Vinh dự 8 lần được Bác về thăm
Từ năm 1955 đến năm 1968, tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự được 8 lần đón Bác về thăm, động viên và chỉ đạo công việc. Đặc biệt, lần Bác về thăm ngày 2/3/1963 đã để lại dấu ấn không phai mờ đối với các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Lần thăm này, tại khu Đồi Cao, thị xã Vĩnh Yên (nay là địa điểm Bảo tàng tỉnh), trong cuộc mít tinh trọng thể với sự tham gia của gần 2 vạn đồng bào, Bác đã căn dặn: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta” và “Mỗi đảng viên đều phải gương mẫu, người nào chưa gương mẫu thì cố gắng trở thành gương mẫu cho xứng đáng là đảng viên. Tất cả đảng viên trong tỉnh đều gương mẫu, làm cho 56 vạn dân trong tỉnh thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng nước nhà”.
Giữa tháng 11/1958, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã ra nghị quyết về nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 3 năm (1958-1960) ở miền Bắc, xác định rõ: Tập trung hoàn thành cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh.
Xác định hợp tác hóa nông nghiệp là khâu chính, trọng tâm, Trung ương đã bàn thảo, ban hành nghị quyết về vấn đề này nhằm góp phần thực hiện thành công công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Ngày 25/8/1959, Ban Bí thư Trung ương tiếp tục ban hành Chỉ thị số 154-CT/TW “Về việc củng cố hợp tác xã sản xuất nông nghiệp”.
Tháng 9/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nông dân lao động tham gia hợp tác hóa nông nghiệp, đã tạo thành phong trào và thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia xây dựng hợp tác xã. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với khí thế cách mạng sôi nổi của quần chúng, đồng thời, nhờ làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền vận động, nên phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phát triển khá rầm rộ.
Đến cuối năm 1960, kết thúc kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, công cuộc xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể đã cơ bản hoàn thành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân trong tỉnh từng bước được cải thiện. Với những thành tích trên, Vĩnh Phúc được Trung ương đánh giá đạt loại khá của miền Bắc về thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa (được Chính phủ tặng thưởng 41 Huân chương và 298 Bằng khen).
Bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ II Đảng bộ tỉnh, bên cạnh những thuận lợi, Vĩnh Phúc gặp những khó khăn lớn như: Là tỉnh nông nghiệp, lại thuộc vùng trung du, địa hình phức tạp, dễ bị hạn, úng… nên kết quả sản xuất còn nhiều yếu tố rủi ro, nhất là những năm đầu thập niên 60, hạn hán kéo dài và trên diện rộng đã gây tổn thất khá lớn cho sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh.
Phát huy những thành tựu đạt được trong những năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, với nỗ lực, quyết tâm cao của toàn quân, toàn dân trong tỉnh, đến cuối tháng 2/1963, về cơ bản Vĩnh Phúc đã khắc phục được hạn hán. Đó là thắng lợi có ý nghĩa rất lớn đối với nhân dân trong tỉnh thời kỳ này.
Về nông nghiệp, đến cuối năm 1960, toàn tỉnh có 107.944 hộ nông dân (đạt 92,68% tổng số hộ nông dân) đã vào làm ăn tập thể trong 1.350 hợp tác xã nông nghiệp (trong đó, có 32 hợp tác xã bậc cao, 100 hợp tác xã liên thôn và toàn xã). Với những thành tích đạt được, đặc biệt là trong công tác chống hạn, làm thủy lợi và khai hoang phục hóa phát triển nông nghiệp năm 1961-1962 đạt khá, ngày 2/3/1963, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và động viên.
Lần về thăm này, Bác cùng đồng chí Dương Quốc Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Vĩnh Phúc. Tỉnh đã tập trung đón Bác tại trụ sở, khu Đồi Cao (nay là trụ sở Tỉnh ủy và Bảo tàng tỉnh). Sau khi ân cần hỏi thăm lãnh đạo tỉnh, Bác ký bức chân dung tặng Đảng bộ và nhân dân, trước cuộc mít tinh đón Bác, Người giơ bức chân dung căn dặn: “Đơn vị nào có thành tích cao trong thi đua, Bác sẽ tặng một bức chân dung của Bác như thế này”.
