Có giải pháp nào đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản “nhờn luật”?

0

Lập đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh bất động sản

Cụ thể, trong văn bản gửi đến 6 địa phương gồm: Bắc Giang, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Long An và Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thực hiện Chương trình công tác năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức đoàn công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về nhà ở và kinh doanh bất động sản, thời gian làm việc từ 5-7 ngày. Thời gian kiểm tra dự kiến bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11.

Nội dung kiểm tra tập trung vào trình tự, thủ tục, cơ chế ưu đãi thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị; việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở phục vụ tái định cư; khung giá bán, cho thuê nhà ở xã hội và công tác quản lý thị trường bất động sản.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng kiểm tra việc thực hiện các chương trình kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương này.

Đối với các dự án nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, kiểm tra số lượng dự án, diện tích căn hộ được xây dựng mới, số căn chung cư chia theo từng loại hình bất động sản; trình tự cấp phép dự án, việc huy động vốn các dự án.

Liên quan đến việc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng yêu các địa phương kiểm tra tổng quan về tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 và năm 2021 tại thời điểm báo cáo.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các địa phương báo cáo về tình hình triển khai các dự án bất động sản khác như biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng và tình hình thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản và các pháp luật có liên quan.

Hậu "sốt" đất, Bộ Xây dựng lập đoàn kiểm tra việc kinh doanh bất động sản trên địa bàn 6 tỉnh
Bộ Xây dựng sẽ tổ chức đoàn công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về nhà ở và kinh doanh bất động sản trên địa bàn các tỉnh.

Trước đó, vào tháng 3/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn về việc chấp thuận kế hoạch kiểm tra năm 2021 của các đơn vị trực thuộc bộ; trong đó giao Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai tại 26 tỉnh, thành phố.

Cụ thể: tại 13 tỉnh gồm: Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Định, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An sẽ kiểm tra trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước 1/7/2014.

Tại Bình Thuận sẽ kiểm tra việc thực hiện công tác định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất. Tại Hải Phòng, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Tại Hà Nội, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Tại TP. HCM, kiểm tra các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước 1/7/2014. Ngoài ra, kiểm tra việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại một số dự án phát triển nhà.

Cần quyết liệt hơn với các chủ đầu tư coi thường pháp luật

Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thanh kiểm tra các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản song tại nhiều địa phương, các chủ đầu tư dự án, đơn vị phân phối vẫn còn tình trạng “nhờn luật”, ngang nhiên bán hàng “chui”, huy động vốn trái phép.

Điển hình như, tại tỉnh Sơn La, hồi cuối tháng 3/2021, Sở Xây dựng tỉnh Sơn La có văn bản cảnh báo, dự án khu đô thị số 1, phường Chiềng An của Công ty CP Tập đoàn Picenza Việt Nam và dự án khu dân cư lô số 3A, dọc suối Nậm La, TP Sơn La do Công ty CP Bất động sản Hano-Vid làm chủ đầu tư chưa đủ điều kiện được huy động vốn, chưa đủ điều kiện được bán hàng song các công ty đã thực hiện giao dịch, chào bán đất nền, nhà ở qua hình thức điện thoại, phát tờ rơi…, nhận đặt cọc giữ chỗ mua nhà ở thông qua các trang mạng kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, Tập đoàn Picenza Việt Nam đã phủ nhận hoàn toàn cảnh báo của Sở Xây dựng, vẫn tiếp tục thi công xây dựng các hạng mục nhà liền kề, biệt thự trong khi chưa hoàn thiện hạ tầng theo giấy phép xây dựng giai đoạn 1 đã được cấp. Bên cạnh đó, tình trạng bán hàng “chui” tại dự án khu đô thị số 1, phường Chiềng An (tên thương mại là Picenza Riverside) vẫn ngang nhiên diễn ra “táo tợn” hơn, bất chấp các quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo từ cơ quan chức năng.

Hậu "sốt" đất, Bộ Xây dựng lập đoàn kiểm tra việc kinh doanh bất động sản trên địa bàn 6 tỉnh
Công ty CP Tập đoàn Picenza Việt Nam ra chính sách đặt cọc giữ chỗ tại dự án khu đô thị số 1, phường Chiềng An khi dự án chưa đủ điều kiện bán hàng.

Mới đây, ngày 14/05/2021, ông Nguyễn Văn Hùng – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Picenza Việt Nam đã “bất chấp” các quy định của pháp luật, ký Quyết định phê duyệt chính sách bán hàng gửi cho các đại lý nhằm huy động vốn. Theo đó, mặc dù hạ tầng dự án Picenza Riverside vẫn còn ngổn ngang chưa thi công xong nhưng chủ đầu tư đã liên kết với các đại lý bán hàng dưới hình thức đặt cọc giữ chỗ, trong đó, khách hàng đặt mua đất nền sẽ đặt cọc 50 triệu/lô, mua biệt thự và shophouse sẽ đặt cọc 100 triệu/lô.

Thiết nghĩ, tại sao một dự án nằm tại trung tâm của thành phố Sơn La lại có thể tồn tại và tiếp diễn tình trạng xây dựng, kinh doanh bất động sản có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật như vậy? Liệu rằng, có ai đang “chống lưng” cho chủ đầu tư vượt rào, “ngồi trên pháp luật” như vậy hay không? Câu hỏi này xin gửi tới các lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La, Sở Xây dựng tỉnh Sơn La và các cán bộ chính quyền sở tại nơi dự án đã và đang xây dựng.

Cũng trong tình trạng tương tự, tại Hà Nội, vừa qua, UBND huyện Hoài Đức đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc do ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật – chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức do xây dựng công trình không phép.

Cụ thể, dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng nhưng thời gian qua Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc đã cho thi công rầm rộ phần hầm diện tích xây dựng 6.177m2 tại ô đất có ký hiệu C1-CT thuộc dự án khu đô thị mới An Lạc Green Symphony.

Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa hết bức xúc khi tình trạng quảng cáo, rao bán dự án An Lạc Green Symphony vẫn diễn ra công khai dưới hình thức đặt cọc giữ chỗ trị giá 200 triệu đồng. Được biết, hiện dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng là do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến quy hoạch. Nếu trong trường hợp dự án chậm triển khai hoặc chưa biết chính xác khi nào mới có thể khởi công xây dựng thì chẳng phải những quảng cáo “trên trời” của chủ đầu tư sẽ trở thành… lừa đảo hay sao?

Do đó, để hạn chế tình trạng các chủ đầu tư dự án, sàn phân phối cũng như cá nhân hoạt động môi giới bất động sản đã và đang tiến hành các giao dịch bất động sản trái pháp luật tại các dự án chưa đủ điều kiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho khách hàng và thị trường bất động sản, đề nghị Bộ Xây dựng cùng các sở, ban ngành liên quan sớm vào cuộc thanh tra, xử lý dứt điểm các tình trạng trên.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.