Nghị định 67 với mục tiêu hiện đại hóa tàu cá, vươn khơi bám biển dài ngày ra đời năm 2014. Thời điểm đó, những ngư dân được chọn vay vốn ưu đãi đều là những người có thâm niên trong nghề. Tháng 6/2015, ông Đệ – một trong những ngư dân có chút “của ăn của để” lúc bấy giờ may mắn đủ điều kiện được đóng Tàu 67, với trị giá con tàu là 11 tỉ đồng. Ông đã mạnh dạn đăng kí, làm thủ tục, được thẩm định vay ngân hàng 7 tỉ đồng. 3 năm đầu vươn khơi, khi thì ở ngư trường vịnh Bắc Bộ, lúc đánh bắt tận ngư trường Hoàng Sa. Khi ấy làm ăn có lãi, ông tiếp tục chung vốn cùng 4 người khác mua thêm con tàu 3,6 tỉ đồng. Để mua được con tàu này, ông Đệ đã phải thế chấp ngôi nhà của gia đình đang ở. Không ngờ, bước sang năm 2021, do các ngư trường lớn đang bị cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản, làm ăn khó khăn lại lắm rủi ro, trong khi một năm đầu khi hạ thủy chỉ tập trung “làm quen” với con tàu hoàn toàn mới lạ, nên ông gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Liệu bật khóc khi ngôi nhà của anh trai mình sẽ phải bán đấu giá. |
Ông Đệ ngậm ngùi cho biết: “Biển cả thất bát, hải sản cạn kiệt, khấu hao vào dụng cụ đi biển thì nhiều, giá dầu tăng, dịch Covid-19 ập đến, đi biển chuyến nào là lỗ chuyến nấy. Chúng tôi đã phải bán vội con tàu 3,6 tỉ với giá 600 triệu đồng, còn con Tàu 67 cũng đã bị kê biên, thanh lí chỉ còn được hơn chục phần trăm giá trị ban đầu. Trước đây nhờ có căn nhà ở mặt đường nên mới đủ điều kiện đóng Tàu 67, giờ đây ngôi nhà cũng chuẩn bị đi theo con Tàu 67 “ra khơi” mất rồi. Khi ngôi nhà đem bán đấu giá, gia đình tôi còn chưa biết ở đâu, chỉ mong mỏi bán được cho người thân rồi sau này con cái tôi sẽ làm ăn, tích cóp, có cơ hội chuộc lại, vì ngôi nhà này gia đình tôi đã ở mấy chục năm nay, bố tôi chắt chiu bao nhiêu năm đi biển để cất nhà, làm đám cưới cho tôi.
Tháng 4/2021, ngân hàng khởi kiện, tôi đã phải bán hết mọi thứ có thể để níu giữ lấy một con tàu làm ăn nhưng không được. Tôi đã đề nghị ngân hàng trả 40% trong một kì hạn để làm ăn, nhưng ngân hàng không đồng ý. Nếu chính sách cho cơ cấu nợ thì tôi sẽ không bị khởi kiện, bán tàu để thi hành án”.
Gia đình ông Đệ đã nhiều đời đi biển, bố đẻ ông Đệ là ông Nguyễn Văn Nghi (77 tuổi) theo bố đi biển từ hồi 10 tuổi. Vợ chết từ khi mới 31 tuổi, một mình ông Nghi nuôi 4 người con với trăm bề vất vả, hiện nay bản thân ông đang bị liệt phải nằm một chỗ.
Cán bộ chức năng thực hiện việc kê biên tài sản của ngư dân không trả được nợ. |
Kể với phóng viên, bà Nguyễn Thị Liệu (cô ruột ông Nguyễn Văn Đệ), trú tại thôn Hải Vượng, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn nghẹn ngào nói: “Vì điều kiện khó khăn nên thằng Đệ và anh trai nó không được học hành đến nơi đến chốn, phải theo bố đi biển từ lúc mới lớn. Giờ lâm vào tình cảnh này, không còn cách nào khác tôi buộc phải bắt con trai tôi bán căn nhà chỗ có vị trí đẹp, kinh doanh tốt để dư được số tiền mua lại căn nhà này. Một là để giữ lại căn nhà, sau này con thằng Đệ có thể chuộc lại. Quan trọng hơn nữa là anh tôi còn sống ngày nào vẫn được ở căn nhà do chính anh xây nên, chứ không phải đi ở nhờ và khi anh ấy mất đây cũng là chỗ thờ cúng”.
Những chuyện buồn vui xung quanh con Tàu 67 còn rất nhiều, rất dài, và đây không chỉ là tình cảnh của riêng trường hợp ông Nguyễn Văn Đệ, ở TP Sầm Sơn, mà là của chung của rất nhiều gia đình ở nhiều địa phương hiện nay.
Tại Thanh Hoá có 58 tàu cá đóng mới theo vốn vay ưu đãi từ Nghị định 67, trong đó có 23 tàu vỏ thép, 35 tàu vỏ gỗ (17 tàu dịch vụ hậu cần và 41 tàu khai thác hải sản). Sau khi hoàn thành đóng mới, 58 tàu cá đi vào hoạt động, không chỉ khai thác ở ngư trường truyền thống (vịnh Bắc Bộ), một số chủ tàu đã mở rộng khai thác tới ngư trường miền Trung, miền Nam và các vùng biển xa. Những năm đầu làm ăn tốt, nhưng chỉ sau 4-5 năm đi vào hoạt động, có một nửa số tàu đạt hiệu quả không cao. Nhiều chủ tàu không trả được tiền gốc và lãi theo cam kết. Ngân hàng và ngư dân buộc phải đưa nhau ra Tòa, một số tàu bị phát mại, khiến không ít ngư dân có nguy cơ mất tàu, mất nhà…
Chủ trương hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hải sản trên biển của Nghị định 67 là cần thiết, tạo điều kiện cho ngư dân phát triển kinh tế dựa trên nghề truyền thống. Tuy nhiên, việc triển khai, áp dụng còn có nhiều điểm bất cập, khiến cả ngư dân và ngân hàng đều gặp khó. Hiện nhiều địa phương đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ về thực trạng Tàu 67. Những người đi biển đang rất mong mỏi nhà Nước có chính sách hỗ trợ, tháo gỡ cho họ, để họ có cơ hội phục hồi sản xuấtn