Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị bác sĩ, kỹ sư đào tạo từ 5 năm trở lên được công nhận đạt trình độ tương đương thạc sĩ.
Theo dự luật Giáo dục đại học Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội ngày 13/3, thời gian đào tạo đại học là 3 đến 5 năm học tập trung liên tục tùy theo ngành đối với người tốt nghiệp THPT. Những người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, thời gian học tập do cơ sở đào tạo quyết định căn cứ vào kết quả học tập.
Thời gian đào tạo thạc sĩ từ một đến hai năm học tập trung liên tục đối với người đã tốt nghiệp đại học. Còn đào tạo trình độ tiến sĩ 3-4 năm học tập trung liên tục đối với người đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian cụ thể đối với mỗi trình độ của giáo dục đại học theo từng lĩnh vực, hình thức tổ chức đào tạo.
Trường đại học chỉ được liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học, học từ xa với cơ sở giáo dục bảo đảm yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý; không liên kết đào tạo đối với các ngành bác sĩ để đảm bảo chất lượng các ngành này.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, đa số ý kiến đề nghị có sự phân định giữa trình độ đại học 3-4 năm với trình độ đại học từ 5 năm trở lên. Hướng phân định là người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên nghiệp như bác sĩ, kỹ sư (học từ 5 năm trở lên)… được công nhận đạt trình độ tương đương thạc sĩ, phù hợp với quy định hiện nay trong Khung trình độ quốc gia và cũng phù hợp với cách xử lý trên thế giới.
Bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội băn khoăn, dự luật đã bao quát được đặc điểm riêng biệt của ngành y hay chưa? Điều 6 dự luật nêu Chính phủ sẽ quy định đặc thù trong đào tạo ngành y, tuy nhiên cần nêu rõ quy định này phải phù hợp với thời gian đào tạo đại học 3-5 năm, thạc sĩ 1-2 năm, tiến sĩ 3-4 năm học tập trung liên tục. Như vậy, theo dự luật để đạt trình độ thạc sĩ mất từ 4 đến 7 năm, tiến sĩ mất từ 6 đến 9 năm.
“Đối chiếu với thời gian đào tạo hiện nay của ngành y mất 6 năm, bác sĩ nội trú 9 năm – cao hơn đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở một số ngành. Vì vậy, tôi cho rằng, đối với hình thức đào tạo đặc thù cần quy định cụ thể trong luật là tốt nhất. Trường hợp ủy quyền cho Chính phủ thì phải phù hợp với luật”, bà Thúy Anh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Luật có quy định dành cho những ngành đặc thù. Ngành y đang học 6 năm, theo luật Khám bệnh chữa bệnh thì sau đó các em phải đi thực tế, thực hành ở bệnh viện 1,5 năm nữa mới được cấp giấy chứng nhận khám chữa bệnh. Như vậy là những em này mất 7,5 năm mới được động đến bệnh nhân nhưng thang bảng lương lại bằng người học 4 năm.
“Tất nhiên không thể dùng Luật giáo dục đại học để bao quát hết được nhưng cũng phải có khung, định hướng quy định thế nào, để sau này bằng các văn bản khác quy định chế độ lương bổng với đối tượng này, giúp các em đỡ thiệt thòi vì ngành y là ngành cao quý, rất vất vả”, ông Định nói.
Theo VnExpress