Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa phát huy tiềm năng, lợi thế, xây dựng Trung tâm kinh tế động lực

0

Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá (tên gọi từ sau Cách mạng Tháng Tám), nay là thị xã Nghi Sơn có diện tích 453km2, dân số 307.000 người với 31 đơn vị hành chính gồm 16 phường, 15 xã; phía Bắc giáp huyện Quảng Xương, phía Nam giáp thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An), phía Tây giáp 2 huyện Nông Cống, Như Thanh, phía Đông là biển.

Thị xã Nghi Sơn là vùng đất có nhiều di chỉ khảo cổ từ thời văn hoá Đông Sơn (tại Núi Chè), với truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời gắn liền với nhiều nhà văn hoá, chính trị lớn của xứ Thanh và cả nước: Đào Duy Từ, Ngô Chấn Lưu, Nguyễn Lệnh Dự, Lương Chí, Lương Nghi…

Từ sau Cách mạng Tháng Tám, trong 2 cuộc kháng chiến và công cuộc đổi mới do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, Nhân dân Nghi Sơn anh hùng, bất khuất trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường chống chọi với thiên tai. Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Nghi Sơn bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn miền Bắc chi viện miền Nam. Quân và dân Nghi Sơn cùng cả nước anh dũng chiến đấu, lập công xuất sắc trên các địa danh cầu Ghép, cầu Hang, Cầu Hồ, ga Văn Trai, đảo Hòn Mê… Nghi Sơn có hơn 20.000 thanh niên nhập ngũ. Kết thúc chiến tranh, địa phương này có 2.995 liệt sĩ, 1.550 thương binh. Với những chiến công lẫy lừng, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) và 28 xã được Đảng, Nhà nước tuyên dương là Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ tranh Nhân dân, 298 bà mẹ được tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày nay, thực hiện đường lối của Đảng, phát huy lợi thế là vùng đất địa linh nhân kiệt, có văn hoá truyền thống lâu đời, thị xã Nghi Sơn vừa có tiềm năng, vừa có khả năng huy động hiệu quả các nguồn lực, tạo bước đột phá, phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Về văn hoá, thị xã Nghi Sơn có 22 lễ hội truyền thống, nổi bật là lễ hội Quang Trung, lễ hội Cầu ngư, lễ hội Khao tàu…; có 35 di tích lịch sử – văn hoá được xếp hạng, trong đó 7 di tích cấp quốc gia (đền thờ Đào Duy Từ, cụm di tích đền thờ Quang Trung – Lạch Bạng, cụm di tích chùa Am Các…)

Phát huy lợi thế là miền đất có 3 vùng sinh thái: Đồng bằng, vùng biển, bán sơn địa, lại có đường Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, đường ven biển, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông chạy qua. Năm 2006, huyện Tĩnh Gia hình thành Khu kinh tế Nghi Sơn (theo Quyết định số 102/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) với diện tích 18,6km2 thuộc 12 xã phía Nam với mục tiêu là Khu kinh tế ven biển, đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là lọc hoá dầu, công nghiệp; ngày nay phát triển cả dịch vụ, du lịch…

Thị xã Nghi Sơn đã thu hút được 190 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 106.000 tỉ đồng; 19 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn 12,86 tỉ USD. Nhiều nhà máy đi vào hoạt động hiệu quả như nhà máy lọc hoá dầu (công suất hơn 10 triệu tấn/năm), nhà máy cán thép (2,4 triệu tấn/năm), 3 nhà máy xi măng (công suất gần 10 triệu tấn/năm), Trung tâm nhiệt điện (2.100 MW), Nhà máy giấy ANORA, Cảng biển Nghi Sơn là cảng loại 1 thuộc nhóm cảng biển Bắc miền Trung,v.v… Khu kinh tế này thu hút hơn 60.000 lao động. Dịch vụ – thương mại phát triển đa dạng, phong phú. Du lịch biển với 15 dự án nghỉ dưỡng có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng.

Sau 2 năm thành lập, cũng là 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nghi Sơn vượt lên thách thức, giữ ổn định, phát triển kinh tế. Năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 19%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 79.500 tỉ đồng (tăng 20,8% so với 2020), tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 32.320 tỉ đồng (tăng 7,7% so với năm trước), trồng mới 25 ha rừng; tổng sản lượng khai thác nuôi trồng thuỷ sản đạt 2.290 tấn, chế biến nước mắm 700.000 lít, thu ngân sách đạt 1.963,3 tỉ đồng, giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt 1.613 triệu USD…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX tỉnh Đảng bộ Thanh Hoá, năm 2022 thị xã Nghi Sơn phấn đấu đạt và vượt 29 chỉ tiêu kinh tế – xã hội, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt từ 19% trở lên, vốn đầu tư toàn xã hội trên 45.000 tỉ đồng; thu ngân sách tăng từ 12% trở lên, thu nhập tính theo đầu người đạt 55 triệu đồng/năm trở lên, giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản đạt 100 triệu đồng/ha…

Với phương châm hành động “Đoàn kết – Kỉ cương – Trách nhiệm – Sáng tạo”, kiểm soát tốt dịch bệnh và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng Thương mại – Dịch vụ – Công nghiệp, xây dựng, bảo đảm tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân, phấn đấu đến năm 2025 thị xã Nghi Sơn trở thành Trung tâm Kinh tế đô thị động lực của tỉnh, của khu vực và của cả nước.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.