Ông bà nội tôi

0

Ông nội tôi Nguyễn Huy Chuy, năm nay đã 92 tuổi; bà nội tôi Trần Thị Ngà, năm nay 87 tuổi.

Ông nội tôi tham gia kháng chiến năm 1949, năm mới 17 tuổi. 9 năm kháng chiến trường kì, ông tôi đã tham gia nhiều trận đánh năm 1953, chiến dịch Biên giới Thu Đông, rồi trận Điện Biên Phủ năm 1954. Ông tôi ở cùng tiểu đội với ông Phan Đình Giót, cùng chung chiến hào, bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi, sống chết có nhau trong cuộc chiến ác liệt 56 ngày đêm vật lộn trên chiến hào. Ông tôi vẫn nhớ “từ lỗ châu mai quân địch bắn ra dữ dội làm nhiều chiến sĩ bị thương, ông Phan Đình Giót xung phong lấy thân mình lấp lỗ châu mai để cho quân ta tiến lên, ông Giót hi sinh anh dũng”. Trước khi làm nhiệm vụ, ông Giót đưa cho ông nội tôi một số giấy tờ và 2 tấm ảnh.

Ông bà nội tôi

Hoà bình lập lại, ông tôi đưa tấm ảnh cho gia đình, còn giữ lại 1 tấm ảnh. Đến nay ông tôi quý tấm ảnh như báu vật, thỉnh thoảng lại giở ra xem, để nhớ các đồng đội anh dũng hi sinh trong chiến trận.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông tôi tham gia các chiến trường, sau đó công tác trong quân đội cho đến lúc nghỉ hưu. Ông tôi được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý.

Ông bà tôi sinh được 5 người con trai, bố tôi là Nguyễn Huy Ánh, hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bát Tràng, chú Nguyễn Huy Sáng, Nguyễn Huy Thoại, Nguyễn Huy Thuỷ đều là bộ đội, chú út là Nguyễn Huy Tiến làm doanh nghiệp.

Ông nội tôi luôn dạy các con giữ gìn phẩm chất của người cán bộ, luôn hoàn thành nhiệm vụ bất kể hoàn cảnh nào. Khi về với đời thường, ông tích cực tham gia công tác ở địa phương nhiều năm, làm thủ thư ở thư viện 7 năm không lương và tham gia các CLB thơ, bóng bàn, cờ tướng.

Một kỉ niệm của ông tôi không bao giờ quên, đó là ngày ông cùng các cựu chiến binh xã Bát Tràng đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi Đại tướng tròn 90 tuổi tại nhà riêng ở phố Hoàng Diệu, TP Hà Nội. Các ông mang tặng Đại tướng bình gốm Bát Tràng. Nâng trên tay bình gốm, Đại tướng cười rất vui vẻ và nói: “Các cậu có bàn tay khéo quá! Cho mình thăm hỏi các hiền thê…”.

Cứ mỗi lần kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tôi lại được đài truyền hình mời đến để ghi hình phát sóng. Mỗi lần như thế, ông tôi vô cùng phấn khởi.

Với người cao tuổi không phải đóng góp một khoản tiền nào, nhưng ông tôi vẫn tự nguyện tham gia đầy đủ các loại quỹ Vì người nghèo, Khuyến học, Biển đảo,… để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Chùa làng tôi đúc chuông, ông tôi ủng hộ 50 triệu đồng; các cháu đỗ đại học đều có quà động viên, người già ốm đau ông đều đến thăm hỏi…

Bà nội tôi là chỗ dựa vững chắc cho ông. Ông tôi đi đằng đẵng hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà nội tôi ở nhà nuôi 5 con ăn học và trưởng thành. Tuy ở Bát Tràng nhưng nhà không có lò sản xuất gốm sứ, ban ngày bà tôi đi làm công nhân Xí nghiệp Sứ Bát Tràng, tối đến lại đi làm thêm cho các gia đình sản xuất gốm sứ tại nhà để có thêm đồng ra đồng vào nuôi các con.

Quê bà nội tôi ở Nam Định, họ hàng ở xa, không nhờ cậy được ai, cứ một mình oằn lưng gánh công việc của họ hàng hai bên nội ngoại, phần thì lo ông tôi chiến đấu ở các chiến trường. Nuôi con đã vất vả, tiếp tục nuôi các cháu cho chú thím tôi đi công tác. Bà tôi có 5 con dâu: 2 người là giáo viên, 1 người là bác sĩ, 2 người làm doanh nghiệp. Giờ ông bà tôi có 20 cháu, 4 chắt.

Tuy tuổi cao nhưng ông bà nội tôi khoẻ mạnh. Hai ông bà tự chăm sóc nhau, chưa phải nhờ đến con cháu, “trộm vía” rất ít ốm đau, chưa bao giờ phải đi nằm viện. Thím tôi là bác sĩ luôn chăm sóc sức khoẻ cho các cụ nhưng chưa bao giờ ông bà tôi phải phiền đến.

Ông bà tôi là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Chị em tôi được ông bà dạy bảo từng li từng tí một mà nên người, nay đã có gia đình riêng. Chúng tôi mong ông bà mạnh khoẻ và trường thọ.

Mỗi khi Tết đến, Xuân về, nhà ông bà tôi đông vui tấp nập, con cháu ra vào ríu rít, không giấu được niềm vui, ông tôi làm thơ: “Các con đã có gia đình/ Chỉ còn hai cụ chúng mình một đôi”.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.