Nên duyên
Đón tiếp chúng tôi vào một ngày trời mưa lất phất tháng 9. Rất cởi mở và chất phác, ông bà đã giúp cho thế hệ trẻ như chúng tôi thấy lại cả một thời thanh xuân sôi nổi mà rất đỗi tự hào khi cả hai người đều tham gia vào cuộc kháng chiến giành độc lập thống nhất dân tộc. Và rồi, từ ý chí “sống chết cho quê hương” mà họ đã nên duyên “bén rễ, nảy mầm” và vươn xanh mãi cho đến tận bây giờ khi hai ông bà hai mái đầu đã ngả màu bạc trắng.
Kể về thời “gác bút tuổi học trò ra trận”, ông Quang chia sẻ: “Cha tôi là Nguyễn Kim Hoa, là một liệt sĩ. Thời đó thấy cha tôi đi chiến đấu nên trong tôi cũng ấp ủ một tinh thần yêu quê hương đất nước. Lúc 14 tuổi năm 1964 tôi là đội trưởng đội thiếu niên Tiền Phong tại Quy Nhơn. Lên 18 tuổi tôi cũng như bao thanh niên thời đó, viết đơn xin đi bộ đội tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất non sông”.
Bà Bưởi, quê Quảng Ngãi, năm 17 tuổi tham gia thanh niên xung phong đi tải đạn. Trong khói lửa chiến tranh đó bà đã không may bị thương nặng ở chân phải, điều trị 5 tháng tại Quảng Ngãi đến năm 1972 được cử ra Bắc học văn hóa tại tỉnh Hưng Yên và quen biết với ông Quang cũng học tại đây. Chính đây là nơi nên duyên cho tình yêu của hai người, nơi mà ông Quang tìm thấy một nửa tuyệt vời duy nhất của cuộc đời mình. Họ cưới nhau vào năm 1974.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ông bà về Quy Nhơn nơi quê hương của ông Quang. Năm 1976, bà Bưởi sinh con trai đầu lòng. Người con thứ hai sinh năm 1980 và người con trai út sinh năm 1982. Đến năm 1990, cả gia đình ông chuyển vào Bà Rịa – Vũng Tàu sinh sống. Thời gian đầu vất vả chật vật do phải làm lại từ đầu, nhưng ông bà vẫn cố gắng nuôi dạy các con ăn học thành tài. Cả 3 người con hiện đều có công việc ổn định, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Bưởi cho biết, trước đây khi ông Quang còn khỏe mạnh thì công việc của ông là đi biển, lúc rảnh ông phụ việc nhà. Nhưng từ năm 2021, ông bị tai nạn giao thông, việc đi lại khó khăn phải di chuyển bằng xe lăn, mọi việc lớn nhỏ trong nhà bà Bưởi lo liệu. “Trước đây, ổng chăm tôi, còn bây giờ tôi chăm ổng. Cứ thế đã hơn 50 năm lấy ổng, tôi thấy rất hạnh phúc yêu thương, mặc dù cuộc sống nhiều khi cũng rất khó khăn”, bà Bưởi chia sẻ.
Hiện ông Quang được hưởng trợ cấp của Nhà nước mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Bà Bưởi được hưởng 2,8 triệu đồng/tháng. Công việc hằng ngày của bà Bười là đi nhặt và thu mua ve chai, mỗi ngày bà kiếm thêm thu nhập từ 150 ngàn đến 200 ngàn đồng. Dẫu chân đau, đi lại khó khăn do di chứng của chiến tranh nhưng bà Bưởi cho hay: “Tôi thích vận động, thích đi lại coi như tập thể dục mà lại có thêm thu nhập”.
Vun vén hạnh phúc gia đình
Tổ ấm của ông bà giờ đây đã rất đông đúc với ba gia đình nhỏ của ba người con trai và 6 đứa cháu nội (4 trai 2 gái). Trò chuyện cùng ông bà, chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương luôn đong đầy mà ông bà dành cho nhau. Được biết, do ảnh hưởng của chiến tranh nên cơ thể bà Bưởi thường xuyên đau nhức, thậm chí đôi lúc bị sưng đau. Những lúc như vậy, ông Quang là người động viên, xoa bóp chân cho bà. Ngoài ra, những khi rảnh rỗi, ông bà lại cùng nhau hỗ trợ các con trông cháu, tình cảm gắn bó của gia đình ông Quang, bà Bưởi khiến chúng tôi ngưỡng mộ, mặc dù cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Quang có làm thơ đọc tặng bà. “Tình yêu chúng tôi dành cho nhau chưa bao giờ vơi, đó cũng là cách để dạy con cháu mình hãy luôn trân trọng nhau để cùng xây đắp những điều tốt đẹp, ý nghĩa trong cuộc sống. Chúng tôi thường ôn lại những chuyện cũ từ lúc quen nhau viết thư tình trong thời chiến, làm thơ tặng bà ấy rồi lại cười với nhau trong những khoảnh khắc nhỏ, vậy thôi nhưng rất trân quý và hạnh phúc ”, ông Quang bộc bạch.
Giờ đây, ông bà Quang – Bưởi hạnh phúc và sống những ngày tháng bình dị bên con cháu. Đến với nhau bằng sự chân thành chuyện tình yêu thời bình của những người thương binh thật cảm động. Tình yêu ấy thực sự đã làm sống lại niềm hy vọng về tình yêu và khát khao hạnh phúc cho thế hệ trẻ ngày nay.
Người xưa có câu nói nếu bạn thấy một gia đình hạnh phúc, bạn đừng quên rằng ở tại gia đình đó có một người đàn bà biết “quên mình”.
Chúng tôi tin rằng và thấy bà Bưởi là một người đàn bà biết hi sinh và quên mình, thời chiến thì hi sinh cho quê hương cho đồng đội, thời bình thì hi sinh cho chồng cho con, phải chăng đó cũng là hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam.
Ông Quang, bà Bưởi đọc báo, Tạp chí, v.v. |
Bà Bưởi nhặt ve chai mỗi ngày kiếm thêm thu nhập. |