Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó vì dịch bệnh Covid-19.

0

Khó khăn trong mùa dịch bệnh covid -19.

Ông N H T, Giám đốc Công ty cổ phần CT, một DN kinh doanh nhỏ ở tỉnh Nghệ An, đang đầu tư một Trung tâm thương mại nhỏ gồm 3 tầng. Tầng một bày bán các mặt hàng tạp hóa thiết yếu; tầng hai kinh doanh ăn uống và bán cà phê; tầng ba là chỗ vui chơi và giải trí của trẻ em. Trung tâm khai trương năm 2019, vừa mới đi vào hoạt động được mấy tháng thì dịch bệnh Covid -19 bùng phát, Trung tâm phải hoạt động cầm chừng. Bước sang năm 2021, hoạt động cũng rất ảm đạm.

Do khó khăn, người tiêu dùng chi tiêu rất ít, chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thực sự thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Doanh thu hàng tháng của Trung tâm có khi không đủ nộp tiền điện. Kinh doanh đìu hiu thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, Trung tâm phải đóng cửa, nhân viên không có việc làm trong khi tiền lãi ngân hàng hàng tháng phải đóng đều đặn, tiền bảo hiểm xã hội cho nhân viên cũng phải đóng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và giữ chân họ để có nhân lực khi cửa hàng hoạt động lại sau dịch bệnh.

Với đợt dịch Covid 19 kéo dài lần này, DN đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Bước sang năm 2021 ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, các DN xây dựng còn chịu tác động lớn của giá sắt thép tăng cao. Quý IV năm 2020, giá thép xây dựng các loại giá 12.000 đồng/ kg, đến thời điểm này giá thép tăng hơn 60%. Chỉ cân đối riêng thép các DN xây dựng đã lỗ rất nặng. Điển hình như Công ty xây dựng TH chuyên nhận các công trình xây dựng nhỏ. Với quan niệm “Mèo nhỏ bắt chuột con”, làm đến đâu chắc đến đó nên rất có uy tín ở địa phương. Vừa qua, DN trúng gói thầu xây trụ sở cho một cơ quan trong tỉnh. Trúng thầu xong cũng là lúc giá thép xây dựng tăng chưa có điểm dừng. Còn ông Q, Giám đốc Công ty xây dựng ở Quỳnh Lưu nói: Đầu năm liên doanh nhà thầu chúng tôi trúng gói thầu thi công và mở rộng Quốc lộ 15 A với giá hơn 120 tỷ đồng. Nhận xong, cân đối lại, riêng thép xây dựng công trình giá trúng thầu với giá thị trường hiện tại đã chênh nhau 4 tỷ đồng.

Nghệ An: Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó vì dịch bệnh Covid-19.

Ngoài tác động của dịch bệnh, sự leo thang của giá thép xây dựng, thời tiết nắng nóng kéo dài, tiền chi cho nhân công lao động cũng tăng theo. Theo ông T, Giám đốc Công ty TNHH TA, một doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu kè bờ sông Lam nói: “Việc thi công các rọ đá và kè đá bờ sông nhân lực chủ yếu thuê nhân công địa phương thời vụ. Tuy nhiên, công thợ xây ở nông thôn hiện nay dao động từ 300 – 350.000 đồng/ ngày công, trong khi đơn giá nhân công được tính trong đấu thầu là 230.000 đồng/ngày công thì việc thuê nhân công theo giá nhận thầu là điều không thể. Đó là chưa kể giá các loại vật liệu khác cũng tăng theo”.

Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã đạt huyện chuẩn nông thôn mới hiện đang phấn đấu đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện Nam Đàn đang thi công nhiều công trình thiết yếu để đạt chuẩn. Ông Lê Văn Sỹ, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Đàn cho biết: Qua khảo sát tổng hợp của các xã, các doanh nghiệp xây dựng, trên địa bàn huyện Nam Đàn đang có 32 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng chịu tác động của biến động giá thép tăng cao. Trước bối cảnh đó, Phòng kinh tế hạ tầng đã tham mưu ra văn bản trình Sở Xây dựng để Sở có cơ sở lập danh sách các đơn vị xây dựng trong tỉnh báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh báo cáo Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành xây dựng nói chung, các địa phương nói riêng trước biến động của giá thép và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Trao đổi những khó khăn của các DN xây dựng đang thi công các công trình thiết yếu trong huyện, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Nam Đàn đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới cuối năm 2017, hiện đang phấn đấu về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2015, trên địa bàn đang có nhiều công trình xây dựng hạ tầng thiết yếu, Trước thực tế giá thép xây dựng biến động theo chiều hướng tăng cao từ đầu năm đến nay, UBND đã có nhiều báo cáo về vấn đề này với Sở xây dựng và Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét có hướng xử lý. Tuy nhiên huyện cũng chỉ là cấp đề nghị còn giải quyết tháo gỡ khó khăn cho DN phải là cấp trung ương. Tuy là DN vừa và nhỏ nhưng hàng năm ngoài đóng góp vào ngân sách địa phương, các DN này còn luôn làm tốt công tác an sinh xã hội, đóng góp ủng hộ giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi cô đơn trong và ngoài huyện.

Đại diện một DN ở Nghệ An nói: Mặc dù các DN phải trải qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng khi nhà nước phát động toàn dân ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 các DN nhỏ đều ủng hộ mỗi DN hàng chục triệu đồng, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, cao tuổi, cô đơn, trẻ em nghèo học giỏi…

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, vừa qua Nhà nước cũng đã có chủ trương giản thuế, hộ trợ DN một phần đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Các DN cũng cho rằng nhà nước cần tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh. Cần bổ sung các chính sách, các gói hỗ trợ hiệu quả để giúp DN vượt qua khó khăn. Cần có những giải pháp có tính chất dài hơi hơn như tăng cường đầu tư công, giảm lãi suất cho vay, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Đặc biệt trong các đợt dịch bùng phát vừa qua, các DN nhỏ và vừa nói chung, các DN xây dựng nói riêng đang kiệt quệ do dịch bệnh kéo dài, cộng với áp lực thiếu vốn, giá nguyên liệu tăng chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao… Vì vậy, Chính phủ, cũng như địa phương cần có các liều thuốc “trợ lực” đủ mạnh để cứu DN vừa và nhỏ trong mùa dịch bệnh Covid 19.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.