Chuyện về đám cưới không có đêm tân hôn

0

Tôi lấy chồng, đã có một con, nhưng vẫn thường “nũng nịu” bên bà như thế. Ông bà tôi trước đều dạy học tận trên tỉnh miền núi Hà Giang, sau chuyển về Hà Nội, tiếp tục công tác mấy năm thì nghỉ hưu.

Bà tôi đã gần tám chục tuổi, kém ông tôi sáu tuổi. Ông bà tôi không nặng lời với nhau bao giờ và rất yêu quý con cháu, luôn nhẹ nhàng dạy bảo chúng tôi những điều hay lẽ phải, đặc biệt hay răn dạy chúng tôi thông qua các câu chuyện. Bà rất “cưng chiều” tôi. Tôi tự nhiên tò mò hỏi bà về chuyện đám cưới của ông bà. Bà im lặng trầm tư một lát rồi chậm rãi kể:

Hồi đó, giữa tiết Đông năm Đinh Mùi, 1967, vào một ngày đẹp trời, ông bà tổ chức lễ cưới ngay tại trường ông bà dạy học.

Năm đó, trường của ông bà vinh dự được nhận danh hiệu trường lá cờ đầu về giáo dục của tỉnh Hà Giang; tổ giáo viên của trường nhận danh hiệu tổ đội Lao động Xã hội chủ nghĩa.

Bà nội tôi và chắt của cụ.
Bà nội tôi và chắt của cụ.

Lúc đó, ông là Hiệu trưởng nhà trường. Ông đã báo cáo và được lãnh đạo Ty, lãnh đạo Phòng Giáo dục cho ông bà được tổ chức đám cưới cùng một ngày với việc tổ chức nhận các danh hiệu cao quý của trường. Vì vậy cùng với việc nhà trường gửi giấy mời các đại biểu đến dự lễ nhận cờ, ông xin phép được gửi kèm thiếp mời cưới của ông bà tới các vị lãnh đạo và bạn bè thân thiết.

Thế là ông phải đồng thời chuẩn bị chu đáo cả việc lớn của trường và việc “trăm năm” của ông bà. Tất nhiên là việc công được lo nhiều hơn, nên thời gian chuẩn bị cho việc cưới có phần hạn chế.

Nhưng rất mừng là các bạn bè và lãnh đạo quý mến, ủng hộ nhiệt tình đám cưới của ông bà. Các thầy giáo và lãnh đạo trường sư phạm Việt Lâm đi bộ hàng chục cây số từ trường tới giúp trang trí phòng cưới và các phương tiện cần thiết cho đám cưới. Có thầy giáo thức suốt đêm trước ngày cưới làm bánh, mứt kẹo; lãnh đạo xã phân công các đoàn thể lo cơ sở vật chất và cơm nước.

Buổi sáng hôm đó, theo chương trình, ông bà và các thầy cô giáo trong trường phải tập trung vào việc tổ chức lễ nhận cờ, nhận các danh hiệu cao quý của trường nên rất mệt. Nhưng chiều đến, các thầy cô và cả các vị khách vẫn rất nhiệt tình bắt tay vào việc tổ chức lễ cưới cho ông bà.

Cũng vì “lợi dụng” kết hợp việc riêng lẫn việc tư nên đám cưới của ông bà vô cùng vinh dự (và cũng rất đặc biệt) có sự hiện diện của nhiều quan khách của tỉnh, của các huyện, các trường tiên tiến trong tỉnh; chỉ có điều là người nhà, họ hàng thân thiết không ai có điều kiện đến dự, do đường sá quá xa xôi, tàu xe không thuận tiện (lúc đó, ở Hà Nội muốn lên Hà Giang phải xếp hàng mua vé xe rất khó khăn – đi ít nhất 2 ngày mới tới)!

Phòng cưới của ông bà là phòng một lớp học, nhưng được trang trí rất lộng lẫy: Trên nền phông xanh lá cây, hiện lên đôi bồ câu trắng quấn quýt ngậm bông hồng đỏ với chữ “song hỉ” lóng lánh sắc nhung; nổi bật là đôi câu đối đầy ý nghĩa do các thầy giáo trường sư phạm Việt Lâm viết tặng – đôi câu đối này, hiện nay ông bà vẫn cất giữ, như một báu vật: “Nhân ngày lễ cưới, chúc anh… dựng xây thành công trường tiên tiến/ Đón buổi thành hôn, mừng chị… dạy dỗ tăng nhiều trẻ chăm ngoan”.

