Theo hãng tin Reuters, dữ liệu của Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu cho thấy, sau mùa hè tích trữ, kho khí đốt của châu Âu đã đầy 79,94%, và gần như chắc chắn sẽ giúp các quốc gia vượt mục tiêu tích 80% kho dự trữ vào tháng 11.

Trong một năm bình thường, lượng khí đốt đó có thể giúp châu Âu vượt qua giai đoạn nhu cầu dùng khí đốt cao đỉnh điểm vào mùa Đông. Nhưng năm 2022, khi Nga giảm mạnh cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 và thậm chí đang ngừng cung cấp khí đốt vô thời hạn qua đường ống này, thì tỉ lệ tích trữ trên sẽ không đủ.

Theo công ty nghiên cứu năng lượng Aurora, tích trữ đầy kho khí đốt có thể giúp các nước châu Âu đáp ứng nhu cầu trong ba tháng. Tại Đức, nơi có gần 1/4 kho dự trữ của EU, khí đốt dự trữ có thể đáp ứng nhu cầu từ 80 – 90 ngày.

Đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức
Đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức

Với khoảng 888 terawatt giờ (TWh) khí đốt được dự trữ, các nước EU đã vượt qua mức đỉnh 858 TWh được dự trữ trước mùa Đông năm ngoái. Nhưng nếu các quốc gia không cắt giảm sử dụng nhiên liệu, các kho chứa khí đốt của châu Âu sẽ cạn kiệt vào tháng 3. Dự báo này dựa trên mô hình của công ty tình báo dữ liệu với kịch bản là Nga vẫn cung cấp một lượng khí đốt suốt mùa Đông và thời tiết không lạnh bất thường.

ICIS cho biết, để ngăn chặn khủng hoảng nguồn cung vào mùa Đông, mỗi tháng các quốc gia cần cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng so với mức trung bình 5 năm. Điều đó khiến kho dự trữ sau mùa Đông còn đầy 45% nếu Nga tiếp tục cung cấp khí đốt và đầy 26% nếu Nga cắt nguồn cung từ tháng 10.

Ông Mauro Chavez Rodriguez, Giám đốc nghiên cứu khí đốt châu Âu tại công ty Wood Mackenzie cho biết: Vừa không có khí đốt của Nga, vừa không giảm mạnh tiêu thụ khí đốt trong các ngành công nghiệp và tòa nhà, có thể dẫn đến tình trạng phải hạn chế phân bổ lượng điện trong mùa Đông này.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều nơi vẫn không cắt giảm nhu cầu khí đốt liên tục trên quy mô cần thiết, mặc dù nhiều ngành công nghiệp buộc phải giảm sản lượng do giá khí đốt cao bất thường. Tình trạng này ảnh hưởng đến 2/3 công suất sản xuất phân bón của châu Âu.

Vào cuối tháng 7, các nước EU đã nhất trí cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa Đông này so với mức trung bình của mùa Đông năm 2017-2021. ICIS cho biết, mức tiêu thụ khí đốt của châu Âu trong nửa đầu tháng 8 thấp hơn 11% so với mức trung bình 5 năm.

Dữ liệu từ cơ quan quản lí năng lượng liên bang Đức cho thấy, lượng sử dụng khí đốt của ngành công nghiệp Đức đã giảm 21% trong tháng 7 so với mức trung bình 2018-2021, nhưng trước đó không có tháng nào cắt giảm lớn hơn 14%.

Khác với hầu hết các chính phủ châu Âu, Đức đưa ra một số yêu cầu để tiết kiệm năng lượng. Các yêu cầu được thực hiện vào tháng 9, trong đó có lệnh cấm sưởi ấm bằng khí đốt tại các bể bơi tư nhân, giảm chiếu sáng tại nơi công cộng và cấm các cửa hàng có hệ thống sưởi mở cửa cả ngày…

Không tiết kiệm khí đốt trong mùa Đông này sẽ khiến quá trình tích đầy kho khí đốt cho mùa Đông tới khó hơn rất nhiều. Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết, nếu điều đó xảy ra và Nga cắt cung cấp khí đốt, kho dự trữ của châu Âu vào năm tới có thể cạn kiệt vào tháng 11.

Nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã giúp châu Âu nhanh chóng lấp đầy kho dự trữ trong năm nay, nhưng nếu không có khí đốt Nga vào năm 2023, thị trường LNG hạn hẹp sẽ không thể giúp các cơ sở tích trữ của châu Âu trở lại mức an toàn trước mùa Đông. Điều này khiến việc giảm sử dụng khí đốt là rất quan trọng đối với các quốc gia.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.