Mùa Tết độc lập với người Mông Tây Bắc

0

Kì 2: Lệ vương trên đá núi Co Nghè

Vào một ngày đầu Thu tại chốn đất cao, trời thấp có chàng trai Mông – Vừ A Tòng ở bản Co Nghè xuống chợ tình Co Mạ thực hiện cuộc “bắt” cô gái tên là Giàng Thị Dua về làm vợ. Tòng tuy khỏe nhưng vẫn phải nhờ bạn bè ẵm Dua ngồi kèm vào yên xe máy. Dua kháng cự bằng những giọt lệ hạnh phúc đầu đời và động tác co kéo… cho phải nhẽ của mình với ba người chị họ xêm xêm tuổi. Vì Dua đã quen và chộm nhớ Tòng khá lâu rồi nên mới cất công từ Xuân Lao (Mường Ảng, Điện Biên) sang đây để được thành đôi với Tòng sớm chiều nhóm bễ rèn nông cụ, vào đốt rừng làm nương trồng ngô vài vụ rồi mới đăng kí kết hôn, tổ chức cưới hỏi…

Đó là chuyện dịp Tết Độc lập năm ngoái. Còn hôm nay chúng tôi bỗng nhói tim khi đọc báo mạng có hung tin: Vừ A Tòng, bản Co Nghè vào chiều qua phát xong một góc rừng tạp quay ra nương thì bàng hoàng thấy người vợ (chưa kết hôn) Giàng Thị Dua tử vong trong đám lửa ngùn ngụt cháy. Trời đất tuần hoàn, chúng tôi vẫn đinh ninh, mùa Hè lịm dần để Thu về hạt ngô nhú chồi, vậy mà… Dua mãi nằm lại đó, trên đống tro tàn bảng lảng khói sương. Niềm đau thương ấy khiến Tòng nặng nợ với chính mình do bị bỏng nặng toàn thân, phải đối diện với thập tử nhất sinh. Cha mẹ hai bên gia đình cũng cắn răng chịu đựng một cú sốc quá lớn, như trái núi ụp xuống vực sâu hun hút…

Chị Vừ Thị Sông cho con trai Sùng A An bú trên nương.
Chị Vừ Thị Sông cho con trai Sùng A An bú trên nương.

Đôi vợ chồng trẻ Tòng – Dua chưa ấm chăn, chưa rèn đủ mười cái lưỡi cày, chưa thu hoạch nổi ba vụ ngô nương, chưa có lấy một mụn con để ông bà nội bế bồng. Dịp Tết Độc lập này Tòng vẫn còn tổn thương về thịt da rồi ít ngày nữa sẽ dần kín miệng, nhưng vết sẹo tinh thần thì biết đến bao giờ mới xóa mờ? Và ai dám chắc vạt nương bên sườn núi cạnh khu rừng tạp ấy sẽ hết đau, sẽ thôi thổ huyết!

Ông Vừ A Cở – bố đẻ của A Tòng tuy đã 75 tuổi, mắt không còn nhanh và tâm can lúc này cũng giằng xé lắm mà vẫn phải cố hết sức đảm nhiệm chức Chi hội trưởng NCT bản Co Nghè cho trọn vẹn. Khi thấy đứa cháu ngoại Và A An bụ bẫm, khôi ngô, háo sữa mẹ cả ngày… ông Cở bảo: “Cô con gái út Vừ Thị Sông của vợ chồng mình bị thằng A Sía bên bản Tìa Là “bắt” về làm vợ chưa nổi ba mùa ngô nương mà vào cuối năm ngoái đã trở dạ, bụng quằn quại đau phải nằm ngay giữa đoạn đường lởm chởm đá núi. Thấy thế, trung tá Lò Văn Ức, Trưởng Công an xã Co Mạ đang lúc ra phố huyện gặp thành bà đỡ, hỗ trợ vợ chồng con gái cho A An cất tiếng khóc chào đời xuống đá núi…”.

Còn bà Thào Thị Hua – mẫu thân của A Tòng thì hôm nay được cô Dương Hải Nụ công chức văn phòng thống kê, bộ phận một cửa xã Co Mạ “cõng” Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ lên tận nhà hướng dẫn cặn kẽ. Đây là chủ trương cải cách hành chính, nâng dịch vụ công trực tuyến nên sau khi giải thích cho bà Hua hiểu rõ mình thuộc đối tượng đủ tuổi hưởng hệ số 1.0 tương đương 360.000 đồng/tháng, cô Nụ hỏi những thông tin cá nhân để lập mã định danh, hướng dẫn tờ khai tử tuất cho con dâu, trợ giúp làm thẻ ATM… thì bà Hua hoài nghi: “Thằng Tòng mới bắt cái Dua về chưa đầy năm không có giấy kết hôn. Chứng minh thư không biết chữ đâu… Tờ tiền to như thế làm sao mà “nhét vừa” vào cái điện thoại?”. Chuyện mở tài khoản ngân hàng có thể xem là xa xỉ trên vùng cao này rồi. Mà làm được thì nơi đây cũng không có cây ATM cho bà Hua và dân bản rút tiền… trợ cấp các loại.

