Nguy cơ ‘gãy gánh’ du học vì áp lực làm thêm

0

Nhiều công ty tư vấn du học vẽ ra viễn cảnh đi du học có thể làm thêm để trang trải học phí, sinh hoạt, thậm chí… gởi tiền về nhà.

Theo Tiến Sĩ Trần Minh Tâm, Giảng viên ĐH Alberta, Canada, gia đình, người thân các du học sinh nên sát cánh tìm hiểu, chia sẻ nhiều hơn với con em mình, khuyến khích các em tập luyện thể thao và nên coi việc làm thêm để nâng cao tri thức, học thêm kỹ năng mềm chứ không phải chỉ để kiếm tiền.

Trong khi đó không ít phụ huynh quan niệm cho con đi du học để “nở mày nở mặt”, được con gởi tiền về xài.

Kết quả, nhiều du học sinh sang xứ người chỉ biết lao đầu làm thêm, học hành sa sút.

Tìm mọi cách để làm thêm

Tiến sĩ Phạm Hải Chiến – ủy viên Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc – cho biết những năm gần đây số lượng du học sinh Việt sang Hàn Quốc tăng vọt. Trong tổng số 15.000 du học sinh Việt tại xứ sở kim chi có gần 2/3 sang học tiếng Hàn trước khi vào đại học.

“Phần lớn du học sinh học tiếng thông qua các công ty môi giới du học. Nhiều công ty hứa hẹn vừa học vừa làm tại Hàn Quốc rất dễ dàng trong khi thực tế không phải vậy.

Nhiều bạn nghĩ qua để… đổi đời, giúp gia đình là chính. Có gia đình đã vay mượn số tiền lớn để làm hồ sơ du học cho con em thông qua các công ty môi giới. Điều này tạo áp lực rất lớn lên vai các bạn” – tiến sĩ Chiến nói.

Trong khi đó, có 10 năm học tập và tư vấn du học Hàn Quốc, thạc sĩ Lê Huy Khoa cho biết việc làm thêm quá sức, làm “chui” với du học sinh Việt là thực tế tại Hàn Quốc. “Rất nhiều du học sinh Việt tìm mọi cách làm thêm đến 22h, thậm chí 24h hằng ngày để rồi kiệt sức, học hành sa sút…

Đó là chưa kể tình trạng tai nạn lao động. Tình trạng du học sinh Việt vi phạm, bỏ trốn, làm những ngành nghề trái quy định đang tăng lên ” – thạc sĩ Khoa nói thêm.

Còn tại Nhật Bản, tiến sĩ Huỳnh Ngọc Châu (Học viện Công nghệ Kyoto) nhấn mạnh: “Ở Nhật Bản, phần đông du học sinh Việt hệ tự túc bị “nhồi” tư tưởng qua Nhật là kiếm được nhiều tiền, trong khi phải làm lao động chân tay cả ngày lẫn đêm…

Rất nhiều bạn gặp áp lực nhưng không dám hoặc không thể kể với gia đình, dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường”.

Học hành đã quá căng thẳng

Tiến sĩ Trần Minh Tâm (giảng viên ĐH Alberta, Canada) nhắn nhủ du học sinh cần biết áp lực học hành, cạnh tranh với bạn bè nước ngoài của du học sinh vốn đã rất căng thẳng. Vì vậy nếu ham làm thêm thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng, cuộc sống mất cân đối.

“Làm việc, làm thêm quá sức rất nguy hiểm cho sức khỏe khi nhiều bạn không chịu nổi áp lực. Vài năm trước, một đàn em của tôi bị đột tử do làm việc quá sức khi đi du học. Điều đó thật đau lòng” – ông Tâm kể lại.

Thạc sĩ Khoa cũng lưu ý đến những hệ quả khác của làm thêm: “Cơ quan cấp visa Hàn Quốc kiểm tra các cá nhân người Việt có nguyện vọng du học gắt gao hơn hẳn các quốc gia khác. Thậm chí chúng ta bị hạn chế visa và bị ràng buộc nhiều quy định hơn.

Hình ảnh du học sinh Việt nói chung bị ảnh hưởng. Chưa kể việc làm thêm quá quy định sẽ khiến du học sinh bị chủ lao động chèn ép, đối mặt nguy cơ bị bắt và bị trục xuất”.

Tiến sĩ Phạm Hải Chiến kể thêm việc học tập ở Hàn Quốc vốn dĩ rất áp lực. Vì vậy nhiều du học sinh buộc phải dừng việc học giữa chừng do làm thêm quá nhiều, dẫn đến kết quả học tập không đạt.

“Bên cạnh đó, những địa phương ở Việt Nam có tỉ lệ du học làm thêm bất hợp pháp cao sẽ bị liệt vào danh sách cấm sang Hàn Quốc. Như vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội du học chính đáng của các bạn khác, gây hình ảnh xấu cho cộng đồng du học sinh Việt” – ông Chiến nói.

Từng học tập ở châu Âu và Mỹ, thạc sĩ ĐH Harvard Trần Đắc Minh Trung kể: “Khi học ở Hà Lan, lúc chuyển trường vì muốn đổi ngành học tôi bị các giáo sư gọi lên phỏng vấn. Trường muốn biết sinh viên thật sự có kiến thức chuyên môn, có quyết tâm học hay chỉ chuyển ngành nhằm kéo dài thời gian để… làm thêm lâu hơn?”.

“Vừa buồn, vừa sợ, vừa cô đơn”

Tôi chẳng muốn đầu tắt mặt tối làm thêm vì nói thật việc học ở trường vốn đã rất vất vả. Nhưng mỗi khi trò chuyện với cha mẹ ở nhà thì ông bà cứ nói tôi phải làm gương cho em, không có được học bổng như người ta thì phải gắng kiếm tiền để bố mẹ nở mày nở mặt.

Mỗi lần về nhà là tôi ẩn Facebook, tránh gặp người thân vì không có tiền mua quà cáp này nọ nên nhiều người nghĩ mình coi thường họ.

Tôi đi làm thêm “chui” giờ vừa buồn, vừa sợ, vừa cô đơn. Sợ người ta phát hiện thì bị tống về nước, buồn vì chủ biết mình cần tiền nên tha hồ bắt nạt, lúc nào cũng phập phồng lo bị quỵt lương…

Và sợ nhất là khi mỗi lần nhà điện qua và đâu đó lại là “thằng Tuấn nhà bên (cũng đi du học) mới sắm cho gia đình nó cái máy lạnh” (Một du học sinh Việt ở Nhật).

Theo Tuổi Trẻ

Share.

Comments are closed.