1. Những người hành nghề săn “sơn nữ chân dài” ở Đông Trường Sơn cho hay, nghề này có thể diễn ra quanh năm, tuy nhiên, cao điểm là chớm Hè. Bởi đây là mùa sinh sản, chão chuộc rời nơi trú ẩn đi tìm bạn tình nên rất dễ tìm thấy. Loài này có đôi chân rất dài như “vũ nữ” nên chúng tôi thường gọi vui bằng cái tên khá mĩ miều là “sơn nữ chân dài”.

Đêm Trường Sơn cũng dịu mát hơn như ủng hộ cuộc săn của chúng tôi. Để mục kích cuộc săn, tôi được một nhóm dân làng Cơ Tu cho nhập cuộc săn chão chuộc về làm tặng phẩm biếu một đám cưới nhà trai trong làng hôm sau. Người đứng đầu nhóm là anh Alăng Sơn (45 tuổi, trú xã A Ting, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).

Săn “sơn nữ chân dài”

Theo chân Alăng Sơn, chúng tôi vào sâu trong núi, quanh co theo con khe dẫn vào một thung lũng hẹp. Tiếng “hòa tấu” của lũ chão chuộc mỗi lúc càng gần, cuối cùng, một thung lũng rộng hiện ra với nhiều tiếng kêu của loài ếch, nhái… vang vọng, náo nhiệt cả một khoảng rừng.

Đồ nghề của mỗi thợ săn là đèn pin hoặc đuốc, kèm theo vợt, bao xác rắn để đựng “chiến lợi phẩm”. Mỗi nhóm có 2 người nhẹ nhàng lội vào cánh đồng cỏ xâm xấp nước, người soi đèn và người tiếp cận bắt “sơn nữ”. Chão chuộc thường vừa ngồi bắt mồi, vừa tấu những “bản nhạc tình” trên những bờ suối, mép nước. Khi soi đèn pin bắt gặp 2 con mắt phản chiếu ánh sáng thì đúng là chão chuộc.

Lúc này, thợ săn cứ việc nhẹ nhàng đi tới dùng vợt chụp xuống mà bắt bỏ vào bao. Gặp khi chúng “cặp đôi” thì rất dễ bắt.

Theo Alăng Sơn, con chão chuộc này người Cơ Tu gọi là con A’crộ crặ hay agirụm với thân hình như con ếch, nhưng nhỏ hơn. Con to nhất cũng chỉ độ hai ngón tay trỏ của người đàn ông trưởng thành. Ngoài ra, phần lưng của con này rất khác với các loài như ếch, nhái… Bởi, xương sống có thể co gấp lại được, nên “sơn nữ chân dài” nhảy rất xa. Và khi chúng giao phối thì rất hăng say, mặc cho những nguy hiểm đang rình rập chung quanh.

Săn “sơn nữ chân dài”

2. Chão chuộc mang về chế biến nhiều món như xào lăn với sả ớt, chiên giòn, om nguyên con, nấu măng,… Đặc biệt, món cháo chão chuộc được người dân bản xứ xem như “thần dược”. Bởi, người mệt mỏi hay cánh mày râu vừa mãn cuộc rượu mà được ăn món cháo này như tăng thêm sức mạnh vì loài này rất nhiều dinh dưỡng. Và chả biết có thật hay không, nhưng có thợ săn rỉ tai tôi rằng, “sơn nữ chân dài” là món “chồng ăn, vợ khen ngon”.

Bổ dưỡng, “thần dược” là vậy, nhưng món cháo này được chế biến rất đơn giản. Chỉ cần: Cắt đầu, lột da, bỏ ruột và 4 bàn chân, rửa sạch, đem băm nhuyễn, ướp gia vị như đường, bột ngọt, hành, tiêu đâm nhỏ và ít bột nêm. Bắc chảo lên bếp cho dầu ăn, hành, tỏi hay củ nén vào phi thơm, tiếp đó cho từng viên thịt chão chuộc vào xào cho chín. Nấu nồi cháo trắng vừa chín tới thì trút hết thịt chão chuộc đã xào vào và dùng muôi trộn đều. Chờ cháo sôi trở lại, nêm gia vị vừa ăn cùng với rau thơm như ngò tây, hành lá thái nhỏ và thêm ít tiêu rừng giã nhỏ. Tất cả đều toát lên dư vị “hương đồng gió nội”.

Và cái đêm Hè Trường Sơn hôm ấy, cứ quyện mãi trong tâm trí tôi đến tận bây giờ vị ngọt ngào của bát cháo “sơn nữ chân dài”.

3. Theo người dân bản địa, không biết tạo hoá sinh thế nào mà xương sống của con này có thể gập đôi lại rất đỗi bình thường và nó nhảy rất xa và khoẻ. Có thể nhờ các yếu tố này mà mấy ông tiều phu miền núi thường khoái “sơn nữ chân dài” để trị chứng đau lưng, chồn chân, mỏi gối, thậm chí là chuyện cánh mày râu.

Già làng Phạm Văn Crới (67 tuổi, trú thôn Ban Mai, xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam) là “chuyên gia” đi bắt và chế biến các món ăn từ con chão chuộc cho biết: “Các món chế biến từ con A’crộ crặ rất thơm ngon và bổ dưỡng nên người Cơ Tu rất thích và xem con này rất quý. Chão chuộc được chế biến thành các món ăn ngon như nướng trong ống lồ ô, om, chiên,… đãi khách quý. Trong các đám cưới truyền thống người Cơ Tu có món A’crộ crặ om, phơi khô,… là một trong những “tặng phẩm” mà họ hàng nhà gái mang đến tặng nhà trai nhân ngày tiệc mừng đám cưới”



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.