Giữ “lửa” cho làng nghề mây tre đan An Mỹ

0

Trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời gian, ngày nay nhiều làng nghề truyền thống vẫn được gìn giữ và phát triển, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những làng nghề đã và đang tìm được chỗ đứng trên thị trường thì cũng còn không ít làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.

Về làng An Mỹ, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến sự mai một của làng nghề mây tre đan có lịch sử hàng trăm năm nay. Với sự phát triển của các sản phẩm gia dụng bằng nhựa, kim loại… đã thu hẹp đầu ra của sản phẩm mây tre đan. Cùng với đó là các sản phẩm mây tre đan ở đây cũng hạn chế nhiều về mẫu mã, các nghệ nhân làm nghề giỏi cũng đã qua đời, thế hệ con cháu không còn mặn mà nên nghề truyền thống có nguy cơ biến mất.

Giữ “lửa” cho làng nghề mây tre đan An Mỹ

Là một người làm nghề lâu năm, bà Phạm Thị Thuê, sinh năm 1958 tâm sự, ngày xưa cả làng đều làm nghề này, nhưng bây giờ chỉ còn lác đác vài người già. Mà cũng chỉ là công việc của những lúc nhàn rỗi, chứ giá nguyên liệu đắt, mẫu mã đòi hỏi cao nên khó làm được nhiều. Những người còn sức khỏe thì đi làm công ty hết vì có thu nhập cao hơn, còn làm nghề mây tre đan ngày chỉ kiếm được chục nghìn bạc đủ ăn bát bún. Đơn cử như đan một cái mẹt có giá khoảng 50.000 đồng nhưng phải làm mất 2,3 ngày mới xong. Theo đà này, sớm muộn làng nghề mây tre đan mà cha ông xây dựng sẽ có nguy cơ thất truyền…

Nếu như những năm trước, về An Mỹ sẽ gặp màu xanh ngút ngàn của những rặng tre, luỹ mây bao phủ, bởi đó là những nguyên, vật liệu phục vụ cho nghề truyền thống… Vào những ngày trời nắng, khắp làng, khắp sân được phủ trắng một màu của đồ đan lát, cùng những ngọn khói hun làm màu sản phẩm nghi ngút và rất đông lao động tham gia. Người làm nghề mây tre đan thường tụ tập lại một nơi để cùng thi đua làm, giống như câu lạc bộ những người yêu nghề, có việc thì làm, không có lại về. Làm được cái gì thì tấp nập mang ra chợ bán hay chờ lái buôn đến thu mua. Nay cả làng chỉ còn vài hộ đan thúng, mẹt phục vụ nhu cầu tại chỗ. Lái buôn mấy tháng không đến thu mua hàng. Những người yêu nghề có khi phải để tích trữ mẹt, thúng trong bếp đun, đến khi có thương lái đến thu mua thì mới mang ra.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại làng nghề mây tre đan An Mỹ, đa phần các sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, sức cạnh tranh yếu so với các sản phẩm nhựa, nhôm và giá quá thấp nên không mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, yếu tố nhân lực, thợ lành nghề cũng dần ít đi, lớp người kế tiếp không còn mặn mà, đam mê, nguyên liệu thì ngày càng khan hiếm… Vì thế, từ vài trăm hộ làm nghề mây tre đan, đến nay An Mỹ chỉ còn lại vài hộ cố gắng bám trụ để giữ gìn nghề truyền thống.

Thiết nghĩ, nghề mây tre đan truyền thống ở An Mỹ cần phải được bảo tồn và phát huy. Vì vậy, các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương cần quan tâm định hướng phát triển, có giải pháp tháo gỡ khó khăn và các chính sách khuyến khích, phục hồi vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và thu hút đầu tư, giúp người dân gìn giữ được nghề, từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.