Sống trong vùng tâm chấn

0

Liên tiếp động đất ở Tây Nguyên

Chỉ trong mấy ngày vừa qua, theo thống kê đã có 10 trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum gây rung lắc mạnh, ảnh hưởng tới hàng loạt địa phương từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk và các huyện của nước bạn Lào và Campuchia. Từ năm ngoái đến nay, đã có hàng chục trận động đất xảy ra tại khu vực này. Trên thực tế, động đất ở huyện Kon Plông và các huyện lân cận của tỉnh Kon Tum đã bắt đầu từ tháng 4/2021, có những ngày ghi nhận nhiều trận động đất trong một ngày. Đầu năm 2022, theo thống kê đã có tới 53 trận động đất lớn nhỏ xảy ra tại tỉnh này.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Kon Plông tháng 1/2022, xảy ra 21 trận; tháng 2/2022, xảy ra 5 trận, tháng 3/2022, xảy ra 7 trận; tháng 4/2022, xảy ra 20 trận. Cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1, có độ lớn chủ yếu dưới 4,0; riêng trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 54 phút 22 giây ngày 18/4/2022, có độ lớn 4,5 là cao nhất. Trong đó, tại địa bàn xã Đắk Nên và Đắk Ring đã xảy ra nhiều dư chấn động đất. Nhiều dư chấn có tiếng nổ lớn trong lòng đất và làm rung chuyển nhà cửa của người dân trên địa bàn xã, trụ sở làm việc của xã và các điểm trường học trên địa bàn,…Trong đó, thiệt hại nặng nhất tại Trường phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học xã Đắk Nên rung chấn quá lớn đã làm nứt toác vách tường, khiến học sinh không ở được. Hiện nhà trường đã chuyển các em sang ở các phòng khác.

Sống trong vùng tâm chấn
Người dân địa phương lo lắng việc liên tục xảy ra động đất.

Lí giải về nguyên nhân động đất tăng đột biến ở khu vực này, nơi vốn ít ghi nhận các hoạt động động đất, PGS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất khi trả lời báo chí đã chia sẻ, nguyên nhân ở khu vực Bắc Tây Nguyên này có thể do động đất kích thích, liên quan đến hoạt động của hồ chứa thủy điện. Trước đó, vào 24/3/2021, Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1. PGS Cao Đình Triều cho biết thêm, khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán – A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới kéo dài tới Quy Nhơn. Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này hoạt động tích nước hồ chứa.

Còn PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho rằng: Đây không có gì bất thường ngoài quy luật chung do đất kích thích, do thủy điện ở tỉnh Kon Tum gây ra. Những quy luật này người ta đã biết rồi nhưng không phải nhất quán cho tất cả các hồ chứa. Có những hồ chứa tích nước xong thì xảy ra động đất ngay nhưng cũng có hồ chứa tích nước xong thời gian lâu hơn mới xảy ra động đất. Điều này phụ thuộc vào sức ép đối với các tầng địa chất ở phía dưới nền đất.

Vào các năm 2011, 2012, tại Quảng Nam xảy ra nhiều trận động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã làm người dân sợ hãi. Nhiều ý kiến đã cho rằng, việc tích nước hồ chứa thủy điện là nguyên nhân chính gây nên những trận động đất tại đây. Cũng chính vì thế, khi các trận động đất xảy ra thường xuyên hơn tại Kon Tum, vào thời điểm mà Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông tích nước hồ chứa, vận hành và phát điện tổ máy số 1, điều đó đã khiến nhiều người liên tưởng tới những trận động đất tại Quảng Nam xảy ra trước đó. PGS.TS Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh thêm, từ trước đây ở khu vực này vốn rất yên tĩnh, chỉ gần đây mới xảy ra động đất. Nếu khu vực xảy ra động đất ở gần các hồ chứa tích nước, có khả năng là do hoạt động tích nước hồ chứa, gọi là động đất kích thích.

Ghi nhận động đất tại Kon Tum từ năm 2021 đến nay. Nguồn: PCTT
Ghi nhận động đất tại Kon Tum từ năm 2021 đến nay. Nguồn: PCTT

Sống giữa vùng tâm chấn

Chị Nguyễn Thị Lam (ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Ploong) cho biết, khoảng gần 13 giờ ngày 18/4, chị đang ngồi trong nhà bất ngờ thấy bàn, ghế, giường rung lắc dữ dội. Chị hoảng sợ chạy ra khỏi căn nhà cấp 4, sau một lúc lâu mới dám vào lại nhà.

Trận động đất mạnh 4,5 độ xảy ra vào trưa 18/4 cũng tạo nên dư chấn ở nhiều tỉnh, thành khác. Người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai cũng cảm nhận được sức ảnh hưởng của vụ động đất này. Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên), Gia Lai bị dư chấn ảnh hưởng tại huyện Kon Plông với tốc độ lan truyền không chỉ ở TP Pleiku mà các huyện giáp với Kon Tum như Đắk Đoa, Chư Păh, Ia Grai… cũng có thể cảm nhận được hiện tượng rung lắc.

Những trận động đất trước chủ yếu xảy ra ở các xã Đăk Tăng, Măng Bút, Ngọc Tem… nhưng những ngày qua thì ở xã Hiếu, Măng Đen, Măng Cành cũng cảm nhận sự rung chuyển. Chỉ trong vòng 3 ngày từ ngày 16 tới 18/4, địa bàn huyện Kon Plông xảy ra 14 trận động đất nhỏ, chưa ghi nhận thiệt hại nhưng khiến đời sống của người dân nơi đây không được bình yên.

Một ông lão ở Măng Cành lo lắng bảo, không biết bữa ni đất có “nổ” không? Mà đừng động đất nữa cho người dân bớt sợ, bớt khổ. Bát cơm lúa mới bao ngày trồng cấy mới được qua nhiều nhọc nhằn vừa bưng lên, bỗng nghe “đùng đùng”, thế là té tát chạy ra ngoài nhìn trời, nhìn đất, nhìn người mà ai cũng ngơ ngác như nhau.

Các cơ quan chức năng đã tiến hành họp khẩn, các nhà khoa học và chính quyền địa phương đã vào cuộc, những chuyên gia đầu ngành cũng đã vào huyện Kon Plông để khảo sát đánh giá tình hình động đất. Những máy móc, các hệ thống quan trắc động đất tại khu vực này cũng đã được lắp đặt để nâng cao năng lực quan trắc, làm cơ sở khoa học có những kiến nghị với chính quyền địa phương và người dân. Các Bộ, ngành, chuyên gia về động đất và thảm họa cũng đã vào cuộc để có những hướng dẫn ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum cho người dân. Điều này đáng mừng bởi có sự phối hợp càng chặt chẽ thì càng giảm thiểu được thiệt hại về người và của.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.