Tăng tốc xuất khẩu tôm sang EU

0

EU – Thị trường giàu tiềm năng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Mỹ và Nhật Bản), chiếm 14,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.

Các nguồn cung tôm tại châu Á cho thị trường EU gồm Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Indonesia… Trong đó, Ecuador đang nổi lên là một đối thủ cạnh tranh mạnh với các nguồn cung tôm từ châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo phân tích của bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, Ecuador có lợi thế do giá tôm thấp và vận chuyển dễ dàng. Hai năm gần đây, Ecuador thâm nhập thị trường châu Âu bằng các sản phẩm từ tôm bóc vỏ, bỏ chỉ lưng, tôm bóc vỏ bỏ chỉ lưng để đuôi đến các sản phẩm tôm sống và tôm hấp. Các sản phẩm này đều được nuôi tại các trại nuôi được chứng nhận ASC. Ecuador lên kế hoạch định vị sản phẩm tôm chất lượng cao, bền vững tại thị trường châu Âu.

Các nguồn cung tôm tại châu Á cho thị trường EU gồm Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Indonesia… Trước năm 2019, Ấn Độ luôn dẫn đầu, tiếp đó là Việt Nam và Bangladesh, Indonesia. Đến năm 2020, Việt Nam trở thành nguồn cung tôm tại châu Á lớn nhất cho EU, tiếp đó là Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia.

Cũng theo bà Kim Thu, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 320,1 triệu USD, tăng 26% so với cùng kì năm ngoái. Nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu sang thị trường này đạt 15,5 triệu USD, giảm 47% so với cùng kì. Tính tới 15/8/2021, xuất khẩu tôm Việt nam sang EU đạt 335,7 triệu USD, tăng 18% so với cùng kì năm 2020.

Tăng tốc xuất khẩu tôm sang EU - tín hiệu mừng cho người nuôi tôm cao tuổi

So với các khu vực khác, các nhà cung cấp châu Á chiếm thị phần cao nhất tại thị trường tôm EU. Tôm bóc vỏ bỏ chỉ lưng (PD) và tôm bóc vỏ để đuôi (PDTO) là 2 sản phẩm tôm được nhập khẩu nhiều nhất vào EU từ châu Á.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang EU những sản phẩm như tôm sú PD hấp đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ HLSO tươi đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ chân trắng, lột vỏ, luộc sushi đông lạnh, tôm sú tươi PD đông lạnh, tôm thẻ sushi luộc đông lạnh, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu PTO, tươi đông lạnh, tôm sú PD đông lạnh, tôm sắt luộc đông lạnh IQF, tôm thẻ PTO luộc cấp đông, tôm chân trắng PD, IQF tươi đông lạnh, tôm chân trắng tẩm vị xiên que…Việt Nam đang là nhà cung cấp tôm hấp và tôm giá trị gia tăng lớn nhất cho EU.

Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tốt, chỉ sau thị trường Mỹ. Đến tháng 7 năm nay, xuất khẩu sang EU duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên, sang tháng 8, xuất khẩu sang EU bắt đầu giảm mạnh. Nguyên nhân là do lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phía Nam để chống dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp tại địa phương.

Hi vọng xuất khẩu tôm phục hồi sau đại dịch

Sau một năm Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU cũng ghi nhận tăng trưởng khá. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu tôm của EU vẫn cao để phục vụ Noel, thị trường này đang dần mở cửa và vắc xin được tiêm diện rộng.

Hiện các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm quy mô lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang lên kế hoạch phục hồi sản xuất sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Tại Công ty CP Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau), phần lớn công nhân đã được ưu tiên tiêm vắc xin mũi 1, công ty đang mở rộng sản xuất theo hướng nhà máy xanh, sản xuất xanh… để bảo đảm xuất khẩu đơn hàng tới hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ là khách hàng của Minh Phú. Công ty cũng cam kết xây dựng và giữ vững gia đình “xanh”, phòng ở “xanh” với sự hỗ trợ và kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp; thực hiện y tế tại chỗ để xử lí tất cả những tình huống phát sinh nguy cơ. “Đề xuất của Minh Phú lần này để cứu công nhân và cứu bà con nuôi tôm tỉnh Cà Mau cũng như ngăn chặn không làm phá vỡ chuỗi cung ứng tôm” – Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết.

Còn tại Công ty CP thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), với nhiều biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, cùng với linh hoạt áp dụng vùng xanh của tỉnh, hiện công ty đã tăng lượng công nhân lên khoảng 80% so với thời gian thực hiện “3 tại chỗ” trước đây và đang tiếp tục tăng thêm để phục hồi sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu vốn đã bị ảnh hưởng gián đoạn trong gần 2 tháng qua.

Tình hình tích cực trên đây sẽ là động lực thúc đẩy ngành thủy sản, các địa phương và doanh nghiệp tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm tới các thị trường tiềm năng, đặc biệt là EU.

Xuất khẩu thủy sản phục hồi sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các chủ trang trại, doanh nghiệp, người nuôi tôm, trong đó có nhiều người cao tuổi đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.