Thế hệ Z đã chính thức bước vào ngưỡng cửa đại học và đang làm thay đổi phương thức học tập ở bậc đại học. Những thay đổi này không chỉ vì sự phụ thuộc lớn hơn vào công nghệ.
Những người thuộc thế hệ Z có xu hướng ưa chuộng những môi trường học tập xã hội, nơi họ có thể thực hành và trực tiếp tham gia vào quá trình học tập. Họ mong đợi các dịch vụ theo nhu cầu sẵn sàng bất cứ lúc nào và dễ dàng tiếp cận. Và họ có khuynh hướng sớm tập trung vào nghề nghiệp hơn khi còn ngồi trong giảng đường đại học.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Barnes and Noble cho thấy sinh viên ngày nay không muốn học tập thụ động. Họ không thích việc chỉ đơn giản có mặt trong lớp học, ngồi nghe một bài giảng và ghi chép những thứ họ sẽ ghi nhớ cho một bài kiểm tra sau này. Thay vào đó, họ mong muốn được tham gia và trở thành một phần trong quá trình học tập của mình.
Trên thực tế, những sinh viên thế hệ Z có xu hướng phát triển mạnh khi họ được trao cơ hội trải nghiệm giáo dục hoàn toàn theo ngữ cảnh và họ thậm chí còn thích thú với những thách thức từ các trải nghiệm này.
Ví dụ, 51% sinh viên được khảo sát cho biết họ học tập tốt nhất bằng cách thực hành trong khi đó chỉ có 12% nói rằng họ học thông qua việc lắng nghe. Những sinh viên này cũng đề cập rằng họ có xu hướng thích các cuộc thảo luận trong lớp học và môi trường lớp học có tính tương tác hơn phương pháp giảng dạy truyền thống.
Sự ưa thích môi trường học tập tương tác không chỉ giới hạn ở những tương tác trực tiếp. Thế hệ Z hoàn toàn thoải mái khi học tập cùng với các sinh viên khác, ngay cả bên ngoài trường học, sử dụng các công cụ số như Skype và các diễn đàn trực tuyến.
Là một thế hệ kỹ thuật số, thế hệ Z mong muốn các công cụ học tập kỹ thuật số được tích hợp vào nền giáo dục. Đối với họ, công nghệ luôn là một trải nghiệm được tích hợp hoàn toàn vào mọi khía cạnh trong cuộc đời của họ. Và giáo dục cũng không phải là trường hợp cá biệt. Họ tin rằng họ nên kết nối những kinh nghiệm học tập với kinh nghiệm cá nhân thông qua những công cụ này.
Thêm vào đó, họ mong những công cụ học tập này sẽ sẵn sàng theo nhu cầu và dễ dàng tiếp cận. Đối với họ, học tập không chỉ giới hạn trong lớp học. Nó có thể diễn ra ở bất cứ khi nào và bất kỳ nơi đâu.
Cuối cùng, tiếp cận với nguồn thông tin mới không giới hạn đã tạo ra một thế hệ độc lập và chú trọng vào nghề nghiệp. Trên thực tế, 13% thế hệ Z đã có công việc kinh doanh riêng của họ. Và nhiều người thậm chí còn lấy tinh thần kinh doanh này để thúc đẩy những thay đổi trong chương trình giảng dạy của đại học, khi họ thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến thiết kế con đường học tập của chính họ trong môi trường đại học. Đối với những người chưa bắt đầu kinh doanh thì quá trình chuẩn bị sớm vẫn là vấn đề then chốt.
Một phần của sự thay đổi này là do thế hệ Z có thể tiếp cận với nhiều thông tin hơn các thế hệ trước đó. Đến thời điểm họ theo học đại học, họ đã rất thành thạo về thời sự, văn hóa âm nhạc được ưa chuộng và những xu hướng toàn cầu. Họ nhận thức rõ về thế giới xung quanh và bắt đầu có những suy nghĩ về vị trí của họ trong thế giới đó.
Thế hệ Z đang dẫn đầu sự thay đổi trong phương pháp học tập. Họ thúc đẩy đột phá trong những công cụ học tập, phong cách giảng dạy mới và tiếp cận không giới hạn tới các nguồn thông tin. Và họ đang chứng minh rằng đại học đang hướng tới một môi trường học tập xoay quanh sinh viên nơi ho có thể trở thành người quyết định tương lai của chính mình.
Theo Thời Đại