Ông Nguyễn Đình Phú vừa được vinh danh NCT làm kinh tế giỏi toàn quốc, giai đoạn 2018 – 2023. |
Lập nghiệp trên vùng đất khó
Sau khi tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Phú rời quân ngũ trở về quê hương huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, dải đất miền Trung đầy nắng gió. Khi ấy, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, hai vợ chồng lao động vất vả cũng không đủ ăn. Năm 1998, ông bàn với vợ đưa gia đình vào Gia Lai mưu sinh, lập nghiệp.
Ông Phú chia sẻ: Những ngày mới vào đây, gia đình tôi phải đối diện muôn vàn khó khăn, thử thách, tôi động viên vợ con kiên trì bám trụ. Hơn nữa, nơi đây toàn rừng rậm, dân cư thưa thớt; điện, đường, trường, trạm còn thiếu thốn nên mọi sinh hoạt rất khó khăn. Cùng với ý chí khát khao vươn lên làm giàu, ông Phú quyết không bỏ cuộc mà còn động viên vợ con tích cực khai hoang mở rộng diện tích trồng cà phê kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Khi có vốn, ông tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo và mở rộng diện tích trồng cây cà phê.
Nhận thấy cây hồ tiêu cho năng suất cao hơn, lại phù hợp với thổ nhưỡng, ông mạnh dạn chặt bỏ một phần diện tích cà phê kém hiệu quả chuyển sang trồng cây hồ tiêu. Ông ngày đêm dốc sức chăm sóc vườn cây hồ tiêu với hi vọng sẽ thu về thành quả lớn. Tuy nhiên, năm 2014, vườn hồ tiêu đang phát triển tươi tốt bỗng bị vàng lá chết hàng loạt. Bao nhiêu công sức, vốn đổ hết vào cây hồ tiêu, giờ trở nên tay trắng… Nhưng khó khăn vẫn không đánh bại nổi ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu của vợ chồng ông.
Đi lên từ thất bại
Ông Nguyễn Đình Phú đang phơi cà phê |
Để được bình chọn là đại biểu của tỉnh về Thủ đô dự Hội nghị biểu dương NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi toàn quốc, giai đoạn 2018 – 2023, ông Phú đã phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, thất bại… Rót chén trà mời tôi, ông Phú chậm rãi kể: “Sau lần đó, gia đình lâm vào cảnh nợ nần, nhưng quyết không đầu hàng số phận, tôi tích cực tìm hiểu về đặc tính, kĩ thuật của từng loại cây trồng, vật nuôi; đồng thời, rút kinh nghiệm từ thực tế và bắt tay vào làm lại từ đầu”.
Đến nay, trang trại của ông Phú có 17ha trồng cà phê, sầu riêng và bơ. Ông còn đầu tư hàng tỉ đồng mua máy chế biến cà phê đặc sản và đăng kí thương hiệu “PHUOC FARM”. Không dừng lại ở đó, ông còn kết hợp chăn nuôi 80 heo nái sinh sản, 500 heo thịt theo phương pháp khép kín, công nghệ cao, bình quân hằng tháng xuất bán ra thị trường từ 15-17 tấn heo thịt. Ngoài ra, ông còn đào ao vừa tích trữ nước phục vụ cây trồng vừa nuôi cá trôi, trắm, chép, mè, rô phi… Những chất thải trong sản xuất, chăn nuôi đều được ủ mục làm phân hữu cơ bón cho cây trồng; trong chăn nuôi, trồng trọt chú trọng sử dụng các chế phẩm vi sinh góp phần bảo vệ môi trường, tăng sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm, giảm công sức lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ chịu sự khó học hỏi, nắm vững kĩ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt nên trang trại VACR của ông Phú luôn phát triển tươi tốt, sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, được các thương lái đến thu mua tại chỗ. Không chỉ phấn đấu làm giàu cho gia đình, ông Phú còn giúp đỡ bà con bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ phân bón; tham gia công tác từ thiện, giúp đỡ NCT nghèo, khuyến học khuyến tài tại địa phương. Hiện doanh thu trang trại đạt 1,5 tỉ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động, hơn 100 lao động thời vụ với mức lương bình quân từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Câu chuyện về tinh thần tự lực vượt khó vươn lên của ông Nguyễn Đình Phú là động lực để những nông dân cao tuổi trên địa bàn xã nói riêng, huyện Chư Sê nói chung nỗ lực phấn đấu, chung tay cùng con cháu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.