Sau khi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, Bác chụp ảnh với các đồng chí trong Tỉnh ủy, đại diện một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các cháu thiếu nhi. Bác còn chụp ảnh với một đơn vị bộ đội đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “3 nhất”.
Nói chuyện với gần hai vạn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Vĩnh Phúc tại cuộc mít tinh trọng thể đón chào Bác tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên (nay là Công viên Bảo tàng tỉnh). Người nói: “Bác và đồng chí Dương Quốc Chính thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ hỏi thăm đồng bào, bộ đội và cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng.
Đồng thời Bác khen ngợi xã viên hợp tác xã, đồng bào miền núi, công nhân, bộ đội, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu học sinh đã ra sức sản xuất và chống hạn đạt kết quả khá…”.
Khi nói chuyện với nhân dân về chống hạn, Bác căn dặn, tuy hạn đã cơ bản bị đẩy lùi, nhưng có thể bị hạn lại; bởi vậy, luôn sẵn sàng chống hạn. Bác gợi ý, nước chống hạn có 3 nguồn: Trời mưa, nước sông ngòi và nước dưới đất. Bác yêu cầu “Chúng ta phải dùng đủ mọi cách để chống hạn và sản xuất…”.
Đối với sản xuất nông nghiệp, Bác nhấn mạnh 4 yếu tố: “Nước, phân, cần, giống” nhưng Bác phân tích nước là quan trọng hàng đầu, thiếu hoặc không có nước không thể sản xuất được. Bác nói: “Hạn, phân bón, chọn giống, trồng trọt, chăn nuôi, cải tiến công cụ, phát triển hoa màu… đều là những khâu quan trọng trong sợi dây chuyền nông nghiệp, một khâu nào yếu cũng không được…”.
Cạnh đó, Bác còn căn dặn cán bộ, đảng viên “Muốn làm tốt mọi công việc thì phải lãnh đạo tốt từ Tỉnh ủy đến chi bộ. Lãnh đạo tốt nghĩa là thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân… Phải đi sâu vào cơ sở, đi sát hợp tác xã, đồng thời, phải tuyên truyền, giáo dục cho mọi người thấm nhuần ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, xây dựng nước nhà. Cán bộ lãnh đạo phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Vĩnh Phúc oanh liệt kết nghĩa với Bến Tre anh hùng
Bên cạnh đó, Bác còn biểu dương nhân dân Vĩnh Phúc: “Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào tỉnh ta đã có truyền thống oanh liệt đánh Nhật, đánh Tây.
Ngày nay, Vĩnh Phúc oanh liệt lại kết nghĩa với Bến Tre anh hùng. Như thế là rất vẻ vang, đồng bào tỉnh ta phải ra sức phấn đấu, quyết đánh thắng giặc hạn, quyết giành vụ Đông Xuân thắng lợi. Như vậy là góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà, là thiết thực ủng hộ đồng bào Bến Tre ruột thịt” .
Cuối cùng, Bác giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Thay mặt Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc hứa với Bác quyết tâm thi đua chống hạn, đẩy mạnh sản xuất và mọi mặt công tác khác, thực hiện đúng lời dạy của Bác… Đồng chí Trần Quốc Phi, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã phổ biến nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà nhằm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong vụ Đông Xuân này.
Những tình cảm và lời dạy của Bác đã thực sự tạo động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc vượt qua nhiều thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phong trào kết nghĩa với các tỉnh miền Nam, “Vĩnh Phúc oanh liệt kết nghĩa với Bến Tre anh hùng” diễn ra sôi nổi; tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng Trường các cháu miền Nam, xây dựng công trình kết nghĩa Kênh Bến Tre, Trường Bến Tre… thể hiện tình cảm đoàn kết chặt chẽ, lâu bền.
Ngoài những lần được Bác trực tiếp về thăm và ân cần chỉ bảo, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc còn được Người nhiều lần gửi thư khen ngợi hoặc biểu dương trên báo chí mỗi khi tỉnh đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu như: Thư gửi các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể đổng bào tỉnh Phúc Yên có thành tích tham gia kháng chiến kiến quốc, ngày 16/7/1947; Thư khen ngợi HTX thôn Thượng, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường đạt năng suất lúa cao, ngày 2/3/1966…
(Còn tiếp)