Việc thực hiện các mục tiêu kinh tế đang đi đúng hướng
Trong 11 tháng đầu năm 2021, Nghệ An triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Nhiều thời điểm phải thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiều địa phương phải áp dụng giản cách xã hội cao hơn Chỉ thị 16. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị,sự đồng lòng ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.Nghệ An đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Toàn tỉnh có 22/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước đạt 6,25%. Xuất khẩu là điểm sáng trong bối cảnh bị ảnh hưởng tác động của dịch Covid-19, dự ước cả năm 2021 đạt khoảng 1,61 tỷ USD, tăng 43,4% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu hàng hóa 1,4 tỷ USD, tăng 59,9% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 25/11, trên địa bàn tỉnh đã cấp mới cho 106 dự án, điều chỉnh 118 lượt dự án, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 28.000 tỷ đồng, tăng 41,33% về số lượng dự án và gấp 2,92 lần số vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Toàn tỉnh có 1.740 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,35% so với cùng kỳ, có 721 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 162 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020.
Các lĩnh vực văn hóa – xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, Nhân dân tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An phát biểu thảo luận tình hình thu, chi ngân sách địa phương năm 2021. |
Về xây dựng cơ sở hạ tầng và Nông thôn mới.Dự kiến trong năm 2021, toàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 24 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt Nông thôn mới kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 300/411 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm 72,99%; có 26 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; có 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn Nông thôn mới.
Thu ngân sách vượt 25,42 % dự toán cả năm
Mặc dù tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) chỉ 6,2 %, không đạt mục tiêu đề ra, nhưng trong bối cảnh khó khăn, đây là kết quả được nhìn nhận là tích cực khi GRDP của Nghệ An năm nay đứng thứ 4/14 tỉnh miền Trung, thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. Khu vực công nghiệp – xây dựng ước đạt 13,59 %, riêng công nghiệp tăng 18,79 % đều vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Đặc biệt trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh nhưng thu ngân sách vẫn vượt dự toán đầu năm của HĐND tỉnh. Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An cho biết: Thu ngân sách Nghệ An năm nay dự kiến đạt 17.678 tỷ đồng, nhưng với tiến độ cập nhật đến ngày 7/12/2021 đã đạt 16.908 tỷ đồng thì ước thu năm nay sẽ đạt trên 18.000 tỷ đồng, tăng 3.500 tỷ đồng, vượt dự toán 25,42 %. Trong đó, thu nội địa ước đạt 16.075 tỷ đồng, bằng 125,17 % dự toán, bằng 96,05 % so với cùng kỳ.Loại trừ tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết thì thu nội địa ước đạt 11.315 tỷ đồng, đạt 115,6% dự toán, tăng 1,5% cùng kỳ năm 2020.
Liên quan đến vấn đề thu thuế tài nguyên, ông Trịnh Thanh Hải, Cục trưởng cục Thuế Nghệ An nói: Trong hoạt động quản lý thuế, khai thác khoáng sản trên địa bàn, Cục Thuế hiện quản lý 294 tổ chức, doanh nghiệp có khai thác khoáng sản và nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Năm 2020 đã nộp ngân sách 869 tỷ, riêng 11 tháng năm 2021 đã nộp 1.125 tỷ đồng, chiếm gần 8% tổng thu ngân sách. Năm 2020 triển khai 86 đoàn thanh tra thuế, truy thu thuế hơn 25 tỷ đồng. 11 tháng đầu năm 2021 thực hiện 60 đoàn, truy thu thuế 15,6 tỷ đồng.Tuy nhiên công tác quản lý tài nguyên nói chung, thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập. Trong đó có hai hiện tượng: Khai thác trái phép, khai thác vượt công suất thiết kế.Tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh phức tạp,kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh nhưng các khoản thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đã đóng góp gần 8% tổng thu ngân sách của tỉnh là một cố gắng lớn của ngành thuế Nghệ An.
Nhiều giải pháp chống thất thu thuế của cục thuế Nghệ An
Trên địa bàn Nghệ An hiện nay có 254 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực. Trên thực tế việc khai thác khoáng sản trái phép, trốn thuế trên địa bàn diễn ra còn phức tạp. Từ đầu năm 2021 đến nay các ngành chức năng đã phát hiện, xử lý 758 vụ việc vi phạm liên quan đến công tác quản lý khoáng sản,trong đó đã khởi tố 9 vụ, 11 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 748 vụ với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Trong quá trình kiểm tra phát hiện có doanh nghiệp được cấp phép khai thác 87.000 tấn quặng thiếc trong thời gian 30 năm, nhưng chỉ riêng trong năm 2020 đã khai thác đến 104.000 tấn, cao hơn mức cấp phép 30 năm.
Đề cập đến vấn đề trên, ông Trịnh Thanh Hải nhìn nhận: Công tác quản lý tài nguyên và quản lý thu ngân sách đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn còn nhiều bất cập, hiện tượng lãng phí, thất thoát tài nguyên, thất thu thuế còn diễn ra. Ngành Thuế đã rà soát và phát hiện hiện tượng khai thác nhiều, kê khai ít để trốn thuế. Tuy nhiên ngành thuế không đủ thẩm quyền xử lý và không có nghiệp vụ để xác định chính xác sản lượng khai thác thực tế. Đơn cử, qua kiểm tra thuế tại Công ty cổ phần sản xuất và Công nghệ nhựa Pha Lê – Chi nhánh tại Nghệ An, cơ quan thuế đã phát hiện doanh nghiệp có 2 hành vi vi phạm hành chính: Khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp. Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường phải nộp. Đầu tháng 12/2021 Cục Thuế Nghệ An đã ra quyết định xử phạt hành chính về thuế đối với Công ty Nhựa Pha Lê – Chi nhánh Nghệ An với tổng số tiền xử phạt hành chính 95 triệu đồng. Truy thu số tiền thuế GTGT, thuế TNDN, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường còn thiếu của doanh nghiệp này vào ngân sách nhà nước 450 triệu đồng và số tiền chậm nộp thuế gần 61 triệu đồng.
Hiện nay việc chống thất thu thuế được thực hiện thông qua các giải pháp như: Kiểm tra chứng từ trạm cân, sổ sách doanh nghiệp kê khai nộp thuế, kiểm soát đầu vào của các nhà máy… Bên cạnh đó, thực hiện thanh tra, kiểm tra, lập chốt để ngăn chặn trốn thuế, nhất là các địa bàn có nhiều khoáng sản. Đặc biệt tháng 11/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn giao Cục Thuế chủ trì phối hợp với một số sở, ngành để có giải pháp chống thất thu thuế đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản. Thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với 12 doanh nghiệp có quy mô lớn. Đoàn đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp đầu tiên tại huyện Quỳ Hợp, truy thu thuế hơn 1,2 tỷ đồng.