Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành,… giám sát
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong năm 2022, lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân, điều hành linh hoạt, thống nhất từ cấp Cục đến các đơn vị cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nêu cao quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao năm 2022. Công tác chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm vào các nhóm nhiệm vụ: Lãnh đạo, chỉ đạo điều hành triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp hoàn thành sớm chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao và giữ vững đà tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn; Chủ động tham mưu, thực hiện các giải pháp khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu, lối mở; đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đối số toàn diện theo lộ trình; Kiểm soát chặt địa bàn, bắt giữ, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới; không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, nổi cộm; Tăng cường kiểm tra việc thực thi chức trách, nhiệm vụ, việc chấp hành kỷ cương kỷ luật hành chính, tinh thần thái độ phục vụ doanh nghiệp; chủ động phòng ngừa sai phạm, chống tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu; Rà soát đôn đốc, thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các vụ việc phát sinh, chấn chỉnh khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, đề xuất phương án quản lý hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh |
Ngoài ra, Cục Hải quan Quảng Ninh còn chú trọng chỉ đạo xây dựng 3 Đề án, 9 Quy chế và 60 chương trình, kế hoạch xuyên suốt các mặt công tác và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổ chức đánh giá, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời với mục tiêu đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đề ra đúng tiến độ, có chất lượng, không phát sinh việc tồn đọng, quá hạn. Đặc biệt, chỉ đạo ban hành, triển khai hiệu quả chương trình công tác trọng tâm năm 2022 với 5 nhóm nhiệm vụ lớn, 48 nhiệm vụ cụ thể và 3 Đề án cho nhiệm kỳ 2022-2025: Đề án cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan; Đề án truyền thông về cải cách hành chính giai đoạn 2022-2025; Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan số và mô hình hải quan thông minh, trong đó đã xác định rõ những nội dung công việc, thời gian hoàn thành cụ thể và phân giao trách nhiệm cho từng đồng chí lãnh đạo Cục, trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc trên tinh thần nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tích cực triển khai các giải pháp hoàn thành đúng tiến độ các mục tiêu đề ra.
Trao bằng khen cho những cán bộ Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đạt thành tích xuất sắc trong năm 2022 |
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các công việc được giao, các chương trình, kế hoạch, đề án đã ban hành; thực hiện nguyên tắc bám sát cơ sở, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của các cấp lãnh đạo, dành thời gian kiểm tra, giám sát cơ sở, định hướng những giải pháp cụ thể và chỉ đạo triển khai hiệu quả…
Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện
Xác định rõ cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hoá hải quan là vấn đề then chốt trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao với khối lượng công việc ngày càng nhiều hơn. Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Cục Hải quan Quảng Ninh đã triển khai đồng loạt các biện pháp cụ thể, hữu hiệu để triển khai thực hiện các mặt công tác, đặc biệt tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 384/CT-TCHQ ngày 8/2/2022 của Tổng cục Hải quan về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022; thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tái thiết tổng thể hệ thống công nghệ thông tin và xây dựng mô hình hải quan thông minh; dự án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng tập trung phục vụ chuyển đối số và triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN theo lộ trình của ngành Hải quan; ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của Cục Hải quan Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hải quan Quảng Ninh đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện |
Chú trọng rà soát và kiến nghị cắt giảm, thống nhất đầu mối quản lý, thay đổi phương thức kiểm tra đối với các nhóm mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra, quản lý chuyên ngành nhằm rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Kết quả: Lựa chọn 2 thủ tục hành chính (TTHC) để rà soát, đánh giá phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; 1 TTHC rà soát để kiến nghị công bố (bãi bỏ, sửa đổi nội dung bộ phận tạo thành…); kiến nghị 09 nhóm hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, bất cập; 9 thủ tục giấy phép/kiểm tra chuyên ngành còn thực hiện thủ công (chưa thực hiện trên một cửa quốc gia). Phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức rà soát các quy trình thủ tục Hải quan trong dự thảo mô hình triển khai nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu Bắc Luân II, TP Móng Cái.
Cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp luôn được Hải quan Quảng Ninh chú trọng, đẩy mạnh |
Tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến HQ36a; cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN theo đúng lộ trình của Tổng cục Hải quan; hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử (hệ thống MGH); hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) giúp giảm thời gian và chi phí trong việc nộp/xuất trình hồ sơ của doanh nghiệp với cơ quan hải quan và các bên có liên quan và giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh áp dụng và nâng cao hiệu quả việc sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa (Seal định vị điện tử GPS; máy soi container; hệ thống trực ban, giám sát trực tuyến, …); hoàn thiện phần mềm “Quản lý hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới theo các quy định của Thông tư số 80/2019/TT-BTC ngày 15/11/20219 của Bộ Tài chính”; phần mềm “Quản trị và điều hành của lãnh đạo các cấp trên nền tảng đám mây nội bộ” đáp ứng yêu cầu công tác. Kết quả: 100% thủ tục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức điện tử; tiếp nhận và phát hành kết quả xử lý 4.217 hồ sơ thực hiện thủ tục trên DVCTT HQ36a của 20 thủ tục; 3.235 lượt phương tiện xuất nhập cảnh được làm thủ tục hải quan trên hệ thống E-Manifest; 3.501 tờ khai nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành được trả trên hệ thống một cửa quốc gia; tiếp nhận 495 C/O from D điện tử các nước qua hệ thống một cửa ASEAN; 02 cảng biển, toàn bộ 26 kho ngoại quan và 1 địa điểm kiểm tra hàng xuất khẩu triển khai Hệ thống giám sát hải quan tự động đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (VASSCM).
Quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Công tác hỗ trợ đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp tiếp tục được đa dạng hóa thông qua nhiều hoạt động: Đổi mới đối thoại, tạo hiệu ứng tích cực đối với doanh nghiệp thông quan tổ chức 2 Hội nghị chuyên đề thảo luận chuyên sâu, 13 Hội nghị cấp Chi cục, 4 đoàn công tác của Lãnh đạo Cục tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, tranh thủ sự chỉ đạo của UBND tỉnh và TCHQ giải quyết triệt để, nhanh chóng trên 130 vướng mắc của doanh nghiệp; Đẩy mạnh hỗ trợ, giải đáp vướng mắc qua điện thoại, fanpage, email với trên 260 lượt giải đáp, hướng dẫn cho doanh nghiệp; Chú trọng công tác cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa hiệu quả Quyết định số 75/QĐ-TCHQ ngày 20/1/2022 của Tổng cục Hải quan về phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp; Chủ động nắm bắt thông tin những doanh nghiệp mới được đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư tại các khu kinh tế, khu công nghiệp để bám sát, hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ những bước đầu triển khai dự án; Tiên phong triển khai Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp ; Tiếp tục thực hiện đo giải phóng hàng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn để nhận diện những mặt được, chưa được, đề ra các giải pháp nhằm tiếp tục giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Gặp mặt doanh nghiệp, lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của doanh nghiệp, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp |
Duy trì triển khai Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức hải quan trong quá trình giải quyết thủ tục và Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở (CDCI) của Cục Hải quan Quảng Ninh năm 2022 nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh, thi đua nâng cao hiệu quả chất lượng quản lý điều hành, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp của 06 Chi cục Hải quan và kịp thời tiếp nhận, tháo gỡ, giải quyết vướng mắc phát sinh từ doanh nghiệp. Qua Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức hải quan và kết quả khảo sát CDCI 2022, Cục Hải quan Quảng Ninh tiếp tục nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn với trên 98% doanh nghiệp hài lòng về chất lượng phục vụ của các Chi cục và tin tưởng với những cải cách đổi mới trong chất lượng quản lý, điều hành.
Từ việc không ngừng kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp từ cấp Cục đến các đơn vị cơ sở, đã góp phần tạo nên bước chuyển mới trong tăng cường phối hợp, giám sát và đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Điều này góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Thành quả ngọt ngào đạt được
Với sự đoàn kết, thông nhất, sáng tạo, linh hoạt,…trong mọi tình huống, trong năm 2022, Cục Hải quan Quảng Ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Hải quan Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng cờ đơn vị xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 |
Tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 15,05 tỷ USD tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: xuất khẩu đạt 5,29 tỷ USD giảm 2%; nhập khẩu đạt 9,76 tỷ USD tăng 44%; mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: than, clanke, xi măng…; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: xăng dầu, than, máy móc thiết bị, dăm gỗ, tạp hóa….
Tổng số 1.239 doanh nghiệp đã tham gia làm thủ tục hải quan qua địa bàn (332 doanh nghiệp trong tỉnh, 913 doanh nghiệp ngoài tỉnh). Thực hiện thủ tục qua Hệ thống VNACCS/VCIS cho 72.143 tờ khai, giảm 16% so với năm 2021.
Giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho 126.045 lượt phương tiện (Xuất cảnh 63.665 lượt, nhập cảnh 62.380) giảm 40% so với năm 2021 và 79.954 lượt hành khách xuất nhập cảnh (Xuất cảnh 45.578 lượt, Nhập cảnh 34.376 lượt), giảm 55% so với năm 2021.
Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan Quảng Ninh đạt 15.650 tỷ đồng (trong đó: Thuế xuất khẩu 1.713,9 tỷ đồng; thuế NK 1.743,3 tỷ đồng; thuế TTĐB 963,8 tỷ đồng; thuế BVMT 155,3 tỷ đồng; thuế GTGT 11.058,7 tỷ đồng; thuế tự vệ; CBPG 5,5 tỷ đồng; thu khác 8,8 tỷ đồng); tăng 63% so với năm 2021; đạt 156% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (10.000 tỷ đồng), đạt 148% chỉ tiêu UBND tỉnh giao (10.600 tỷ đồng) và đạt 119% chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao phấn đấu (13.200 tỷ đồng). Ước thu Ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 16.100 tỷ đồng.
Tin tưởng rằng, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, sự đoàn kết, thống nhất của cán bộ, nhân viên… và tận dụng lợi thế giao thương sôi động trên địa bàn tỉnh, năm 2023, Hải quan Quảng Ninh sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.