Xem đoạn clip nghĩ thương cháu bé, vừa thấy ông bố kia, không biết trình độ thế nào mà lại thiếu phương pháp dạy dỗ con như vậy!?
Viết đến đây, tôi nhớ lại ngày trước, gần nhà tôi có một chị cứ sáng ra là lại lôi con đi học. Đứa con gái của chị mới 5-6 tuổi. Chẳng hiểu sao, cháu lại không thích đi học. Một tay chị cầm chiếc roi, một tay túm chặt cổ tay con cùng với túi đựng sách vở, lôi xềnh xệch con đi. Đứa con cứ một mực kéo lại. Vừa mếu, vừa khóc không thành lời. Để đi được nhanh, thỉnh thoảng chị lại quất roi vào người nó, mồm hét lên: “Mày có đi học không?!”; “Này thì không đi học này?!”… Cháu bé đầu tóc rũ rượi, trông tội quá. Tôi tin rằng những trận đòn roi như thế, sẽ làm cho đứa trẻ kinh hãi, chứ chẳng có tâm trạng đâu mà học.
Ảnh minh họa |
Một trường hợp khác. Anh nọ dạy con học. Chẳng hiểu con tiếp thu bài thế nào, thỉnh thoảng anh ta lại củng vào đầu nó vài cái. Có lúc bực quá, anh ta túm đầu nó đập mặt xuống bàn… Thế là buổi học của con, không còn là buổi học nữa, trở thành buổi tra tấn, đánh đập. Bị ức chế như thế, thử hỏi trẻ làm sao tiếp thu kiến thức được…
Phong trào “thi đua”, bắt con cháu phải học giỏi ngay từ khi còn bé đã và đang tiếp tục diễn ra. Nhiều gia đình không tiếc tiền đầu tư. Lẽ ra, những đứa trẻ từ 3-5 tuổi này phải được chơi đùa, thì đằng này đã bị bắt vào các trường để học và không ít cháu trở thành nạn nhân của các cô “bảo mẫu”, đánh cho thâm tím mình mẩy. Có cháu bị chấn thương sọ não, pháp luật phải vào cuộc xử lí, v.v..
Việc ganh đua học “thành tài” cho sớm trở thành “ông nọ, bà kia”; không chỉ cho con cháu học các trường mầm non bình thường. Nhiều cha mẹ đặt mục tiêu cho con phải vào các trường trọng điểm, trường chuẩn, trường quốc tế, để bé tí đã được tiếp xúc với nền “văn minh của nhân loại”. Ngoài học kiến thức, còn phải học tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, v.v… và học các môn nghệ thuật như hát múa, nhạc họa. Bé mà lao vào các môn này thì coi như học suốt ngày, ít có thời gian nghỉ ngơi chơi bời. Thế là tự mình đánh mất tuổi thơ của con trẻ…
Việc học ở ta, nhiều nơi lại thiếu trường, thiếu lớp, nhất là các trường mẫu giáo. Cho nên chuẩn bị vào năm học mới, rất nhiều gia đình lo sốt vó, không biết con cháu mình có được xét tuyển vào học không? Theo sau đó là cuộc “đua” rất quyết liệt để tìm trường, tìm lớp… Hết tiểu học, lên Trung học cơ sở rồi Trung học phổ thông là cả một sự “chạy đua” khủng khiếp. Có nhiều cháu, không đủ tiêu chuẩn vẫn “xin” vào hoặc được “xếp” vào các trường chuyên, để lấy danh, lấy tiếng. Khi kiến thức, năng lực không đủ mà vào các trường chuyên, là cả một sự bất lợi, khó khăn. Không thể “tiêu hóa” được các kiến thức về Toán, Lí, Hóa, Văn, Sinh, hoặc Anh ngữ đã được nâng cao, thì ngồi ở đấy cũng chỉ như “nước đổ đầu vịt”. Rồi chạy điểm, để tiếp tục thi tốt nghiệp phổ thông, xét tuyển đại học. Lại chạy điểm, như ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang cách đây vài năm. Đây là sự bất công, làm băng hoại đạo đức xã hội và làm méo mó sự nghiệp giáo dục. Nó không còn là thực chất, mà là nạn gian dối trong học đường, có xu hướng ngày càng phát triển…
Kiến thức học tập phải truyền đạt làm sao ngấm được vào đầu con trẻ, kiểu “mưa dầm ngấm lâu” mới bền chắc, chứ không phải nhồi nhét như “vịt nhồi bánh đúc” trước khi đem ra chợ được…
Khi kiến thức không đủ thì sau này ra làm việc, sẽ chẳng có kết quả tốt đẹp gì. Nhiều đứa là con ông, cháu cha nhét vào guồng máy rồi cũng chỉ là loại “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, ăn tàn phá hại hoặc là lại nhúng tay vào tham nhũng, tiêu cực, trở thành những con sâu mọt hại nước, hại dân. Dạy và học thực chất không đơn giản, buộc phải có kiến thức, có kĩ năng, phương pháp dạy và học. Người dạy phải có kiến thức, nêu cao đạo đức nhà giáo. Dạy không chỉ là “dạy” mà phải đi kèm với “dỗ”. Học sinh ngoan hay hư, là do sự nghiêm túc hay không của thầy và nhà trường, kết hợp với việc dạy dỗ ngay tại trong gia đình…
Nếu thầy (cô) khi dạy thường dùng bạo lực với trò, có thể sẽ bị học trò phản kháng lại, đồng thời tạo cho trò thói sử dụng bạo lực không chỉ ở ngoài đường mà còn ở cả trong trường. Hiện không chỉ nam sinh mà nữ sinh cũng sẵn sàng túm tóc, lột quần áo, đánh hội đồng; nhiều vụ được chính “thủ phạm” quay clip đưa lên mạng, khiến dư luận bức xúc, bàng hoàng!
Mỗi khi nhà trường không chú ý rèn dũa đạo đức cho học sinh, buông lỏng việc dạy trò kính trọng thầy cô, tôn trọng và yêu thương bạn bè thì sẽ xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Không nên giáo dục trẻ bằng phương pháp bạo lực (đánh đập, chửi mắng, nhiếc móc, làm nhục). Thực tế cho thấy những đứa trẻ bị bạo lực từ nhỏ ở nhà và học đường khi lớn lên, chúng thường có những ứng xử bạo lực với người khác.
Giáo dục tốt, tức là việc dạy và học không chạy theo thành tích. Bằng sự thành thật, khách quan, không phân biệt đối xử, không gian dối để cho môi trường học đường lành mạnh. Đào tạo ra con người có lòng trung thực, có kiến thức, yêu nước thương dân, đem lại những điều tốt đẹp cho toàn xã hộin