Kì 1: Lối về đất mẹ
Vào dịp chuẩn bị kỉ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, chúng tôi về Lam Hạ, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam quê hương của mười cô gái trong Đại đội Dân quân phòng không. Mười cô gái. Mười tuổi xuân. Mười nụ cười. Mười gương mặt. Mười tương lai, tất cả đã ngã xuống cho màu quê xanh mãi.
Vừa đến đầu làng, tôi lặng đi vì xúc động khi nghe bà con chòm xóm nơi đây kể về những ngày chống chiến tranh phá hoại ác liệt của địch. Lam Hạ là túi bom, túi đạn, nhưng quê hương đỏ đèn đỏ lửa chống giặc ngoan cường. Cả làng ra trận, cả xóm đứng lên chống giặc. Mỗi xã là một pháo đài. Còn kẻ thù thì không ngớt trút xuống thị xã Phủ Lý những tràng bom dài hòng quyết tâm cắt đứt mạch máu giao thông huyết mạch nối liền hai miền Nam – Bắc.
Trong suốt 7 năm, từ năm 1965 đến năm 1972, làng Lam Hạ đã tham dự 121 trận chiến đấu, đã có 4 máy bay địch bị bắn hạ, bắt sống 2 giặc lái, 2 cây cầu trên quốc lộ 1A, 2 con phà trên sông châu Giang vẫn thông đường thông tuyến. Những đoàn xe chở lương thực, khí tài, thực phẩm, thuốc men vẫn ngày đêm nối đuôi nhau nhằm thẳng miền Nam mà tiến.
Kẻ thù cay cú, chúng tìm đủ mọi cách tiêu diệt sự sống ở Lam Hạ. Và đây, trong một hồi ức còn lưu lại, một quả bom nghiệt ngã ném xuống cánh đồng thôn Hòa Lạc cắt đứt đôi chân chị Tô khi trên tay đang cầm bó lúa, còn ngực vẫn căng bầu sữa. Chị ra đi khi đầu xanh tuổi trẻ để lại đứa con mới chỉ 5 tháng tuổi côi cút giữa dòng đời. Và đây nữa, hai anh em đứa mới lên 3, đứa mới lên 6 cũng ở thôn Hòa Lạc, bố mẹ vắng nhà, ngây thơ lấy thúng che bom, thân hình cháy đen như que củi…
Và còn nhớ, rất nhớ là 3 ngày bi hùng 1/10/1966, 7/10/1966 và 7/7/1967. Những trận không kích với loạt bom xé ngang đất trời Lam Hạ. 3 trận, dân quân Lam Hạ phối hợp với bộ đội phòng không đánh trả máy bay địch quyết liệt nhất. Và đó cũng chính là 3 ngày quân dân Lam Hạ hi sinh nhiều nhất tới 27 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 10 cô gái đang tuổi xuân thì… Thịt da, máu đào của các chị chảy xuống thấm đỏ cả cánh đồng Lam Hạ. Những chị, những em đã mãi mãi nằm lại ở tuổi 16,17,18,19, 20. Cái ngày bi hùng ấy cách đây đã nửa thế kỉ mà người dân Lam Hạ vẫn còn nhớ như in. Mỗi câu chuyện, mỗi thời khắc trôi đi là một lần lưu dấu thêm những nhớ thương, tiếc nuối, nhưng cũng đầy tự hào trong tâm khảm của mỗi người con Lam Hạ.
Chính vì lẽ đó mà chúng tôi ngược dòng lịch sử tìm về những ngày máu lửa xa xưa ấy, thân nhân của những người hi sinh cùng với ông Đặng Tiến Lục, Chủ tịch UBND; ông Trịnh Xuân Lành, Phó Chủ tịch UBND xã đã có mặt từ rất sớm.
Một cụ già lưng còng gập như thớt lạc đà, bước đi chao nghiêng trên mặt đất, đôi tay run run mang theo bức chân dung kí họa truyền thần một cô gái còn rất trẻ. Đó là liệt sĩ Nguyễn Thị Thuận. Chị là con thứ hai trong gia đình có sáu anh em, bố là chủ nhiệm hợp tác xã mua bán, thường xuyên mang lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội, dân quân chiến đấu tại các trận địa. Sau trận chiến đấu với giặc trời, chị Thuận bị thương nặng, vẫn bình tĩnh động viên mọi người không phải lo cho mình. Lúc chuẩn bị lên bàn mổ, chị còn giục người em gái Nguyễn Thị Hành mau quay về để kịp cho bèo hoa dâu ăn kẻo muộn, rồi chị mỉm cười nắm tay người bố thân yêu an ủi: “Đừng lo bố ơi, nếu cụt chân thì mai này con cũng làm cô bán hàng ở hợp tác xã mua bán được mà”. Ông Pháo nén lòng, nghẹn ngào: “Bố sẽ xin cho con bán hàng”. Thấy bố nói vậy, gương mặt Thuận bừng lên hạnh phúc. Nhưng chỉ sau đó vài giây, chị đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của người cha thân thương…
Tiếp dòng tâm sự, ông Nguyễn Văn Phước, người em trai của chị Thuận giọng bùi ngùi: “Chị gái tôi là người lanh lợi, nhanh nhẹn lắm. Mọi việc trong gia đình, việc nào cũng thạo. Chị vừa tham gia luyện tập dân quân, vừa đảm đang đồng ruộng, mùa màng, cùng đồng đội san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, củng cố hầm hào công sự, tải đạn, cứu thương. Trước ngày hi sinh chỉ còn hai tháng nữa là tròn mười tám tuổi, chị sẽ được kết nạp Đảng. Vậy mà ngay cả bức ảnh chụp chung với bạn bè cùng làng, cùng trang lứa, chị cũng chưa kịp xem và mãi mãi không còn được xem nữa…”
Một ông già mang theo chân dung hai chị em ruột, cũng là hai liệt sĩ hi sinh cách nhau vài phút, sáng ngày 1/10/1966 tại trận địa pháo Đình Tráng. Chị Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1948, còn em là Nguyễn Thị Thi sinh năm 1950. Trên trận địa hai chị Thu và Thi hi sinh ngày ấy còn có anh trai Nguyễn Văn Thái, ông là xạ thủ cừ khôi số 1 súng máy phòng không. Hôm ấy, khi tiếng còi báo động lan truyền trong không gian cũng là lúc hai chị em Thi – Thu băng mình từ nhà ra ngõ rồi xuống thuyền bơi sang trận địa. Bà Phạm Thị Quỳ, mẹ đẻ chạy theo dặn với: “Các con cẩn thận, chiến đấu xong nhớ về ngay cho cha mẹ khỏi trông”. Nhưng bà đâu ngờ câu nói: “Nếu chúng con có hi sinh, đừng buồn mẹ nhé” của hai cô con gái là câu nói cuối cùng. Trái bom khắc nghiệt đã cướp đi 9 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 5 nữ dân quân, còn chị Thi bị thương nặng. Mảnh bom phạt ngang bụng và làm gần đứt chân trái, thế mà chị vẫn nén đau thương để chiến đấu trả chủ cho chị gái mình và đồng đội. Thấy em bị thương, Thái lao vào cõng em rời, trận địa, Thi vẫn gắng sức xua xua tay nói: “Anh là xạ thủ chính thôi anh cứ để em nằm đây mà trở về vị trí chiến đấu để trả thù cho đồng đội và em…”. Đó cũng là câu nói cuối cùng của người em gái chưa tròn 16 tuổi.