Mang tâm hồn của núi

0

Người đồng hành với tôi là ông Lương Văn Bóng, trước làm ở Bảo hiểm xã hội huyện Quỳ Hợp, nghỉ hưu từ năm 2018, hiện trú tại khối 7, thị trấn Quỳ Hợp. Ông Bóng có một đam mê đặc biệt với văn hóa dân tộc Thái. Ông đã biến tầng 1 căn nhà sàn của mình thành “Bảo tàng dân tộc Thái”. Ông sưu tầm rất nhiều các vật dụng “truyền thống” của người Thái, trình bày theo khu vực, đề tài, như những đồ vật liên quan đến bếp núc; những đồ vật liên quan đến dệt vải; những dụng cụ liên quan đến việc làm ruộng, làm nương; đến đánh bắt cá, đánh bắt thú…

 sản phẩm của Tổ Mây - tre đan bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông)
Sản phẩm tre đan bản Diềm, xã Châu Khê huyện Con Cuông.

Trong văn hóa Thái, ông Bóng đặc biệt mê các họa tiết, thêu thùa, thổ cẩm, rồi ông thêu tranh trên vải. Những “bức tranh” của ông được mọi người khen ngợi. Trước đây (những năm 1974 – 1975), tôi từng là giáo viên cấp II của ông Bóng, nhưng nay cũng rất bất ngờ về “năng khiếu” này của ông. Từ thêu thùa, ông chuyển sang đan lát. Đầu tiên ông đan giỏ đựng xôi (ẹp khầu), rồi giỏ đựng đồ sính lễ trong cưới hỏi (mở chậu), và bây giờ là “vỏ chai” (như vỏ ấm, vỏ phích). Có khách hàng từ Hải Phòng vào đặt ông đan cho hàng chục cái “vỏ chai”. “Chai” ở đây là những chai rượu đặc biệt; có “vỏ” đan bằng lạt giang (nhuộm màu), sợi mây nữa thì nó tăng độ độc đáo, bắt mắt lên rất nhiều. Chính ông Bóng đã gọi điện rủ tôi vào tham quan bản Diềm. “Thầy ở Xốp Chăng mà chưa vào bản Diềm hay sao?”, ông hỏi. “Chưa”, tôi thú thật. “Em muốn vào xem để học hỏi thêm, mời thầy cùng đi”. Tất nhiên là tôi đồng ý.

Chúng tôi phải hỏi đường đến 4, 5 lần mới vào đến nơi. Chúng tôi dừng xe ở trên đỉnh dốc bản Diềm, trước nhà một ông lão tóc bạc trắng đang ngồi đan ở trong nhà. Ông Bóng bước vào nhà trước và được chào đón niềm nở. Thấy vậy, tôi cũng theo luôn. Một đống song mây chất quanh chỗ ông chủ nhà ngồi. Trên vách treo đầy mâm mây, ghế mây, rổ rá,…Tôi biết là đã vào “đúng địa chỉ”.

Mang tâm hồn của núi

Chủ nhà tên là Vi Hồng Thiện, cái tên có vẻ “trẻ”, nhưng tóc ông đã bạc trắng. Mắt chưa phải đeo kính. Ông Bóng nhặt một cái “mặt” mâm mây lên hỏi: “Làm sao mà bác đan được chữ “kỉ niệm – gia đình – hạnh phúc”?”. Ông Thiện nói: “Bình thường thì ta đan lóng mốt, lóng hai, lóng ba, đến đây phải “đột xuất” đan lóng 5, lóng 7… Đây!…”. Ông Bóng gật gù, tỏ ra hiểu, rồi hỏi: “Thế còn lạt màu nâu này thì lấy chi nhuộm?”. “Lấy củ nâu về giã nhỏ ra, đun nồi nước sôi, cho lạt vào ngâm một buổi. Lạt ngấm màu, đồ vật hư nhưng màu vẫn không nhạt”. “Thế còn màu đen thì lấy cây gì?”, tôi hỏi xen vào. “Vỏ cây có phạt, vỏ cây chơ pháy. Cũng đun nước ngâm như thế”, ông Thiện nói. “Vỏ cây chở kìa nữa”, ông Bóng thêm.