Với một người như bà Hua chỉ quen với mây mù và đá núi, kí một chữ run bần bật trên tờ A4 dường như còn khó hơn trỉa mấy sào ngô trong những hốc đá mồ côi đựng đất lẻ tẻ. Vậy nên khi đến với rẻo cao Co Mạ dịp Tết Độc lập này, chúng tôi đã có nhiều khoảnh khắc lắng lòng nhìn thật sâu để thấy đá núi rưng rức nhọc nhằn….

Chúng tôi đã nghe ông Và Sái Di kể về các ngọn núi thổ huyết, huyết núi phủ lên phận người, đau đến nhói buốt tâm can, dai dẳng mấy thế hệ. Không đau sao được khi mỗi mùa đốt nương, mỗi lần mưa lốc trút xuống lại có người bị nhà đổ, xe khách đè, lửa thiêu, nước cuốn, đất lở, đá vùi… với biết bao nước mắt và vành tang trắng đau thương. Dịp đầu năm vừa rồi ở sườn Nong Vai của vùng cao Co Mạ này có một chiếc ô tô đưa đồng bào đi dự đám cưới bên huyện Sông Mã thì xảy ra tai nạn bởi đường cua gấp mất lái, lao xuống vực sâu làm 2 người tử vong tại chỗ, 5 người bị thương nặng và 11 người bị xây xát nhẹ.

Có lên với đỉnh trời Co Nghè vào dịp người Mông chuẩn bị ăn Tết Độc lập mới biết, con đường gieo duyên “bắt vợ” truyền đời của trai bản thật lí thú mà cũng quá đỗi gian nan, ẩn chứa nhiều hiểm nguy rình rập. Nhưng chỉ có tình yêu thương nồng cháy mới chuyển hóa thành động lực để các nam thanh, nữ tú nơi đây một lòng thủy chung, son sắt, mặn nồng. Ngoài tình yêu thương, chúng tôi tin, tuyệt nhiên không có bất cứ một thứ gì khác có thể nắm níu được trái tim họ trước cuộc sống đầy rẫy những khốn khó, thiếu hụt trăm bề. Chợt nghĩ chuyện “bắt vợ” ở đây là một mĩ tục… rất cần được bảo tồn, phát huy đúng mức.

Chúng tôi dõi theo cậu trai người Mông tên Dế thổi sáo giữa bản Co Nghè. Giai điệu của núi rừng chân chất mà vang vọng, tiết tấu giản đơn nhưng ngấm ngầm gợi chút nhớ… xa xăm. Là cái tên, là thanh âm, hay là gì mà chúng tôi cứ mông lung kiếm tìm? Có lẽ, chúng tôi cũng đang loay hoay với chính mình, loay hoay với nhớ thương rất thật nhưng chưa một lần chạm thấu. Đỉnh núi nọ, cổng trời này, phiên chợ tình Tết Độc lập mai kia và em nơi ấy đã phải lòng nhau bao lâu rồi mà cứ cách trở vài ba ngọn núi và mấy cánh rừng… Đó là tâm trạng chung của những chàng trai Mông ở đây trước khi thực hiện tục “bắt vợ” truyền đời.

Bà Đinh Thị Minh Hoa, Trường phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thuận Châu nhận định rằng: “Trong truyền thuyết của người Mông có đôi vợ chồng nọ thuở xưa nhà giàu mà vẫn tham gả bán con gái xinh đẹp của mình cho một gia đình nhiều bạc tiền. Thấy vậy, trước ngày hôn lễ chàng trai nghèo nhờ bạn bè nhắn nhủ cô gái mình yêu xuống chợ chốn chạy vào hang sâu, rừng vắng sống hạnh phúc bên nhau trọn đời. Có lẽ tục “bắt vợ” của người Mông Co Mạ ra đời từ đó và đây coi như là một lối thoát cho những phận nghèo không đủ tiền thách cưới, thể hiện sự tự do hôn nhân của đồng bào từ xưa tới nay”.

Giờ đây, cuộc sống người Mông bản Co Nghè đã có những đổi thay tích cực nên các trai muốn thực hiện tục “bắt vợ” vào dịp Tết Độc lập đương nhiên phải cảm mến được cô gái mình yêu trước rồi mới chọn giờ tốt hành động, nhờ bạn bè trợ giúp thì mới đẹp, mới hay, mới ý tại ngôn ngoại.

Cách đây một năm tròn, chúng tôi biết đến Sùng Thị Nhia bên bản Tìa Là bán hàng quần áo ở chợ phiên Co Mạ thường nhật với tài nói tiếng Anh như gió. Cô đã từng may mắn thoát khỏi một cuộc bắt vợ không mong đợi. Dịp đầu Xuân vừa qua, cô tự do chọn người mình yêu và người yêu mình rồi làm thủ tục đăng kí kết hôn tinh tươm mới chịu cho chồng “bắt” về nhà làm vợ.… Đúng là một cô gái có tự do hôn nhân, có nữ quyền thực sự!

Mùa Tết độc lập với người Mông Tây Bắc Mùa Tết độc lập với người Mông Tây Bắc



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.