Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 2931/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Giang Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045. Theo đó, dự án này nằm tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 1.910 ha, trong đó đất xây dựng đô thị là 1.078,02 ha, đất nông nghiệp và chức năng khác là 832 ha.
Khu đô thị Giang Quang có tính chất là trung tâm kinh tế xã hội khu vực đông bắc huyện Thiệu Hóa, khu vực phụ cận và và đầu mối giao thông quan trọng của huyện, có nút giao đường cao tốc Bắc – Nam tại Thiệu Giang; tuyến đường nối quốc lộ 1 – quốc lộ 45 (đường Hoằng Xuân – Thiệu Long).
Khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã Thiệu Giang, Thiệu Quang và một phần diện tích xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa. Phía bắc giáp các xã Định Thành, Định Công, huyện Yên Định; phía đông giáp xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa; phía tây giáp xã Thiệu Long; phía nam giáp các xã Thiệu Duy, Thiệu Hợp, Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa
Khu vực miền tây Thanh Hóa và các huyện ven biển phía Bắc tỉnh này như Hoằng Hóa, Hậu Lộc sẽ kết nối với đường cao tốc qua nút giao Thiệu Giang. Đồng thời tại quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đã xác định quy hoạch khu công nghiệp Giang Quang Thịnh với quy mô khoảng 300 ha. Với các điều kiện thuận lợi nêu trên là động lực để hình thành, phát triển đô thị Giang Quang.
Định hướng phát triển đô thị Giang Quang theo mô hình một trục động lực, hai vùng phát triển, ba đơn vị ở. Trong đó trục động lực Hoằng Xuân – Thiệu Long là trục giao thông trọng điểm của tỉnh, phía đông kéo đến khu vực ven biển, phía tây đến các huyện miền núi phía tây của tỉnh.
Hai vùng phát triển trong đó, phía tây cao tốc Bắc – Nam với chức năng là trung tâm hành chính, văn hóa – thể dục thể thao; công viên cây xanh, dịch vụ thương mại; đất ở đô thị. Hành lang xanh phía tây nam phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ sinh thái, cũng là quỹ đất dự trữ.
Phía đông cao tốc Bắc – Nam với chức năng là khu công nghiệp tập trung, quy mô mở rộng sang khu vực xã Thiệu Thịnh; khu trung tâm dịch vụ, hỗ trợ công nghiệp, nhà ở xã hội, văn hóa – lịch sử gắn với phát triển du lịch sinh thái, công viên mặt nước; ba đơn vị ở trong phạm vi giới hạn thuộc các xã Thiệu Giang, Thiệu Quang, Thiệu Duy.
Xứ Thanh ngày nay . Ảnh minh họa. |
Toàn đô thị được quy hoạch thành 3 khu vực phát triển trên cơ sở sự khác biệt về địa hình, bán kính phục vụ làm yếu tố phân ranh với tổng dân số 37.000 người. Trong đó, Khu vực phía Tây đô thị, có giới hạn bao gồm toàn bộ diện tích xã Thiệu Giang. Quy mô diện tích khoảng 751,0 ha, dự kiến dân số khoảng 15.000 người. Khu vực phía Đông của đô thị, được giới hạn bao gồm toàn bộ diện tích xã Thiệu Quang. Quy mô diện tích khoảng 685,5 ha, dự kiến dân số khoảng 12.000 người. Khu vực phía Tây Nam của đô thị, được giới hạn gồm toàn bộ diện tích phía Bắc sông Mậu Khê của xã Thiệu Duy. Quy mô diện tích khoảng 473,5 ha, dự kiến dân số khoảng 10.000 người.
Bên cạnh đó, quy hoạch khu Trung tâm văn hóa – thể dục thể thao nằm trên trục đường Hoằng Xuân – Thiệu Long, diện tích khoảng 4,37 ha. Các khu thể dục, thể thao cấp xã hiện hữu được chuyển đổi thành Khu thể dục, thể thao trong đơn vị ở. Khu trung tâm văn hóa các xã, nhà văn hóa, khu đài tưởng niệm liệt sỹ… tiếp tục duy trì quy mô hiện tại, không thay đổi. Toàn đô thị tổ chức các không gian cây xanh, vui chơi giải trí, mặt nước, phân bố trong các các khu vực chức năng đô thị đảm bảo bán kính phục vụ; tổng diện tích khoảng 93,95 ha.
Trước đó, hồi giữa tháng 8/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa có tổng chi phí thực hiện gần 620 tỷ đồng; tổng diện tích gần 2ha; quy mô dân số khoảng 1.000 người. Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt trước toàn bộ 213 căn nhà ở liền kề theo thiết kế đô thị và quy hoạch.
Sau đó, nhà đầu tư được quyền khai thác, kinh doanh, chuyển nhượng các hạng mục công trình đã đầu tư xây dựng gắn liền với các lô đất ở, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Thời hạn hoạt động của dự án không quá 50 năm, tiến độ thực hiện trong 3 năm kể từ khi nhà đầu tư được bàn giao đất.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu dân cư mới OM-7 (OM-17, CX7) thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn. Đây là dự án đầu tư sử dụng đất với diện tích hơn 22ha, sơ bộ tổng chi phí đầu tư dự kiến hơn 281 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm.
Mục tiêu dự án là xây dựng khu dân cư nhằm hiện thực hóa quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư mới OM-7 (OM-17, CX7), thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở cho người dân, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa huyện Đông Sơn…
Cơ cấu sản phẩm nhà ở tại dự án gồm: 106 căn nhà ở liền kề xây thô; 32 căn nhà liền kề và 19 căn nhà biệt thự do người mua đất nền gắn liền với quyền sử dụng đất ở tự xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
Vào đầu tháng 7/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 2 khu dân cư tại xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa với tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 60ha, vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng và dân số dự kiến khoảng 9.000 người.
Theo đó, Khu dân cư đô thị số 01 có quy mô gần 12ha, với dân số 1.625 người. Dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình nhà ở. Cơ cấu sản phẩm nhà ở gồm 325 lô đất (279 lô đất xây dựng nhà ở chia lô và 46 lô biệt thự). Trên tổng 325 lô, dự án dự kiến xây thô và hoàn thiện mặt trước 138 căn nhà ở, còn lại 187 lô đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền.
Tổng vốn đầu tư khu dân dân đô thị số 01 là hơn 429 tỷ đồng, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 411 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 17,9 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 4 năm, dự kiến từ năm nay đến năm 2026. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.
Còn dự án Khu dân cư đô thị số 02 có quy mô 49,6ha, quy mô dân số 7.245 người. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dự án còn hình thành 1.449 lô đất xây dựng nhà ở (1.364 lô liền kề; 85 lô biệt thự) với diện tích 16,3ha.
Trong đó 610 lô đất nằm tại mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị, 824 lô đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại dự án, và 15 lô đất sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư bàn giao cho Nhà nước để bố trí tái định cư dự án theo quy định. Đáng chú ý, khu dân cư đô thị số 02 không dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Tổng vốn đầu tư khu dân dân đô thị số 02 là hơn 1.954 tỷ đồng, sơ bộ chi phí thực hiện dự án khoảng 1.882 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 72,3 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện không quá 5 năm, dự kiến từ quý I/2023 đến quý IV/2027. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.
Như vậy, có thể thấy, trong thời gian gần đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc quy hoạch phát triển các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh. Đây được xem như một tín hiệu tích cực mang đến động lực cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản tại xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn khá ảm đạm chưa có dấu hiệu phục hồi sau cơn khủng hoảng.