Huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa

0

Với đầu ra ổn định, thương hiệu sản phẩm ngày một phát triển trên thị trường, các xã trong huyện đang có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi mạnh mẽ, đem lại thu nhập ngày càng cao cho người nông dân…

Sau hơn 10 năm gây dựng, thương hiệu “Bưởi Vĩnh Tường – Hương vị đất phủ” đã tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu vào năm 2019. Việc lựa chọn giống bưởi Diễn làm giống cây chủ lực, chuyển đối cơ cấu cây trồng đúng hướng đã tạo nên thành công cho nông dân vùng đất bãi sông Hồng của huyện. Đến cuối năm 2021, tổng diện tích trồng bưởi tại các xã Phú Đa và Vĩnh Ninh đã trên 100ha, sản lượng năm 2021 đạt gần 2 triệu quả, đem lại giá trị kinh tế hàng chục tỉ đồng. Trong tương lai, triển vọng làm du lịch kết hợp với nông nghiệp sạch sẽ là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho nông dân trồng bưởi.

Nhiều hộ ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) nuôi bò sữa có thu nhập cao.
Nhiều hộ ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) nuôi bò sữa có thu nhập cao.

Ứng dụng KHKT vào trồng trọt, HTX Quảng Phúc, xã Yên Bình đã chinh phục nhiều giống cây nhập ngoại có giá trị kinh tế vượt trội như: Nho hạ đen, nho ngón tay Mỹ, dưa lê, chuối Đài Loan… Với công nghệ trồng trọt hiện đại, tự động hóa cao, sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh, chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, mô hình thâm canh nho Hạ đen với diện tích 1ha của HTX Quang Phúc cho thấy sự phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu. Những lứa quả đầu tiên cho thu hoạch đạt chất lượng cao, được người tiêu dùng đón nhận với giá bán từ 100.000- 120.000 đồng/kg.

Từ những năm 2005, nông dân xã Yên Lập đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cây lúa, cây lạc… bằng cây bí đỏ, tạo ra vùng sản xuất bí đỏ lớn nhất tỉnh. Đến nay, tổng diện tích trồng bí đỏ của xã Yên Lập đạt hơn 70ha. Giá bí đỏ ổn định, sản lượng đạt cao, đem lại giá trị kinh tế, giúp nông dân trong xã cải thiện đời sống. Sau nhiều năm hình thành và phát triển, sản phẩm bí đỏ của xã Yên Lập được nhiều thương lái và doanh nghiệp chủ động đến thu mua, đặt hàng từ sớm, nông dân không còn lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.

Huyện Vĩnh Tường hiện dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng bò sữa cùng quy mô của các trang trại, gia trại. Hiện tại, đàn bò sữa thuộc các xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh, An Tường đạt gần 14.000 con, tốc độ tăng đàn trung bình 10%/năm. Cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa được áp dụng rộng rãi (100% số hộ nuôi bò sữa đã sử dụng máy vắt sữa, máy thái cỏ, bảo đảm ATTP đối với sản phẩm sữa bò). Sản lượng sữa tươi năm 2021 đạt gần 43.000 tấn, đây là những địa chỉ tin cậy cung cấp sữa nguyên liệu cho các công ty sữa hàng đầu Việt Nam như Vinamilk, Cô gái Hà Lan… Nhiều hộ nông dân đã có thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm từ mô hình chăn nuôi bò sữa.

Đi đầu trong thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đến nay, đã có 11/28 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Tường hoàn thành chương trình dồn thửa đổi ruộng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo tiền đề thúc đẩy nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động, giảm chi phí và nhân lực. Các chương trình tập huấn về giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, năng suất cao đã góp phần hình thành các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những khó khăn đã và đang được huyện quyết liệt tìm cách tháo gỡ bằng cách tiếp tục hỗ trợ về cơ chế chính sách; đồng hành tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho các gia đình và doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư phát triển nông nghiệp để hướng tới nền nông nghiệp sạch và bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện giai đoạn 2021- 2025.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.