Ông bà ngoại của tôi

0

Ai sinh ra mà chẳng có nội, có ngoại (ông bà nội tôi cũng đã mất, bên ngoại còn bà năm nay cũng 90 tuổi, lưng bà đã còng, đi đâu cứ phải hai tay hai gậy). Tôi thật tự hào về ông bà nội ngoại, xem đó là những tấm gương để học tập, đặc biệt ông bà ngoại trước kia là bộ đội, cùng đơn vị (Sư đoàn 350, mặt trận Hà Nội, thời đánh thực dân Pháp) từng tham gia tiếp quản Thủ đô năm 1954, trong không khí hào hùng “5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”…

Sau hòa bình lập lại (1954), ông bà được chuyển ngành. Ông về Ban Công nghiệp Thành ủy Hà Nội; bà công tác ở nhà trẻ Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền. Ông bà có 4 người con: 2 trai, 2 gái (mẹ tôi là thứ 2, trong gia đình và được cơ quan Thành ủy cấp cho căn hộ, chưa đến 10m2, ở 16 phố Lê Phụng Hiểu. Nhà 10m2 là nơi sinh sống của 6 người, ông có “sáng kiến” đục trần nhà làm chỗ “chống nóng” vừa là nơi cho 2 cô con gái sinh hoạt.

Ông bà ngoại của tôi

Với tinh thần hiếu học, ông vào học hệ tại chức của Trường Đại học Bách khoa. Sau đó do bà ngoại đổ bệnh, đau yếu liên tục, ông phải bỏ dở việc học hành để có thời gian chăm sóc bà. Thời gian sau đó, ông được đề bạt về làm Phó Giám đốc Nhà máy cơ khí Đồng Tháp; rồi chuyển đến công tác tại Sở Công nghiệp TP Hà Nội. Thường ngày, ông hiền lành, nhưng khi làm việc luôn có trách nhiệm, kiên quyết tuân thủ theo kĩ thuật, quy định. Một lần nhà máy nhận làm phao qua sông cho ngành giao thông, khi kiểm tra chất lượng, ông phát hiện ra nhiều lỗi kĩ thuật và yêu cầu làm lại. Việc làm của ông khiến cho một số người bực tức, đòi “xử lí” ông, nhưng do ông làm đúng, được lãnh đạo ủng hộ, nên ông là người chiến thắng!

Ông là người chu đáo, cẩn thận, ví dụ như việc lau xe đạp, phải chọn loại vải mềm, để xe không bị xước, uống nước phải uống bằng thứ nước ấm, pha trà phải đun nước thật sôi, cháu nào tới ngày sinh nhật, ông đều nhớ và có quà tặng. Hằng ngày đi làm, ông thường “cuốc bộ” tới cơ quan, ông bảo cũng là kết hợp rèn thể lực, hết giờ làm việc, về nhà uống xong ấm trà, ông lại ra vườn tăng gia, trồng chuối, sắn dây,… nên chuối, bột sắn có quanh năm để bồi dưỡng cho các thành viên trong gia đình.

Còn bà, trong những năm công tác, ngoài giờ bà vẫn nhận những túi đường về cho các con làm thêm. Lúc cửa hàng có nhiều rơm, loại ra khi chèn xong hàng, bà gom lại rồi mượn xe, gọi các con chở về giúp cho việc đun nấu để tiết kiệm tiền mua chất đốt. Ngày ấy đất nước còn nghèo, đâu có được dùng bếp gas, bếp điện như bây giờ. Hằng ngày, bà vẫn tìm “thực đơn”cho gia đình, để sao các con ngon miệng, bổ, rẻ, ví như món canh cua chan mì sợi, cá kho giềng,…

Lúc mẹ tôi “ở cữ”, hai chị em được bà đón từ nhà bà nội về nuôi, chăm bẵm cho cứng cáp vài tháng, sau đó mới “trả về nơi sản xuất”. Món ăn bà nấu cũng đậm chất dân tộc, như quả đu đủ xanh nấu với chân giò cho nghệ để tạo sữa, khuyên cô con gái sau khi sinh nở không được đụng nước, lỗ tai bịt bông, chân đi tất,…

Mẹ tôi cùng bác, các em sống những năm “bao cấp” gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn được ông bà nuôi dạy cho đi học tử tế, trưởng thành, người vào bộ đội, người là công chức Nhà nước.

Tháng năm trôi đi, nhưng chúng tôi không bao giờ quên công lao của bậc sinh thành, trong đó có ông bà ngoại!.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.