Lam Hạ, chuyện anh hùng kể mãi…

0

Cụ Chu Thị Phóng, 81 tuổi ôm chiếc áo kỉ niệm lúc chồng hi sinh. Bây giờ, kí ức về ngày ấy, vì tuổi tác cụ nhớ được ít lắm nhưng cũng đủ nhói đau trong mỗi đêm trường. Chồng cụ là cụ Đặng Bản Nhãn lúc đó làm Bí thư Đảng ủy, kiêm Chính trị viên xã đội. Những năm ấy, xã có 3 trận địa phòng không của bộ đội đặt ở 3 thôn: Đình Tràng, Đường Ấm và Hòa Lạc để bảo vệ cầu Phủ Lý. Suốt ngày đêm ông phải lo túc trực động viên, tổ chức, huy động lực lượng từ dân quân, học sinh, thiếu niên cho đến những cụ phụ lão để cùng với bộ đội vác đạn, thông nòng súng, vận tải thương bệnh binh, và huấn luyện kĩ thuật bắn súng cho lực lượng dân quân cơ động, sẵn sàng vào vị trí chiến đấu thay thế bộ đội.

Tờ mờ sáng ngày 1/10/1966, khi cụ Nhãn đang ăn lót dạ mấy củ khoai luộc dở, thì máy bay địch ầm ầm kéo tới, rồi tiếng bom rơi, tiếng súng nổ liên hồi, cụ chỉ kịp với lấy chiếc còi, khoác trên vai khẩu súng trường rồi cùng Nguyễn Đức Trọng, người Chính trị viên phó Huyện đội Duy Tiên băng mình vào trận địa. Địch điên cuồng đánh thẳng vào trận địa thôn Đình Tràng, bộ đội ta hi sinh quá nhiều. Cụ lệnh cho dân quân cơ động thay thế, 6 trong số gần mấy chục nữ dân quân gục ngã ngay trên trận địa, cụ vẫn vững vàng ở vị trí tiền tiêu. Nhưng đến trận đánh cuối cùng trong ngày, thì cả cụ và cụ Trọng đều anh dũng hi sinh ngay trên trận địa. Lúc ấy, vợ cụ đang mang thai đứa con thứ hai.

Lam Hạ, chuyện anh hùng kể mãi...
Ảnh tư liệu

Cụ Phóng rút chiếc khăn mùi xoa vội lau nước mắt, nghẹn ngào nói với mọi người: “Người ta sống ở đời thế nào cũng được, nhưng lúc chết dù sao cũng mong được tươm tất, nhưng ông nhà tôi ngay cả lúc lìa xa cõi đời cũng chả có hạt cơm nào trong bụng”. Những lời cụ Phóng kể, lại nhớ chuyện của cụ Trương Thị Nhã cũng ở thôn Đình Tràng. Cụ Nhã năm nay đã ngoài 80 tuổi, chồng là cụ Đỗ Văn Dục hi sinh tại trận địa hôm 9/10. Chỉ cách đó một ngày, làng chia quà Rằm Trung thu, cụ chỉ vội gói cho chồng nắm xôi, quả chuối. Nhưng thấy con không có gì ăn, cụ giấu vợ nhét xôi vào túi áo con. 3 giờ sáng hôm sau cụ mãi mãi nằm lại chiến trường. Bây giờ đã hơn nửa thế kỉ rồi, cứ mỗi lần thắp hương trên bàn thờ, ngắm tấm ảnh hồi trẻ, nhìn sâu vào đôi mắt của ông, cụ bà lại trực trào nước mắt. Hồi ấy cụ chỉ mới độ đôi mươi, đứa con thứ hai vừa tròn ba tháng, đang bồng bế con thì nghe tin ông bị thương nặng, cụ vội gửi con vào viện thăm chồng. Lúc ấy, để tránh đột ngột, bác sĩ đã không cho cụ nhìn vết thương của ông, cũng không cho nán lại viện. Thương ông, chưa đêm nào cụ thấy dài như thế. Sáng sớm, cụ mang tấm áo thấm đẫm máu của chồng ra bến sông đầu xóm giặt thì người ta đến báo tin ông đã tắt thở đêm qua…

Suốt những ngày rong ruổi đường xa sưu tập những tư liệu về 10 cô gái Lam Hạ hi sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh vệ quốc oai hùng của dân tộc, chúng tôi cứ nghĩ mãi về một miền đất thiêng bên dòng sông Châu hiền hòa và thơ mộng ấy. Bởi, không có lòng yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu mảnh vườn góc sân, làm sao có thể chiến đấu đến thịt nát xương tan như thế.

Trời chiều về, ánh nắng đổ muộn trên đất Lam Hạ, từng đoàn người lặng lẽ thắp hương trên Đài tưởng niệm liệt sĩ. Nghĩa trang được xây dựng uy nghi, bề thế ngay tại rẻo đất đặt khẩu đội 4 của trận địa pháo thôn Đình Tràng. Và cũng tại đây, trong buổi chiều hiu hắt đầy sương khói bên dòng sông Châu, chúng tôi may mắn được gặp rất nhiều nhân chứng – họ nguyên là những dân quân tự vệ trong đại đội cơ động trực tiếp đánh trận ngày 1/10/1966. Đó là bà Ngô Thị Hồ, Chính trị viên đại đội; bà Nguyễn Thị Tình, Trung đội trưởng trung đội nữ, và các pháo thủ: Đỗ Văn Kính, Nguyễn Quang Huy, Trịnh Văn Cường. Chiến tranh đã lùi xa, 5 chiến sĩ, năm số phận đã lần lượt đi qua cuộc chiến tranh với biết bao kỉ niệm vui buồn. Hôm ấy, càng nghe họ kể, chúng tôi lại càng yêu hơn nét đẹp thuần hậu của con người Lam Hạ.

Ở tuổi xưa nay hiếm, pháo thủ Đỗ Văn Kính mắt vẫn sáng, răng vẫn đều chằn chặn, chỉ có cánh tay phải là không còn lành lặn. Mảnh bom năm xưa xé tay khi ông trườn trên công sự tiếp đạn, máu tuôn xối xả, xương như rời từng chiếc, nhưng trong giây phút ấy ông không thấy đau, vẫn vác đạn, quyết không rời trận địa. Sau này ông cũng không đi giám định thương tật, không hưởng quyền lợi thương binh. Tôi hỏi: “Một đời chiến đấu vì nước, vì dân, công lao như thế, tại sao ông lại không làm xác nhận để được hưởng chính sách?”. Ông nói quả quyết như khẩu lệnh của người lính chiến: “Tôi cũng không biết tại sao mình lại suy nghĩ như vậy. Nhưng có một điều cứ ám ảnh mãi trong tôi đó là sự hi sinh không gì bù đắp nổi của bộ đội và dân quân Lam Hạ, nhất là những cô gái. Chẳng ai có thể đong đếm hết nỗi cơ cực, bi thương… Vậy mà chúng tôi cứ sống và chiến đấu, người này ngã xuống lập tức có người khác đứng lên. Trước tấm gương quả cảm hi sinh của mọi người, tôi nghĩ vết thương của mình quá nhỏ bé, chẳng thấm gì so với những mất mát hi sinh của đồng đội, đồng chí, gia đình thân nhân các anh, các chị…

Lam Hạ, chuyện anh hùng kể mãi... Lam Hạ, chuyện anh hùng kể mãi…

Họ là những cô gái đã dành cả tuổi thanh xuân nơi chiến trường, bom đạn; đã dấn thân vào cuộc chiến tranh vệ quốc …



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.