Phát huy lợi thế
Theo thống kê của các chuyên gia năng lượng, Đắk Lắk có diện tích lớn thứ 4 cả nước, đất đai màu mỡ, ít bị ảnh hưởng của bão, khí hậu phù hợp với sản xuất nông nghiệp đa dạng với quy mô lớn cũng như lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Đắk Lắk có tiềm năng lớn về điện gió, với tổng công suất dự kiến khoảng 1.400 MW, điện mặt trời (95 GWh/năm), điện sinh khối rất dồi dào, với năng lượng sinh khối từ bã mía (gần 8 triệu tấn), từ cuống sắn (2,5 triệu tấn)…
Với những tiềm năng vượt bậc trong phát triển năng lượng tái tạo, Đắk Lắk được định hướng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo khu vực Tây Nguyên. Trên tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ngày 15/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về “Phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu phấn đấu, phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh đạt công suất 2.000 – 3.000MW giai đoạn 2020-2025; 3.000-4.000MW giai đoạn 2026-2030, phấn đấu đưa Đắk Lắk trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên.
Các dự án điện gió tại Đắk Lắk sẽ bổ sung nguồn điện đáng kể cho mạng lưới điện quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. |
Để thực hiện định hướng này, Đắk Lắk đang xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp tạo sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các khu vực kinh tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Đồng thời, địa phương cũng tích cực rà soát, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm nhanh, gọn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy trình giải quyết hồ sơ, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Hành động để cất cánh
Theo Sở KH&ĐT Đắk Lắk, với các dự án điện gió đang thực hiện, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tích cực hoàn thành các thủ tục liên quan đến dự án; thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, cho thuê đất theo quy định pháp luật về đất đai…, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm thực hiện và hoàn thành dự án.
Với những tiềm năng và sự ưu đãi về cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã chọn Đắk Lắk là địa phương để phát triển các dự án, nhất là dự án điện gió. Ở lĩnh vực điện gió, đã có 47 dự án đăng kí đầu tư tại địa bàn tỉnh với tổng công suất khoảng 10.000MW. Đến nay, đã có 9 dự án đã được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 755MW. Trong đó, có 8 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng và 1 dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên là dự án điện gió đầu tiên ở Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên đã vận hành phát điện đã phát điện thương mại, với tổng công suất 28,8MW, sản lượng điện sản xuất khoảng 100 triệu kWh.
Trang trại phong điện Tây Nguyên của Công ty CP Giải pháp năng lượng gió HBRE, tại thôn 4, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, chính thức thi công từ tháng 10/2017, với công suất 28,8 MW, tổng mức đầu tư 1.400 tỉ đồng và hoàn thành vào tháng 6/2019 (giai đoạn 1). Sau khi thực hiện giai đoạn 1, từ nay đến năm 2022, Công ty CP Giải pháp năng lượng gió HBRE sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (công suất 110 MW) và giai đoạn 3 (300 MW). Hai giai đoạn này của dự án đang thực hiện thủ tục bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.
Cuối năm 2020, nhiều nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng điện gió hào hứng khi 4 dự án nhà máy điện gió tại huyện Krông Búk, với tổng quy mô công suất 200 MW, sơ bộ tổng chi phí thực hiện khoảng 7.673 tỉ đồng được Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk công bố danh mục dự án, bắt đầu quá trình tìm nhà đầu tư. 2 dự án đầu tiên là Nhà máy Điện gió Cư Né 1 và Nhà máy Điện gió Cư Né 2, thực hiện tại xã Cư Né, huyện Krông Búk. Nhà máy Điện gió Cư Né 1, có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 2.177 tỉ đồng, Nhà máy Điện gió Cư Né 2, có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.910 tỉ đồng. Dự án thứ ba là Nhà máy Điện gió Krông Búk 1, có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.784 tỉ đồng, thực hiện trên khu đất 17,5 ha tại xã Cư Pơng, xã Chư Kpô, huyện Krông Búk. Dự án thứ tư là Nhà máy Điện gió Krông Búk 2, có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.802 tỉ đồng, thực hiện trên khu đất 16,79 ha tại xã Cư Pơng, xã Chư Kbô, xã Ea Sin, huyện Krông Búk. 4 dự án được công bố danh mục ngày 20/11/2020. Tiến độ đầu tư được đưa ra là hoàn thành các thủ tục pháp lí dự án để đủ điều kiện khởi công trước tháng 3-4/2021; hoàn thành xây dựng, hòa lưới điện quốc gia trước tháng 10-11/2021.
Cả 4 dự án thuộc Danh mục các dự án điện gió bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất tại Công văn số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020. Mỗi nhà máy có quy mô công suất 50 MW. Theo phương án đấu nối, công suất các nhà máy sẽ được gom về trạm nâng áp 22/220 kV Nhà máy Điện gió Krông Búk 2×125 MVA, đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 220 kV Krông Búk – Pleiku 2.
Vào cuối tháng 1, đầu tháng 2/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk cấp quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện gió cho Công ty TNHH Đầu tư VNM (Singapore). Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cấp quyết định chủ trương đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện gió tổng công suất 70 MW, vốn đầu tư hơn 2.210 tỉ đồng cho Công ty TNHH Đầu tư VNM.
Nhà máy điện gió Beta đầu tư tại các phường Đạt Hiếu, An Bình, Đoàn Kết, Thống Nhất, Bình Tân và xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ), xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) và xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), diện tích 10,9 ha, công suất 50 MW, tổng mức đầu tư 1.560 tỉ đồng.
Trong khi đó, Nhà máy điện Alpha VNM được đầu tư tại xã Ea Sol, Đliê Yang và Ea Hiao (huyện Ea H’leo), diện tích gần 6,5 ha, công suất 20 MW, tổng mức đầu tư 650 tỉ đồng.Tiến độ thực hiện 2 dự án này là 24 tháng kể từ thời điểm cấp quyết định chủ trương đầu tư, thời gian hoạt động 50 năm, được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu theo quy định.
Ngoài ra còn có dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam do Công ty CP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (Trungnam Dak Lak 1 Wind Power) làm chủ đầu tư đang được triển khai thực hiện tại Đắk Lắk. Dự án có công suất thiết kế lên đến 400 MW, có quy mô 84 trụ gió, kết hợp hệ thống 1,2km đường dây 500 KV cùng hệ thống mạng điện và giao thông công cộng phục vụ dự án và dân cư địa phương. Ước tính sản lượng điện năng sản xuất được của dự án là khoảng 1,1 tỉ kWh điện mỗi năm.
Dự án có quy mô được xem là một trong những quy mô lớn trong cả nước thời điểm hiện nay, trải rộng trên diện tích 6.000 ha địa hình đồi núi, xen lẫn khu vực chuyên canh nông nghiệp và sinh sống của bà con thuộc 3 xã Ea Nam, Ea Khal, Dliê Yang, huyện Ea H’Leo.
Dự án có tổng mức đầu tư 16.500 tỉ đồng, được Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý tại Quyết định số 3282/QĐ-UBND ngày 31/12/2020. Dự án đang được chủ đầu tư nỗ lực thực hiện với mục tiêu đưa vào vận hành vào cuối năm 2021.
Theo nhận định của tỉnh Đắk Lắk, việc đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành khai thác các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió thời đã và đang góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần ổn định đời sống người dân. Bên cạnh đó, các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Đắk Lắk đã bổ sung nguồn điện ổn định cho hệ thống điện quốc gia khoảng 3,5-4 tỉ kWh/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Với những dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió đã, đang được triển khai cho thấy Đắk Lắk sẽ trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên trong tương lai.