HoREA đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành thuế chống đầu cơ nhà đất
Ngày 22/4/2021, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và đưa ra các giải pháp nhằm hạ cơn “sốt” đất, “sốt” giá nhà xảy ra trong thời gian vừa qua cũng như hạn chế hiện tượng tương tự trong tương lai.
HoREA cho biết, từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt “sốt” đất. Điển hình là cơn “sốt” đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.
Thủ phạm chính của các đợt “sốt” đất nền là giới đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá – thổi giá, lợi dụng “tâm lý đám đông – hám lợi”, cài “chim mồi” giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội “đục nước béo cò”, trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, “chống lưng” của cán bộ cơ sở,…
Song song còn có tình trạng giá nhà tăng vọt, nguyên nhân chủ yếu do sụt giảm mạnh nguồn cung dự án nhà ở, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và căn hộ nhà ở xã hội.
Trước thực trạng trên, HoREA đề xuất Thủ tướng Chính phủ rằng: thứ nhất, xem xét ban hành thuế chống đầu cơ nhà, đất như đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, sốt nóng “bong bóng” và đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất. Đồng thời, cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý chí găm giữ đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.
Thứ hai, thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, phi nông nghiệp thành đất ở, với thuế suất có thể bằng khoảng 15% đến 20% giá đất trong bảng giá đất.
Ngoài ra, với quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn. Chế tài này chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng vì khả năng lợi nhuận thu được sau này sẽ thừa bù đắp khoản tiền phải nộp bổ sung.
Bên cạnh đó, để không xảy ra tình trạng “thuế chồng thuế” thì cần phải thay thế phương thức thu tiền sử dụng đất hiện nay vốn đang là gánh nặng cho người mua nhà tại các dự án nhà ở. Như đối với dự án nhà chung cư, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 15% giá thành căn hộ và cũng là gánh nặng cho người thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở.
![]() |
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Thủ tướng Chính phủ đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập và đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất. |
Liên quan đến việc thu thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất, HoREA cho rằng, bên cạnh đóng góp vào ngân sách, chính sách thuế phải đạt được mục tiêu là điều tiết, định hướng tiêu dùng và chống đầu cơ nhưng với cách thu như hiện nay, thuế chuyển nhượng bất động sản chưa đạt được mục tiêu này.
Bản chất của thuế chuyển nhượng bất động sản là thuế trực thu và phải thu trên “chênh lệch địa tô”, tức lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được. Tuy nhiên, hiện nay cách thu của cơ quan thuế là “khoán thuế”, cứ thu 2% trên giá chuyển nhượng, lãi lỗ gì cũng phải nộp thuế. Cách thu này dễ cho cơ quan thuế nhưng lại làm méo mó chính sách.
Bộ Tài Chính cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước
Đối với đề xuất trên của HoREA, Bộ Tài chính cho biết, hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí đối với bất động sản hiện hành được ban hành khá đầy đủ, bao gồm: Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; Lệ phí trước bạ và các khoản phí, lệ phí liên quan khác (như lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…).
Các chính sách thu này đã bao quát đầy đủ quá trình hình thành, sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng bất động sản, từng bước được hoàn thiện, góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng bất động sản tiết kiệm, hiệu quả, từng bước hạn chế đầu cơ bất động sản, sử dụng lãng phí đất đai.
Vì vậy, nếu có sự thay đổi về cơ chế chính sách cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tính khả thi, tính đồng thuận cao, góp phần hạn chế đầu cơ bất động sản.
Bộ Tài chính cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các luật thuế liên quan đến bất động sản để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp gắn với việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.
Về ý kiến “khoán thuế”, cứ thu 2% trên giá chuyển nhượng, lãi lỗ gì cũng phải nộp thuế dễ làm méo mó chính sách, Bộ này cho rằng, trước đây, Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 quy định cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nộp thuế theo mức thuế suất 25% trên thu nhập (giá chuyển nhượng trừ giá mua và các chi phí liên quan). Trường hợp không xác định được giá mua và các chi phí liên quan thì nộp thuế theo thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng.
Thực tế đã gặp nhiều vướng mắc như: không có căn cứ để xác định giá mua và các chi phí liên quan của hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đặc biệt là đối với bất động sản hình thành từ lâu không có hồ sơ, căn cứ chứng minh giá vốn, bất động sản được cho, tặng, thừa kế.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng giữa các cá nhân bằng tiền mặt khó kiểm soát, có trường hợp nộp thuế theo thuế suất 2% sau đó khai điều chỉnh lại theo thuế suất 25% để hoàn thuế hoặc cơ quan thuế yêu cầu cá nhân khai lại theo thuế suất 25% để truy thu thuế gây khiếu kiện,…
Từ ngày 1/1/2015, các văn bản pháp luật về thuế quy định cá nhân chyển nhượng bất động sản nộp thuế 2% trên giá chuyển nhượng bất động sản. Việc quy định một phương pháp tính thuế đảm bảo minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện và cải cách thủ tục hành chính.
Riêng đối với doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng bất động sản, việc xác định giá vốn của bất động sản theo sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nộp thuế theo mức thuế suất 20% trên thu nhập. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định bằng doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trừ giá vốn của bất động sản và các khoản chi phí được trừ liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
![]() Mặc dù chưa có quy hoạch chính thức của Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi cao cấp Bến En, nhưng … |
![]() Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân … |
Sau cơn sốt đất nền tại nhiều đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thị … |