lô 01, 02 (PVEP) kỳ vọng luật Dầu khí như “chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa dầu khí xinh đẹp đang ngủ”, đặc biệt là với thăm dò, khai thác dầu khí.

Dẫn câu chuyện cụ thể của lô 01, 02 đã khai thác từ năm 1991, ông Hóa cho biết, đến bây giờ chưa có bất cứ quy định, điều luật nào trong Luật Dầu khí hiện hành để áp dụng cho các vấn đề phát sinh tại lô khai thác này. Trong đó có vướng mắc về chi phí thu dọn mỏ chưa có quy định nào để điều chỉnh. Do đó, sau khi Petronas trả lại cho Việt Nam và tồn tại phí dọn mỏ đến năm 2020 xấp xỉ 200 triệu USD và thuế VAT.

Sửa đổi Luật Dầu khí:     Kỳ vọng tháo gỡ nhiều tồn tại, vướng mắc!
Tòa đàm Luật Dầu khí sửa đổi phục vụ mục tiêu phát triển đất nước tổ chức mới đây tại TP Vũng Tàu

“Vì vậy Petronas kiện PVN và chúng ta thua khoảng 150 triệu USD. Đó là hệ lụy do chưa có quy định trong Luật Dầu khí”, ông Hóa dẫn chứng và khẳng định lô dầu khí này rất quan trọng vì đã mở ra tiền đề cho hợp tác quốc tế sau này. Vì vậy, ông Hóa mong Luật Dầu khí mới sẽ giải quyết được những vướng mắc trong trường hợp cụ thể này.

Được biết, trong 5 năm qua, có những thời điểm giá dầu thế giới xuống thấp kỷ lục như vào quý II/2022, gây khó khăn rất lớn cho ngành công nghiệp khai thác dầu khí. Trong giai đoạn thế giới biến động như hiện nay và những thập kỷ tới, cùng với xu hướng chuyển dịch nguồn năng lượng từ hóa thạch sang “xanh” đang ngày càng rõ nét.

Vì vậy có nhiều ý kiến đề xuất Luật Dầu khí (sửa đổi) cần cân nhắc đến các cơ chế, nguyên tác, biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư ở những thời điểm giá dầu sụt giảm, để bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước và nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư vượt qua khó khăn, nhằm mục tiêu khai thác kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí. Đồng thời Luật cũng cần quy định nguyên tắc điều chỉnh thuế suất tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp (thay đổi/giảm) khi giá dầu thô giảm đến một ngưỡng nhất định.

Sửa đổi Luật Dầu khí:     Kỳ vọng tháo gỡ nhiều tồn tại, vướng mắc!
Công trình giàn khoan dầu khí của nước ngoài đặt hàng (trị giá hàng trăm triệu USD) do PTCS thi công, chế tạo tại Việt Nam

Đưa ra những kiến nghị vào Luật Dầu khí (sửa đổi), ông Trần Hồ Bắc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cho rằng, cần có quy định rõ tỷ trọng nội địa hóa trong các hợp đồng dầu khí vì hiện chưa có quy định rõ, quy định còn chung chung.

Theo ông Bắc, Luật cần giữ nguyên nội dung quy định tại Điều 26 – Luật Dầu khí năm 1993, quy định: “Nhà thầu được quyền ký kết hợp đồng về dịch vụ dầu khí, nhưng phải ưu tiên ký kết những hợp đồng đố với tổ chức, cá nhân Việt Nam”. Tuy nhiên, hiện nay Dự thảo Luật Dầu khí đang được lấy ý kiến đã không còn quy định nội dung này.

Bên cạnh đó, PTSC kiến nghị là cho phép Chính phủ ban hành và phê duyệt danh mục dự án đặc thù, riêng biệt và áp dụng các cơ chế đấu thầu dịch vụ đặc thù để bảo đảm tính chất đặc thù của ngành dầu khí, đặc biệt như yếu tố bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

“Cách đây khoảng 20 năm, dịch vụ của chúng tôi phải thuê nhiều người nước ngoài từ chuyên gia đến thủy thủ. Nhưng sau 5-7 năm chúng tôi nội địa hóa hết. Khát vọng của chúng tôi là vươn ra biển lớn, doanh thu bằng đô la ở nước ngoài”, Hiện PTSC có tổng số 8.000 lao động phần lớn là người Việt Nam, có tay nghề chất lượng cao, có mức thu nhập bình quân khoảng 1.000 USD/tháng, ông Trần Hồ Bắc cho biết.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.