Bao La là một làng nghề đan lát truyền thống nổi tiếng. Hơn 400 năm ra đời, đan lát giờ đây không chỉ là nghề mưu sinh của những người làng Bao La, mà trở thành một biểu tượng, một di sản của cả làng. Đã có thời gian dài, nghề này khủng hoảng và rơi vào nguy cơ không thể tồn tại trước sự biến đổi của nền kinh tế, đồ nhựa tràn lan trên thị trường và nhanh chóng xâm nhập vào đời sống, các sản phẩm đan tay của người dân bị “thất sủng”. Hàng hóa sản xuất ra không thể cạnh tranh, không có nguồn tiêu thụ ổn định khiến người dân lao đao.

Nghệ nhân Thái Phi Hùng, Hợp tác xã Mây tre đan Bao La.
Nghệ nhân Thái Phi Hùng, Hợp tác xã Mây tre đan Bao La.

Hơn 50 năm gắn bó với nghề mây tre đan và 10 năm được UBND tỉnh công nhận Nghệ nhân nghề truyền thống, ông Thái Phi Hùng, nghệ nhân thiết kế mẫu và sản xuất hàng lưu niệm, thủ công mĩ nghệ tại HTX Mây tre đan Bao La không bó tay ngồi nhìn làng nghề suy thoái, người thợ kì cựu ấy cùng một số người tâm huyết đã quyết tâm đứng ra thành lập Hợp tác xã Mây tre đan Bao La, với khát vọng vực dậy nghề đan lát vốn gắn bó với làng quê nghèo từ đời này sang đời khác. “Để có vốn hoạt động, khi ấy chúng tôi bàn với 3 anh em khác trong HTX cầm sổ đỏ nhà thế chấp ngân hàng, vay gần 100 triệu đồng đầu tư cho sản xuất”, ông Hùng hồi tưởng.

Đó là giai đoạn khó khăn nhất của làng nghề. Ngoài thiếu vốn hoạt động, trăn trở lớn nhất là phải tìm sản phẩm mới phù hợp với thị trường để có đầu ra. Đó cũng là trách nhiệm lớn đặt lên vai ông Hùng với chức danh phụ trách kĩ thuật của HTX. Sau khóa đào tạo thiết kế mẫu mã hàng thủ công mĩ nghệ do Quỹ Khuyến công tỉnh và tổ chức Traicraf (châu Âu) tài trợ, nghệ nhân bắt đầu mày mò chuyển hướng cho làng nghề, từ sản xuất sản phẩm dân dụng sang sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ…

Đến nay, HTX Bao La đã sản xuất nhiều mẫu mã mới gồm: Đèn ngủ, đèn lồng các loại, giỏ đựng trái cây, lồng bàn, hoa sen trang trí, công cụ sản xuất nông nghiệp (nơm cá, máy quạt lúa… dưới hình thức hàng thủ công mĩ nghệ)… Nhờ những sản phẩm này, từ chỗ không có đầu ra, các mặt hàng đan lát của làng nghề Bao La đã tiếp cận được thị trường, tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh thành lớn trong cả nước. Từ 20 lao động ban đầu, đến nay, HTX Mây tre đan Bao La tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Làng nghề mây tre đan Bao La cũng đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là làng nghề tiêu biểu của Việt Nam.

Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX mây tre đan Bao La cho biết: Các mặt hàng mây tre đan Bao La được nhiều du khách đến tham quan, mua hàng tận HTX với số lượng nhiều, tạo điều kiện đưa thương hiệu mây tre Bao La vươn ra nước ngoài. Sản phẩm của HTX Bao La độc đáo, an toàn, độ bền hơn 10 năm sử dụng. Đến nay sau 16 năm thành lập (2007 – 2023), HTX Mây tre đan Bao La tự thân vận động, sản xuất gần 500 mẫu hàng mới, đẹp, tinh xảo, đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trung bình, mỗi năm HTX thiết kế và cho ra đời từ 7-10 mẫu mới. Theo đánh giá, các sản phẩm mây tre đan Huế xuất sang đều được các đối tác chấp nhận vì mẫu mã đẹp, tinh xảo, giá cả hợp lí. Hiện nay, dân làng Bao La bắt đầu sản xuất sản phẩm mây tre đan mang kiểu dáng hiện đại như bàn ghế sang trọng, giỏ xách, lẵng hoa, các loại đèn trang trí sang châu Âu, Úc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc. Năm 2020-2025, HTX sẽ tiếp tục cung ứng hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.



Nguồn: Ngày mới Online

Chia sẻ.