Trước phông là chiếc bàn phủ vải đỏ, với lọ hoa lay ơn, hoa hồng tươi mướt, chẳng biết các thầy ở trường sư phạm tìm kiếm đâu ra trong hoàn cảnh khó khăn lúc ấy. Các bàn trong “hôn trường” được phủ khăn trắng muốt bày các loại hoa quả, bánh kẹo – sản phẩm mà các thầy rất vất vả suốt đêm hôm trước làm tặng (thời gian này, hàng hóa rất khan hiếm, mọi thứ đều “phân phối”, “bình xét”, bánh kẹo cũng trong tình trạng đó. Nên việc đám cưới có bánh kẹo lúc đó là vô cùng quý và là điều làm cho khách đến dự, nhất là cán bộ, Nhân dân địa phương rất ngạc nhiên).

Tại buổi lễ, lãnh đạo xã điều khiển chương trình. Nhiều tiết mục văn nghệ có ghi ta, ắc-cooc đệm biểu diễn chúc mừng, khiến ông bà vô cùng cảm động.

Đặc biệt là những ý kiến phát biểu của bạn bè và các vị khách. Một người bạn của ông nói: “Các bạn đã rất khéo kết hợp giữa việc chung và việc riêng”… “các bạn đã làm một “pha” rất đẹp!”

Còn Thư kí Công đoàn Ty Giáo dục phát biểu: “Các bạn đã dựng nên một hình ảnh rất đáng trân trọng!”; Chủ tịch xã nói: “Ủy ban xã sẽ phát động học tập cách tổ chức cưới đời sống mới của các đồng chí “…

Kết thúc chương trình đám cưới thì trời đã về chiều. Ở miền núi, trời tối đến rất sớm. Khách không thể trở về các địa phương kịp, phải ở lại qua đêm (vì từ trường ra đến huyện phải đi bộ vượt qua đèo dốc tới 12 cây số). Giường chiếu của gia đình, của giáo viên trong trường (tất nhiên là cả giường cưới của ông bà) phải dành cho khách mà cũng không đủ, một số khách phải lên kê bàn ghế trên lớp học để nằm, lấy phông, khăn bàn để đắp. Ông bà cũng phải chia nhau các lớp học để ngủ cùng khách. Thế là đám cưới của ông bà không có “đêm tân hôn” như các cặp vợ chồng mới cưới khác!

Sáng hôm sau, sau bữa cơm sáng thân mật, ông bà và nhà trường tiễn khách trở về các địa phương.

Nhưng cháu có biết không: Ông vừa là người đi tiễn, cũng vừa là người “được tiễn”.

Vì theo chương trình (tất nhiên là có lịch trình từ trước), ông được phân công đi dự hội nghị các trường tiên tiến miền núi phía Bắc tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang. Thế là ông tiếp tục theo các vị khách, cuốc bộ ra huyện rồi đáp ô tô tới nơi họp. Bà ra tiễn mà không cầm được nước mắt.

Và như vậy, ông bà đã không được hưởng “đêm tân hôn”, lại cũng chẳng được hưởng “tuần trăng mật” như các cặp vợ chồng mới cưới khác, vì phải một tuần sau, ông mới đi họp về.

Bà tôi hài hước “tổng kết” lại vài điều đặc biệt đáng nhớ về đám cưới của mình. Đó là:

– Một đám cưới có nhiều khách cấp cao hàng tỉnh, hàng huyện đến dự. Đám cưới được chính quyền xã đứng ra tổ chức.

– Một đám cưới không có người thân trong gia đình, họ mạc và bạn bè ở quê hương đến dự.

– Một đám cưới được nhiều bạn bè giúp đỡ tận tình để khắc phục hoàn cảnh rất khó khăn lúc đó.

– Một đám cưới có ý nghĩa trong việc kết hợp việc công và việc tư.

– Một đám cưới không có đêm tân hôn, không có tuần trăng mật!…

Bà tôi dừng kể. Mắt rớm lệ như rất cảm động về một kỉ niệm chắc chẳng bao giờ quên của đời mình!



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.