Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

0

 Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội. (Ảnh minh họa: Trần Mạnh)
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội. (Ảnh minh họa: Trần Mạnh)

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách hiện nay, vì sự phát triển bùng nổ của công nghệ đã mang lại cho trẻ em cơ hội tiếp cận nhiều hơn với internet. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, các em lại thường ít được trang bị đủ các kỹ năng “tự vệ”, có nguy cơ chịu nhiều rủi ro và bị xâm hại nhiều hơn như: Bị tiết lộ thông tin thuộc bí mật cá nhân và bị sử dụng thông tin cá nhân vào các mục đích xấu, dễ bị lôi kéo, kích động để vi phạm pháp luật, bị xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo qua các trò chơi trên mạng….

Theo báo cáo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), tại Việt Nam cứ 10 trẻ em thì có 7 trẻ em tham gia khảo sát sử dụng internet hơn 1 tiếng/ngày; 43,4% trẻ em tham gia khảo sát sử dụng internet từ 1-3 tiếng/ngày; 80,8% trẻ em nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng internet; 54,4% trẻ em chia sẻ việc tiếp cận internet với bố, mẹ/người thân và 30,4% bố, mẹ/người thân chủ động kiểm soát việc sử dụng internet của trẻ.

Để trang bị thêm hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em, bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó phải kể tới Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/20217 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/5/2020 về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em…

“Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN thống nhất thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN năm 2019. Tiếp đó năm 2021, chúng ta đã thông qua Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN. trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến” – bà Nguyễn Thị Nga thông tin tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 9/2023.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ, cùng đồng hành xử lý các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng, có văn bản xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Năm 2021, Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được thành lập với sự tham gia của 24 đơn vị bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp,… nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn cho trẻ em nòng cốt một số tỉnh, thành phố về kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng và kỹ năng tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng cũng được chú trọng. Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, trong năm 2022, đã có 40 phóng viên báo chí được tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; 128 trẻ em nòng cốt tại 12 tỉnh, thành phố được tập huấn về kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng và kỹ năng tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Trong thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức chiến dịch, hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng tờ rơi, tài liệu, clip hướng dẫn kỹ năng an toàn trên mạng cho trẻ em trên môi trường mạng. Những tài liệu này đã được gửi đến các tỉnh, thành phố và đăng tải trên website của Cục Trẻ em, Tổng đài 111.

Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm sự tham gia an toàn, lành mạnh của trẻ em trên môi trường mạng, trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Nga cho biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục xây dựng, tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111.

“Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động thông tin, có công văn đề nghị kiểm tra, xử lý các nội dung đăng tải trên các báo điện tử, mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em ngay khi phát hiện các thông tin trên báo điện tử, mạng xã hội và từ phản ánh của người dân qua tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111” – bà Nguyễn Thị Nga nói.

 Ảnh minh họa: Thanh Hà
Ảnh minh họa: Thanh Hà

Trong tháng 8/2023, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 240 cuộc gọi có nội dung liên quan tới xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có 67 cuộc gọi liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, 22 cuộc gọi liên quan tới các tình huống trẻ em bị bạo lực, bắt nạt trên môi trường mạng… Dựa vào các cuộc gọi tiếp nhận, các nhân viên Tổng đài 111 đã thực hiện 11 ca can thiệp các tình huống xâm hại, dụ dỗ, bạo lực, xúc phạm trẻ em trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu thì chúng ta vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, phải kể tới việc gỡ bỏ nội dung không lành mạnh còn gặp phải khó khăn vướng mắc do nguồn cung cấp thông tin từ một số nền tảng nước ngoài.

Về những khó khăn cụ thể, đại diện Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ ra rằng, hiện nay Việt Nam chưa thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM (Child Sexual Abuse Material) gồm thông tin, dữ liệu đặc tả về hình ảnh/video xâm hại trẻ em và có cơ chế để các cơ quan chức năng và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan tham gia cập nhật, phân tích thông tin nhằm ngăn ngừa việc đăng tải, chia sẻ các hình ảnh/video xâm hại trẻ em trên môi trường mạng dựa trên ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu lớn…; hướng tới kết nối với các cơ sở dữ liệu tương tự trong khu vực và của các cơ quan, tổ chức quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

“Thay vào đó, các nguồn thu nhận thông tin chủ yếu hiện nay được tiếp nhận qua Tổng đài 111, website vn-cop.vn. Tuy nhiên, các nguồn tiếp nhận thông tin này lại thường xuyên trong tình trạng quá tải do thiếu nhân lực làm việc cũng như thiếu các trang thiết bị kỹ thuật để lưu trữ bằng chứng, hình ảnh, phân tích dữ liệu, kết nối xử lý vụ việc, chưa có khả năng kết nối với quốc tế…” – bà Nguyễn Thị Nga trăn trở.

Về các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đại diện Cục trẻ en, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chi tiết các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân về trẻ em trên mạng, đặc biệt chú ý đến việc thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho trẻ em và cha mẹ về bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (trong phiên đối thoại với Việt Nam năm 2022).

Ngoài ra, các cơ quan truyền thông, báo chí cần đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi đăng tin, bài về trẻ em; các doanh nghiệp cần khuyến khích việc xây dựng các ứng dụng, phần mềm hay các nền tảng, trò chơi trực tuyến tạo là sân chơi bổ ích cho trẻ em, giúp trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên không gian mạng.

Bên cạnh các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, thì mỗi gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường trang bị kiến thức và kỹ năng “tự vệ” cho trẻ em, giúp trẻ em biết bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng. Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn là rất cần thiết, đó chính là “vắc xin số” dành cho những “công dân số nhí”.

Nguồn: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang-649319.html



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.