Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 4,73% tính tới thời điểm cuối tháng 6/2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 9,35% cùng kì 2022.
Tín dụng tăng trưởng thấp phản ánh các động lực tăng trưởng suy yếu (gồm cầu đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh, cầu tiêu dùng giảm và giải ngân đầu tư công chậm) và sự thận trọng trong cấp tín dụng của các ngân hàng.
Thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lí của các dự án) dẫn tới tín dụng bất động sản (chiếm tỉ trọng 22% dư nợ tín dụng năm 2022) tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước kéo theo tăng tín dụng chung ở mức thấp. Đến nay, dư địa cho vay toàn hệ thống dồi dào, “room” tăng trưởng tín dụng dự kiến đã được NHNN phân bổ hết từ đầu tháng 7 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023. Các ngân hàng có phương án nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được ưu tiên cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng BIDV chi nhánh An Giang |
Xét về điều kiện đủ, nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhờ lãi suất cho vay thấp hơn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thuế VAT giảm 2% trong nửa cuối 2023. Bên cạnh đó, một loạt các chính sách có thể được ban hành trong nửa cuối năm 2023 nhằm vực dậy thị trường bất động sản.
Trong đó, NHNN đã có dự thảo sửa đổi Thông tư 41 nhằm giảm hệ số rủi ro cho vay bất động sản khu công nghiệp và nhà ở xã hội. Khi Thông tư 41 sửa đổi được ban hành chính thức sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho vay tín dụng mảng bất động sản khu công nghiệp và mảng nhà ở xã hội. Hay Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua sẽ giải quyết được nhiều ách tắc, vướng mắc của thị trường bất động sản thời gian qua. Kết hợp các yếu tố trên, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được kì vọng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2023.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống. Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, bổ sung các nhu cầu vốn không được ngân hàng cho vay được đánh giá là “chốt chặn” để hạn chế tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro.
Thứ nhất, yêu cầu chặt chẽ hơn với các khoản vay cá nhân liên quan đến bất động sản tại Điều 2 (điểm c, khoản 6). Đối với khách hàng cá nhân, bổ sung yêu cầu có phương án sử dụng vốn với các trường hợp vay để mua nhà, xây nhà, cải tạo nhà, chuyển nhượng đất.
Thứ hai, loại bỏ điều kiện “vay để phục vụ hoạt động kinh doanh” trong các trường hợp vay để trả nợ trước hạn (bổ sung Điều 8 khoản 6). Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp trả các khoản nợ nước ngoài dễ hơn; nới rộng phạm vi, cho phép cá nhân cũng được vay để trả nợ trước hạn.
Thứ ba, bổ sung các mục đích không được vay vốn: (1) vay để gửi tiền, (2) để mua, góp vốn các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc niêm yết UPCoM, (3) góp vốn theo hợp đồng đầu tư và (4) bù đắp tài chính tại Điều 8 (khoản 8, 9, 10). Quy định này giúp giảm rủi ro tín dụng nhưng đồng thời cũng giảm tăng trưởng tín dụng.
Thứ tư, quản lí chặt hơn các hình thức đảo nợ, cho vay bất động sản và chứng khoán. Theo đó, Điều 22 (điểm g, khoản 2) giúp: Kiểm soát việc cho vay trả nợ vay tổ chức tín dụng, vay nước ngoài để phòng ngừa phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng; kiểm soát cho vay tuần hoàn, bảo đảm khả năng thu hồi nợ; kiểm soát cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản, hợp tác đầu tư.
Theo dõi tương quan về điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, chỉ số sức mạnh đồng USD được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Trong tháng 6, tỉ giá trung tâm đã vượt đỉnh tỉ giá giai đoạn cuối năm 2022, đạt mốc 23.833 VND/USD. Câu chuyện chính sách tiền tệ đối lập giữa Mỹ và Việt Nam đang dấy lên áp lực về diễn biến tỉ giá VND/USD trong trung hạn.
Đến nay, NHNN Việt Nam đã chính thức hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm; trong khi đó, Fed có định hướng tiếp tục định hướng điều hành thắt chặt trong thời gian tới.
Với những biến động tỉ giá trong thời gian qua, các chuyên gia đánh giá Ngân hàng Nhà nước có thể không còn nhiều dư địa để nới lỏng tiền tệ…
Để kiểm soát và giữ tỉ giá ngoại tệ và VND, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hàng trăm nghìn tỉ đồng thông qua kênh tín phiếu trên thị trường mở, mua thêm khoảng 6 tỉ USD để tăng dự trữ ngoại hối lên 95 tỉ USD.
Xét về yếu tố tỉ giá, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sức mạnh đồng USD đi ngang thay vì tăng mạnh như năm 2022 cũng được xem là yếu tố thuận lợi so với cùng kì. Nguồn cung ngoại tệ được bảo đảm: (1) Cán cân hàng hóa và dịch vụ duy trì trạng thái thặng dư; (2) kiều hối không có nhiều biến động; (3) dòng tiền từ các hoạt động giải ngân vốn đầu tư FDI và mua bán vốn cổ phần; (4) lượng khách du lịch quốc tế phục hồi nửa đầu năm. Cùng với đó là dự trữ ngoại hối an toàn. Những yếu tố trên cộng hưởng giúp áp lực tỉ giá trong tầm kiểm soát.
Nguồn cung ngoại tệ cùng tỉ giá ổn định nên NHNN có thêm dư địa thực hiện các chính sách tiền tệ hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng.
Từ ngày 14/3/2023, NHNN bắt đầu giảm các loại lãi suất điều hành và đã có tổng cộng 4 lần giảm trong nửa đầu năm 2023 với mức giảm dao động 0,5%-2%.
Lãi suất huy động tại hệ thống ngân hàng trong các tháng gần đây cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt với mức giảm trung bình 1-1,3% tùy từng kì hạn, cá biệt mức điều chỉnh tại một số ngân hàng thương mại vừa và nhỏ lên tới 1,8%-2,2%. Đây là điều kiện cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn có độ trễ từ 3-6 tháng so với lãi suất huy động. Lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm nhiều hơn trong thời gian tới. Mặc dù vậy, mức giảm chậm hơn lãi suất huy động do độ trễ chính sách và có mức độ tập trung cao vào một số doanh nghiệp ngành nghề ưu tiên.
Trong bối cảnh những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 27/1/2023… Mặc dù, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng chậm, ở mức 3,72%, song các cân đối vĩ mô vẫn được bảo đảm.