Phát triển nông nghiệp xanh gắn liền với du lịch sinh thái

0

Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), dự báo đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10% trong tổng du khách, doanh thu khoảng 30 tỉ USD, tăng trưởng hằng năm từ 10 – 30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, hội họp) chỉ tăng trung bình 4%/năm. Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nông thôn rất lớn, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc. Hiện cả nước có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lí, trong đó có khoảng 70% các điểm, khu du lịch ở các khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, những thách thức cho phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, đó là cần chi phí nhiều cho thiết kế và phát triển sản phẩm. Nguồn lực cần cho đào tạo, nâng cao năng lực lớn nhưng các chính sách hỗ trợ còn dàn trải. Thách thức trong xây dựng tổ chức thể chế, thiết chế bảo đảm phân phối lợi ích công bằng với hoạt động cần có sự hợp tác của nhiều bên, dễ xung đột lợi ích. Chính sách, thủ tục về đất đai cho du lịch nông thôn vẫn còn phức tạp.

Phát triển nông nghiệp xanh gắn liền với du lịch sinh thái
Phát triển nông nghiệp xanh gắn liền với du lịch sinh thái

Để phát triển loại hình này cần phải theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị: Sử dụng hiệu quả và phát huy giá trị truyền thống gắn với môi trường sinh thái, tạo không gian đổi mới, sáng tạo, sản phẩm mới, xanh và bền vững, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, trải nghiệm.

Các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn, các địa phương cần có chính sách đất đai cho loại hình này, dựa trên điều kiện của từng địa phương như phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường,…

Cần tăng cường kết nối du lịch với cộng đồng, hình thành các “điểm đến vệ tinh” gắn với các trung tâm du lịch lớn. Cần ưu tiên thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp xanh ở cấp độ thôn bản gắn với quy hoạch không gian, kiến trúc tổng thể.

Muốn vậy, cần xác định tài nguyên chung, tiềm năng và đặc thù của bản, của mỗi phân khu để quy hoạch và xây dựng các nhóm sản phẩm tạo thu nhập. Đặc biệt, cần sự cam kết của toàn bản với các dịch vụ đa dạng: Văn nghệ, phong tục, lễ hội văn hoá, ẩm thực địa phương, trồng trọt, thu hái nông sản, thổ cẩm, nghề thủ công truyền thống, nông sản địa phương, hướng dẫn viên, dịch vụ vận chuyển…

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á (ATI), Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), cảnh báo tình trạng phát triển du lịch chụp giật, không chuyên nghiệp và không đưa cộng đồng vào tham gia là một vấn đề đáng quan ngại mà Việt Nam đang gặp phải.

“Một sai lầm phổ biến là sự hiểu lầm giữa nhà trọ và homestay. Nhà trọ thường chỉ là nơi cung cấp chỗ ở, trong khi homestay mang đến trải nghiệm sống và giao lưu văn hóa cùng cộng đồng địa phương”, ông Quỳnh nêu quan điểm.

Theo đó, những homestay chất lượng thường phải đi kèm với sự chăm sóc và hướng dẫn từ người dân địa phương, mang đến cho du khách một môi trường tương tác, đắm chìm trong đời sống của cộng đồng và có cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống.

Các giải pháp thúc đẩy loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan, như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng và quảng bá thương hiệu “Travel Shopping” cho sản phẩm nông nghiệp du lịch Việt Nam.

Tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch. Cần xây dựng các chuỗi cung ứng bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp. Khuyến khích việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại các điểm du lịch, bao gồm trang trại, vườn cây, khu chế biến nông sản địa phương…



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.