Tốt nghiệp THPT, ông Chất lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ông được cử đi học Trung cấp Y rồi về công tác tại Bệnh viện Quân y 6. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 1989 ông xin phục viên. Về địa phương, với 13ha đất đồi, ông trồng mía, một số loại cây ăn quả và trồng cà phê theo chủ trương của địa phương. Tuy nhiên, việc trồng cà phê phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, đất nhanh bạc màu, tốn nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thị trường tiêu thụ không ổn định, hiệu quả thấp. Ông trăn trở, tìm tòi thông tin, kinh nghiệm cải tạo đất dốc, bạc màu, để tìm loại cây trồng thay thế cây cà phê.
Ông Hoàng Văn Chất (áo xanh đứng thứ 5 từ phải sang) được UBND huyện Mai Sơn khen thưởng vì thành tích làm kinh tế giỏi |
Cuối năm 2013, ông đến các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Hưng Yên để học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Sau đó, ông vay vốn, mạnh dạn đầu tư mua phân bón cải tạo đất và 120 cây cam giống V2 về trồng thử nghiệm, thấy phát triển tốt. Năm 2015, ông đầu tư 60 triệu đồng mua 1.500 cây cam giống C36, cam đường canh, bưởi da xanh về trồng. Một năm sau, ông lại vay ngân hàng và người thân 240 triệu đồng mua giống, phân bón, trồng thêm 1,7ha cam, bưởi và được cấp trên hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Ngoài việc tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật của tỉnh, huyện, ông tự nghiên cứu, cải tiến hệ thống tưới ẩm phù hợp cho gần 5ha cây ăn quả, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Năm 2017, vụ đầu tiên gia đình ông thu hoạch hơn 30 tấn cam, trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng. Số tiền này ông tái đầu tư sản xuất và xây dựng chuồng trại nuôi 10 con bò sinh sản để chủ động nguồn phân bón hữu cơ. Những năm tiếp theo, sản lượng các loại quả và thu nhập liên tục tăng, năm 2018, thu hơn 900 triệu đồng; năm 2019, thu 1,7 tỉ đồng. Năm 2019, được Nhà nước hỗ trợ 250 triệu đồng, gia đình ông đầu tư thêm 250 triệu đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới ẩm, dùng nước giếng khoan bơm lên bể, sục cho đủ lượng ôxi rồi mới tưới cho cây. Đặc biệt, ông không dùng phân bón hóa học, mà sử dụng phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và tận dụng các phụ phẩm như vỏ cà phê, rơm rạ, lõi ngô để ủ với phân chuồng. Năm 2020, gia đình thu hoạch 150 tấn quả các loại, lãi khoảng 1,5 tỉ đồng. Ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 người và gần 30 lao động thời vụ, với mức tiền công 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn cho 40 hộ hoàn cảnh khó khăn trong xã vay vốn sản xuất không lấy lãi bằng cây giống và hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc.
Đầu năm 2018, được chính quyền và Hội Nông dân xã tạo điều kiện, ông vận động 12 hộ thành lập HTX Trường Tiến do ông làm Giám đốc. Đến nay, HTX đã có 20 thành viên, trồng 30ha cam Vinh, cam đường canh, cam V2 và bưởi da xanh, nhãn ghép, xoài ghép và 2ha rau xanh, 2ha nấm, thâm canh 30ha cà phê, chăn nuôi 200 con bò sinh sản… Toàn bộ sản phẩm cây ăn quả của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. HTX cung cấp ra thị trường 300 tấn quả các loại, 200 tấn rau xanh, 80 tấn nấm, 600 tấn cà phê… lợi nhuận trên 13 tỉ đồng; trung bình mỗi thành viên thu nhập trên 500 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 60 người và 400 lao động thời vụ, tiền công từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
HTX còn mở rộng dịch vụ cung cấp cây giống, chuyển giao khoa học kĩ thuật, trong đó ưu tiên những nông dân có nhu cầu ở các bản vùng khó khăn của tỉnh và cam kết bảo hành cây giống trong 3 năm, khi có sản phẩm HTX sẽ đưa vào chuỗi tiêu thụ. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm HTX cung ứng cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh từ 5-8 vạn cây giống ăn quả chất lượng cao các loại.
Hiện nay, ông Chất và các thành viên HTX đã đưa vào trồng thử nghiệm thành công 200 cây cam Mỹ với ưu điểm nổi bật là chất lượng ngọt, thơm và 200 cây bưởi Rubi Thái Lan, dự kiến năm tới sẽ cho thu hoạch.