Từ lúc trời còn tối mịt, gà còn chưa cất tiếng gáy chào ngày mới, những người phụ nữ ở làng biển xã Hoằng Trường đã tất bật với công việc cào ngao thuê. Họ mang theo dụng cụ, đeo đèn pin cặm cụi mưu sinh ở cửa biển Lạch Trường. Công việc này thường diễn ra khi thủy triều rút, vì vậy nhiều hôm họ phải tất bật từ 1-2 giờ sáng. Việc cào ngao đòi hỏi sự cần mẫn nên chủ yếu chỉ có phụ nữ và người già tham gia.
Dụng cụ cào ngao khá đơn giản, chỉ cần một chiếc cào 3 đinh nhỏ, rổ đựng và đèn pin sử dụng khi trời tối. Những người cào ngao thường sử dụng quần áo dài tay, khẩu trang, nón hoặc mũ rộng vành để che chắn nắng, gió.
Thức dậy từ lúc 2 giờ sáng, bà Mai Xuân Hòa lặn lội từ xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc về cửa biển Hoằng Trường mưu sinh. Suốt 8 giờ cặm cụi cào ngao, bà Hòa nở nụ cười phấn khởi vì thu nhập hôm nay được gần 250.000 đồng.
Nghề cào ngao chủ yếu chỉ có phụ nữ và người già tham gia. |
Tháo chiếc khẩu trang lấm tấm những hạt cát, bà Hòa tâm sự: “Nghề cào ngao thường đi theo con nước, thủy triều rút lúc nào thì đi lúc đó. Khi mọi người còn đang ngon giấc thì chúng tôi đã tất bật mưu sinh rồi. Vào mùa Đông thì rét buốt, mùa Hè thì nắng nóng đến bỏng rát làn da. Có hôm sốc nhiệt, ngất lịm đi lúc nào không hay”.
Dù khó nhọc nhưng vì cuộc sống, những người phụ nữ làng biển như bà Hòa đã gắn bó với nghề nhiều năm nay. Hiện, tiền công mỗi giờ bà Hòa được trả là 30.000 đồng, nếu chịu khó và đi làm đều đặn, mỗi ngày bà Hòa cũng kiếm được từ 200.000 – 300.000 đồng.
Ngao sau khi cào lên sẽ được rửa sạch và nhập cho các đại lí thu mua ngay tại bến. So với mùa lạnh thì mùa Hè ngao thường béo và có trứng, đây cũng là thời điểm chính vụ thu hoạch tại Hoằng Trường. Trung bình một ngày, mỗi lao động có thể cào trên 100kg ngao, với thời gian từ 6-7 tiếng.
Bà Hoàng Thị Liễu, 60 tuổi, ở thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc gắn bó với nghề cào ngao hơn 20 năm nay. Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Liễu vẫn tất bật mưu sinh bằng nghề này, bà cho biết: “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi cào hơn 100kg ngao tươi, với thù lao 30.000 đồng/tiếng. Công việc tuy vất vả nhưng có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống”.
Cặm cụi cào ngao trên bãi biển cùng lao động làm thuê, bà Nguyễn Thị Hà, chủ cơ sở thu mua ngao ở xã Hoằng Trường cho biết, trung bình mỗi ngày, cơ sở của bà thu mua khoảng nửa tấn ngao tươi. “Mỗi ki-lô-gam ngao tươi loại vừa hiện cơ sở của chúng tôi đang bán với giá sỉ là 14.000 đồng, với ngao to và đẹp hiện có giá từ 15.000 – 16.000 đồng/kg”, bà Hà nói.
Công việc cào ngao của những người phụ nữ làng biển xứ Thanh chỉ dừng lại khi thủy triều dâng, nước phủ kín mặt đất chỉ còn nhìn thấy những chòi canh ngao liêu xiêu trên biển. Những người làm thuê bàn giao ngao lại cho chủ bãi, nhận tiền thù lao và theo lối cũ về bờ.
Ông Lê Phạm Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết, diện tích nuôi trồng ngao trên toàn xã hiện khoảng 10ha. Nhìn chung, nghề nuôi trồng ngao tại địa phương cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động. Báo cáo quý I năm 2023 của UBND xã Hoằng Trường cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, sản lượng ngao toàn xã ước đạt gần 50 tấn. Trong khi đó, ngành nghề mũi nhọn là khai thác thủy sản với tổng sản lượng quý I năm nay đạt 3.072 tấn, giá trị khai thác ước đạt gần 140 tỉ đồng.
Trong năm nay, xã Hoằng Trường phấn đấu mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 15ha, sản lượng ước đạt 600 tấn. Mục tiêu của địa phương này đó là tiếp tục duy trì diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học – kĩ thuật vào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.