Kì 1: Vườn chim Ngọc Hiển, Cà Mau
Xuất phát từ cầu Năm Căn, chúng tôi hướng về huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, đến cầu Ông Ðịnh, nhìn bên trái là đến vườn chim, cò của hộ bà Huỳnh Thị Thuẫn, 63 tuổi, thuộc địa phận ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, với diện tích đất rừng 9,7ha, trong đó khu chim trú ngụ hơn 3ha.
Vườn chim là một phần thảm rừng hơn 22 năm tuổi mà bà Thuẫn giữ lại trong vuông tôm theo quy định của Nhà nước về nuôi trồng thuỷ sản trên lâm phần. Khi rừng được khoảng 10 tuổi, chim cò bắt đầu về trú ngụ, nhiều nhất là cò trắng, vạc, bạc má, còng cọc và có một vài loài chim qúy như diệc xám, điên điển, giang sen, cùng một số động vật khác dưới tán rừng, thể hiện cao tính đa dạng sinh học.
Tại vườn chim này, hơn 22 năm qua có không biết bao nhiêu thế hệ các loài chim sinh sôi, mang lại cảnh đẹp cho quê hương và trở thành điểm du lịch lí tưởng cho du khách. Bà Thuẫn xem vườn chim là tài sản thiên nhiên quý hiếm nên quyết tâm bảo vệ, tuyệt đối không khai thác chim non.
Kĩ sư Lê Thị Liễu (người chỉ tay) vẫn không quên những khó khăn trong buổi đầu tạo lập Lâm viên 19/5. |
Vườn chim của gia đình bà Thuẫn nằm ở vị trí vô cùng thuận lợi. Ðứng trên cầu Ông Ðịnh, chúng tôi có thể nhìn tổng thể vườn chim, có cảm giác như được trở về với cuộc sống dân dã gắn liền với thiên nhiên của vùng đất ngập mặn Cà Mau. Bên cạnh đó, trên tuyến đường này có nhiều trạm dừng chân, hàng quán phục vụ ăn uống cho du khách.
Rời vườn chim của gia đình bà Thuẫn, chúng tôi tiếp tục khám phá vườn chim tại phường 1, TP Cà Mau.
Năm 1989, khi khu dược liệu của Xí nghiệp Dược Minh Hải giải tán, Ðảng ủy, Ban Giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Minh Hải cũ (Cà Mau – Bạc Liêu ngày nay) quyết định mua lại khu đất trên để xây dựng công trình kỉ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy tên là Lâm viên 19/5. Lâm viên được xây dựng theo mô hình tỉnh Minh Hải thu nhỏ, trong đó có khu rừng tràm U Minh, rừng đước Năm Căn, dừa Phú Tân, nhãn Bạc Liêu, dâu Cái Tàu, khu vui chơi giải trí và khu sưu tập động thực vật. Buổi đầu nhận nhiệm vụ, có 8 người, kĩ sư Lê Thị Liễu được phân công làm Phó ban Quản lí lâm viên.
Những ngày dồn sức cho công việc, bà Liễu thấy có khá nhiều chim bay qua bay lại, trong đầu chợt nảy sinh ý nghĩ: “Hay mình xây dựng nơi đây một vườn chim để tập hợp chúng về, cũng để làm phong phú thêm khu sưu tập động thực vật? Chứ để chúng sống rải rác, người ta cũng săn bắt hết. Tỉnh Minh Hải có 9 vườn chim, nhưng hầu hết ở các huyện, thị xã Cà Mau không có vườn chim nào”.
Ðem ý tưởng bàn với anh chị em trong tổ động vật, mọi người tỏ ra ái ngại, bởi giữa phố thị ồn ào thì chim nào ở được. “Lúc đó cũng có hơi nhụt chí, nhưng mình nghĩ cứ làm thử mới biết, thành công thì tốt, không thì cũng rút ra nhiều kinh nghiệm, nghiên cứu mà! Nhưng mình vẫn có niềm tin sẽ làm được. Tôi động viên anh chị em, và họ thuận tình”, bà tâm sự.
Bước đầu, bà xin xây dựng sân chim mini gần 1 công đất, xung quanh rào lưới, bên trong đào mương thả cá, trồng trúc, trồng cây bụi cho chim ở và làm bãi để chúng ăn. Phải tạo môi trường gần giống nơi chim sinh sống; cung cấp đủ thức ăn; tập cho chúng phản xạ có điều kiện như ăn đúng giờ, khẩu phần ăn không thay đổi; đặc biệt, người chăm sóc phải gắn bó và có tình thương với chúng…, đó là các yêu cầu đặt ra khi bắt tay vào thực hiện dự án. “Xây nhà cho chim” xong, bà cùng các cộng sự đi xuống mấy vườn chim ở huyện mua chim về cắt cánh thả vào đó.