Rồi quay sang cầm con dao chẻ lạt lên, ông Bóng hỏi: “Bác mua ở đâu con dao này?”. “Đặt thợ rèn làm đấy”, ông Thiện trả lời. Tôi ngắm con dao, thấy đây là một con dao “chuyên dụng” chứ không phải con dao bình thường. Nó mỏng, nhỏ, nhẹ như lá tre, gắn với cái cán dài gấp đôi cán dao bình thường. “Thợ rèn ở đâu ạ?”, ông bóng hỏi. “Ngoài Xốp Chăng”. “Công cụ thế là rõ, còn nguyên liệu thì sao?”, tôi hỏi ông Thiện. “Lạt đan tốt nhất là giang. Còn song mây… thì có rừng do gia đình quản lí…”, ông Thiện nói.

Chừng câu chuyện của hai “cao thủ đan lát”, “hai tâm hồn của núi” (ông Bóng và ông Thiện) đã vơi, tôi nhặt một tấm đan dở lên hỏi chủ nhà: “Đây là những hoa văn gì đây ạ?”. Ông Thiện chỉ cho tôi từng cái một: “Đây là tín khiệt (chân nhái), đây là phắc cụt (ngọn dớn), đây là hó cồng”. Tôi không hiểu từ “hó cồng” là gì, hỏi lại, thì ông giải thích là “giàn cồng chiêng”. “Ừ! Giống cái/ để treo quả chiêng thật”, tôi thừa nhận.

Rồi tôi hỏi ông Thiện: “Tổ tiên của bác từ đâu đến đây ạ?” – “Từ Mường Quạ (Môn Sơn – Lục Dạ, Con Cuông)” – “Thế thì bác là người Tày Thanh (một nhóm Thái) rồi. Dòng họ của bác đến đây đã được mấy đời rồi ạ?” – “Đến tôi là được 4 đời” – “4 đời là khoảng từ 150 năm trở lại. Mà bác năm nay gần 80 tuổi, thì có nghĩa là dòng họ của bác đã ở đây từ khoảng cuối thế kỉ thứ XIX. Ngoài dòng họ của bác còn có dòng họ nào nữa ở đây”, – “Các họ Lang, Lộc, Lữ, Lương, Quang” – “Ngoài người Thái còn có dân tộc gì nữa không?” – “Có người Đan Lai”…“Bản Diềm nay có khoảng bao nhiêu hộ?” – “Khoảng 170 hộ” – “Có thầy mo nữa không?” – “Trước đây có 5 người, nay chỉ còn 2 người. Một ông đã ngoài 90 tuổi. Ông thường nói với con cháu “Bọn bay phải học nghề mo chứ không thì tao chết là mất’”. Tôi nói với ông Thiện là tôi quan tâm đến các ông, bà mo là về mặt “văn hóa dân tộc”, rằng có dịp tôi nhất định phải tiếp cận với những thầy mo…

Chúng tôi từ biệt ông Thiện và đi vòng quanh, thăm thú bản Diềm cả ngày hôm đó. Khi mặt trời dần “rụng” xuống ngọn núi phía Tây thì chúng tôi mới quay xe đi ra Quốc lộ 7 về nhà. Vậy là chúng tôi đã hiểu thêm một số điều về bản Diềm nhưng nhiều câu hỏi thì vẫn còn đó. Và đó là lí do chúng tôi sẽ trở lại bản Diềm. Hẹn gặp lại bản Diềm! Hẹn gặp lại những con người mang tâm hồn của núi, không chỉ có ông Thiện, ông Bóng mà cả bản Diềm!



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.