Dấu ấn tiền tệ năm 2022 vượt qua “cơn gió nghịch”

0

Vượt qua “cơn gió nghịch”

Năm 2022 là năm ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép: Giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước vừa bắt đầu phục hồi sau đại dịch lịch sử Covid-19, lại xuất hiện nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro bất định và khó lường, xuất phát từ xung đột vũ trang Nga – Ukraine và lạm phát, suy giảm kinh tế tại một số quốc gia và khu vực, nhiều đồng tiền mạnh mất giá so với đồng USD, lãi suất các nước tăng cao… Tất cả các yếu tố đó có tác động ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế đất nước, đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động Ngân hàng.

Bên cạnh đó, những vấn đề nội tại của thị trường tài chính phát sinh… hội tụ tác động đến tâm lí người dân và doanh nghiệp (DN). Điều này áp lực lớn đến việc thực hiện và hoàn thành mục tiêu CSTT, đến nhiệm vụ của ngành Ngân hàng. Trong điều kiện đó, ngành Ngân hàng vẫn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao – kết quả đó phản ánh và mang đậm dấu ấn chính sách và điều hành CSTT của Ngân hàng Nhà nước, thể hiện ở một số mặt sau:

Dấu ấn tiền tệ năm 2022 vượt qua “cơn gió nghịch”

Một là, hoàn thành nhiệm vụ kép. Chỉ tiêu lạm phát về tăng trưởng kinh tế, mặc dù chưa có số liệu chính thức năm, song kết quả 11 tháng và dự báo, dự ước cả năm 2022 đều đạt, sẽ là chỉ tiêu định lượng nhất, phản ánh kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng được Chính phủ giao, đồng thời bảo đảm hoàn thành mục tiêu CSTT: Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Kết quả này càng có ý nghĩa quan trọng khi trong năm 2022 xuất hiện nhiều khó khăn thách thức đối với nền kinh tế, khi giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu tăng; làm tăng chi phí DN và tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến tăng trưởng kinh tế.

Hai là, CSTT được điều hành linh hoạt, phù hợp và hiệu quả. Trong bối cảnh nhiều đồng tiền mạnh mất giá so với đồng USD; lãi suất của các nước tăng cao, do lạm phát; suy giảm kinh tế, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu… thị trường vàng biến động mạnh và giá vàng thế giới tăng cao. Tất cả những diễn biến đó, trở thành yếu tố tiềm ẩn rủi ro đối với nền kinh tế, đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động Ngân hàng, đặc biệt là yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành; điều chỉnh biên độ giao dịch tỉ giá, cũng như sử dụng phối hợp hiệu quả các công cụ CSTT (thị trường mở; chiết khấu, tái cấp vốn; mua bán ngoại tệ…) và biện pháp quản lí, điều hành khác, đã góp phần quan trọng trong việc ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm giữ lạm phát. Đây là kết quả quan trọng và ấn tượng khi đặt trong bối cảnh năm 2022 và diễn biến không tích cực của tình hình kinh tế và thị trường tài chính thế giới trong năm.

Ba là, CSTT hỗ trợ DN và góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Đây cũng là kết quả quan trọng và ấn tượng của CSTT năm 2022, gắn liền với hiệu quả của các chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, như: Cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất cho DN; cho vay mới với lãi suất thấp; chính sách cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền Việt không quá 5,5%/năm; thực hiện cải cách hành chính và phát triển mạnh dịch vụ Ngân hàng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong sử dụng dịch vụ Ngân hàng, giúp DN giảm chi phí giao dịch, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và củng cố niềm tin của DN, của người dân đối với ngành Ngân hàng.

Kết quả quan trọng trong điều hành CSTT năm 2022 không chỉ ở việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm, mà những kết quả đó còn là cơ sở nền tảng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023, với dự báo còn nhiều khó khăn thách thức.

Đồng thời kết quả chính sách và điều hành CSTT năm 2022 còn là bài học kinh nghiệm quý báu đối với công tác quản lí, công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cũng như vai trò trách nhiệm thực thi của các TCTD mỗi khi khó khăn thách thức xuất hiện, đó là bài học xuyên suốt về kiên định trong điều hành chính sách; bài học về sự linh hoạt, sáng tạo trong điều hành và vận dụng các công cụ quản lí; bài học về sự thống nhất, đồng thuận và trách nhiệm trong thực thi chính sách.

Năm 2023 tiếp tục triển khai đồng bộ các CSTT để đạt được các mục tiêu đề ra

Dự báo năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng điều hành CSTT trong năm 2023 tiếp tục hướng đến nhiệm vụ chính trị lớn, nhất là kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu Quốc hội đặt ra, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và bảo đảm an toàn hệ thống Ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lí, điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu CSTT.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lí phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, đẩy mạnh xử lí nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lí đối với các TCTD…

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lí, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động Ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, Ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động Ngân hàng để áp dụng các mô hình kinh doanh mới và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, DN; bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng…

ThS. Trần Trọng Triết



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.