Vườn chim giữa lòng TP Cà Mau. |
Vậy rồi chuyện thử tháo khớp đầu cánh một số con để chúng không bay được. Cùng lúc này, bà lại nghĩ ra một sáng kiến là trộn bã cà phê vô thức ăn chim (chủ yếu là cá) để chúng ăn và nghiện, tới cữ sẽ quay về. Phương pháp này trở nên hết sức hiệu nghiệm. Những con tháo khớp thì luẩn quẩn trong sân làm chim mồi, những con cánh mọc dài thì chiều bay về và kéo thêm nhiều con khác. Rồi những con khác lại rủ thêm… Cứ thế chúng kéo về ngày một đông, khẩu phần thức ăn phải tăng thêm liên tục. Sau một năm, bắt đầu thấy chúng làm tổ, rồi đẻ và nở. Dần dần nhiều tổ hơn, đẻ và nở chật cứng sân.
“Cái cảm giác con chim đầu tiên nở mừng không sao kể xiết, cả tổ hào hứng chụp ảnh khoe với mọi người và phấn khởi báo cáo cấp trên”, trong giọng kể của người kĩ sư tuổi ngấp nghé bát tuần, niềm vui vẫn như còn nguyên vẹn.
Vậy là bà làm dự án xin chuyển qua vườn lớn, đó là khu rừng tràm. Cũng làm rào, xẻ mương thả cá, trồng thêm trúc, cây bụi; còn chở cả than bùn từ U Minh ra tạo vồ và trồng nhiều loài thực vật đặc trưng. Rồi bắt chim thả qua, cũng tháo khớp, cho ăn đúng giờ, trộn bã cà phê vào thức ăn… y như bên sân nhỏ. Dần dần chim kéo về ngày một nhiều và sinh sôi nảy nở. “Chim có tổ, người có tông”, khi có tổ, thì nơi đó thành “nguồn cội” chúng tự động quay về. Thế là vườn chim ngày càng đông đúc.
Ðó là vào những năm 1993, 1994, khi ấy, chuyện giữa thị xã Cà Mau tạo được một vườn chim lan rộng và nổi lên như một hiện tượng đặc biệt. Bấy giờ Lâm viên 19/5 đã mở cửa đón khách vào tham quan, vui chơi giải trí, lượng khách tới rất đông và vườn chim cũng góp phần tạo một điểm nhấn nơi này.
“Cũng phải mất gần 4 năm mới thành công được như vậy”, bà nhớ lại. Gần 4 năm, với biết bao tìm tòi, nghĩ suy, trăn trở, bao nhọc nhằn, gian nan, buồn vui, thách thức… Chưa kể còn bị áp lực từ cấp trên, phải báo cáo giải trình mỗi khi chim chết; còn bị phê bình, kiểm điểm… Dẫu vậy, bà và các cộng sự vẫn quyết tâm theo đuổi và tất cả đã được đền bù.
Trong suốt câu chuyện, bà luôn bảo, công trình này do mình khởi xướng, nhưng đạt kết quả là nhờ công sức chung của nhiều người; nhất là bà Vũ Thị Thuý và ông Lê Danh Cương, là những người kề vai sát cánh. Ðặc biệt, từ những kiến thức, kinh nghiệm tích luỹ được khi làm việc nơi đây, sau này, ông Cương đã tạo lập thành công nhiều vườn chim cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Về hưu, sống tại ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, trong nhiều niềm vui tuổi xế chiều, bà Liễu vẫn thường dõi theo những cánh chim sáng sáng, chiều chiều đi về chốn bình yên trong lòng thành phố. Bà tâm tình: “Làm được công trình này tôi vui lắm, vì thấy mình góp được một việc có ý nghĩa cho đời”.
Hiện, vườn chim do kĩ sư Lê Thị Liễu tạo dựng tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lâm viên 19/5 lúc ấy) đã mở rộng khoảng 3ha, có 53 loài, với hơn 10.000 cá thể; trong đó có một số loài quý như điên điển, diệc xám… Mỗi năm ngoài hàng chục ngàn lượt khách tham quan, nơi này còn đón tiếp nhiều đoàn nghiên cứu trong nước và quốc tế.