Cụ thể, theo Quyết định số 3952/QĐ-UBND do UBND TP. Hà Nội ban hành về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP. Hà Nội (đợt 1), các cơ sở nhà, đất thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Long Biên, Đống Đa, Bắc Từ Liêm do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng không phù hợp quy hoạch phải di dời ra khỏi nội thành Hà Nội.
Trong đợt này, có 9 đơn vị phải di dời bao gồm: Công ty In báo Nhân dân Hà Nội, Công ty TNHH MTV In báo Hà Nội Mới, Nhà máy Bia Hà Nội – Tổng công ty CP Bia – rượu – nước giải khát Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, Công ty TNHH MTV In và TM Thông tấn xã Việt Nam, Nhà máy xe lửa Gia Lâm – Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, Tổng kho xăng dầu Đức Giang, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, Viện Hóa học công nghệ Việt Nam. Thời gian di dời trong vòng 5 năm kể từ ngày có quyết định di dời.
Đối với nhà, đất thuộc danh mục phải di dời nêu trên nhưng không thuộc đối tượng thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tổng công ty CP Bia – rượu – nước giải khát Hà Nội (Habeco) phải di dời khỏi “đất vàng” theo quyết định của UBND TP. Hà Nội. Nguồn ảnh: Internet. |
UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì cùng các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát danh mục nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch; đề xuất UBND TP. Hà Nội xin ý kiến HĐND TP. Hà Nội xem xét có ý kiến để bổ sung danh mục đảm bảo tiến độ kế hoạch di dời được thành phố phê duyệt.
Sở Tài chính Hà Nội được giao thực hiện đề xuất việc lập phương án xử lý, hình thức xử lý nhà, đất tại vị trí cũ khi di dời; chủ trì cùng các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất trên căn cứ báo cáo kê khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.
Đối với nhà, đất phải di dời do ô nhiễm môi trường (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh nơi có cơ sở nhà, đất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành), UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các cơ quan thuộc Bộ rà soát lập danh mục theo quy định.
Đồng thời, UBND TP. Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 3985/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội theo Quyết định số 130/QĐ-TTg, ngày 23/1/2015, của Thủ tướng Chính phủ và xử lý nhà, đất phải di dời theo quy hoạch hoặc do ô nhiễm môi trường theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017, và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP, ngày 15/7/2021, của Chính phủ (Ban Chỉ đạo).
Theo quyết định, Ban Chỉ đạo gồm 14 thành viên, do ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội làm Trưởng Ban; ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp UBND TP. Hà Nội lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội; tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành Hà Nội.
Đồng thời đề xuất cơ chế chính sách phù họp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời và phương án sắp xếp lại, xử lý các loại tài sản công; Giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện di dời.
Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 5270/QĐ-UBND do UBND TP. Hà Nội ban hành ngày 16/12/2021.