Xuân ấm áp tình người

0

Dấu ấn một mô hình

Đó là Ngôi nhà bình yên (NNBY) – một mô hình hoạt động đặc thù thành công mang ý nghĩa nhân văn và là căn cứ thực tiễn minh chứng cho công tác bảo vệ nhân quyền của Việt Nam. Đồng thời, NNBY còn là địa điểm thực hành nghề công tác xã hội và giao lưu của các chuyên gia; được Hội đồng Kinh tế – Xã hội của Liên Hợp Quốc (ECOSOC) cấp Quy chế tư vấn đặc biệt.

Từ mô hình đầu tiên, đến nay CWD đã xây dựng đưa vào hoạt động 3 NNBY tại Hà Nội và Cần Thơ, mỗi năm tiếp nhận hàng trăm trường hợp phụ nữ trẻ em đến tạm trú. Mỗi trường hợp đến với NNBY là một câu chuyện với những số phận không may, những cảnh đời bất hạnh, sự cam chịu uất ức. Đó là những câu chuyện bi ai đầy nước mắt về cuộc đời họ đã trải qua những tổn thương rất nặng nề, tâm lí bất ổn. Việc tiếp cận, khai thác thông tin để giải quyết vấn đề bạo lực hay hỗ trợ họ có thể tự tin tái hòa nhập cuộc sống rất cần sự kiên trì, nỗ lực phía các nhân viên. Vì thế, những người tạm lánh ở NNBY đều được tham vấn, hỗ trợ ổn định tâm lí, chăm sóc sức khỏe, trang bị kiến thức về pháp luật. Sau thời gian hầu hết họ đã nhận thức rõ bản chất của chồng không bao giờ thay đổi, nếu cứ nhẫn nhục, chịu đựng không phải là tốt, cần mạnh dạn cắt bỏ thì con cái mới có cuộc sống tốt đẹp hơn, điều này cũng không có gì là xấu.

Trong câu chuyện ứng phó với bạo lực gia đình, để hỗ trợ nạn nhân toàn diện, nhân viên NNBY cũng có nguy cơ mất an toàn cao từ chính người gây bạo lực hay từ những đối tượng mua bán người. Có nhiều trường hợp người gây bạo lực tìm đến tận nơi đe dọa, cho rằng nhân viên là người khiến gia đình họ tan vỡ. Vì thế, CWD có cơ chế phối hợp liên ngành ngay từ cơ sở với thông điệp “Chung tay vì an toàn của phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm của cộng đồng”, không chỉ tư vấn cho người bị bạo lực mà tư vấn cho cả người gây bạo lực. Tính ra từ năm 2007 đến nay, NNBY đã cung cấp dịch vụ tham vấn cho gần 10.000 lượt người, trong đó có gần 900 nam giới, cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho gần 1.200 phụ nữ, trẻ em, trong đó 823 nạn nhân bị bạo lực gia đình; 100% vụ việc đều được kết nối với chính quyền địa phương để phối hợp giải quyết. Bên cạnh đó, trung tâm có dịch vụ tham vấn đa dạng cho phụ nữ, trẻ em và gia đình như: Dịch vụ ứng phó khẩn cấp trên tổng đài, điện thoại đường dây nóng; dịch vụ tham vấn trực tiếp hoặc qua Facebook, Zalo, website, email,…

Xuân ấm áp tình người
Các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành trao tặng cho CWD.

Thực tế, NNBY không chỉ là nơi tạm trú an toàn, các nạn nhân đến đây được ăn ở miễn phí, khám và điều trị, phục hồi sức khỏe; được tư vấn, hỗ trợ pháp lí bảo vệ quyền và lợi ích; được hỗ trợ học văn hóa và học nghề, giới thiệu việc làm; hướng dẫn kĩ năng sống, kĩ năng mềm, giao tiếp ứng xử và ứng phó với bạo lực gia đình, mua bán người; được hỗ trợ và theo dõi khi hồi gia; các chị em mang theo con nhỏ, trung tâm không những tìm trường học cho các con, mà còn giúp họ đưa đón trẻ.

Cho dù còn không ít chông gai trong cuộc chiến chống bạo lực gia đình, nhưng dấu ấn một mô hình – NNBY cùng những phần thưởng dành cho CWD là rất đáng trân trọng và ghi nhận. Các nạn nhân bị bạo lực gia đình đã mạnh mẽ đối diện thực tế, tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ từ cộng đồng, trong đó có NNBY nơi họ cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa để tự tin bước tiếp, tìm lại hạnh phúc của cuộc đời mình.

Điểm tựa cho phụ nữ, trẻ em thiếu may mắn

Tìm đến NNBY tạm lánh phần lớn là những trường hợp bị bạo hành rất nghiêm trọng, bị xâm hại tình dục và mua bán người. Nhưng do còn những rào cản từ bản thân, gia đình và định kiến của xã hội, muốn giữ cho con cái có một gia đình đầy đủ cả cha mẹ… đành phải cắn răng chịu đựng mà không dám nói ra. Nhiều trường hợp, khi được nhân viên tư vấn, hỗ trợ ổn định sức khỏe và tâm lí, họ quay về chung sống với chồng, nhưng chẳng được bao lâu lại bị bạo hành. Có trường hợp, khi chính quyền địa phương can thiệp, về nhà lại bị người chồng tiếp tục nhốt vợ vào đánh chửi vì đã làm xấu mặt chồng hoặc vừa đánh, vừa đe dọa vợ nếu tố cáo sẽ giết…

Tại lễ kỉ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (2002-2022) đã có rất nhiều tham luận xung quanh chủ đề:“CWD-20 năm kiến tạo nền tảng, khát vọng vươn xa”. Nhiều chia sẻ của các chị em đang tạm lánh tại NNBY đầy xúc động như chị P.N.L (45 tuổi) tâm sự: Gần 20 năm, chị phải sống trong cuộc sống hôn nhân đầy nước mắt khi chung sống với người chồng vũ phu, bạo lực. Vì thương con, chị cố gắng chịu đựng thì chồng lại càng lấn tới. Đến bây giờ chị vẫn không sao quên được 5 năm trước, ngày con gái thi đại học cũng là ngày chị bị chồng lôi ra đánh đập dã man mang trên người đầy thương tích. Lúc đó, chị không biết làm thế nào, đi đâu, về đâu mà chỉ nghĩ đến cái chết. May mắn có người mách bảo, chị gọi vào đường dây nóng của NNBY sẽ nhận được sự trợ giúp. Sau khi điện, chị được nghe các nhân viên của NNBY tư vấn và đưa đến NNBY để tạm lánh. Tại đây chị được chữa trị, được tiếp cận với các dịch vụ pháp lí và đã nhanh chóng li hôn được với chồng. Con gái chị giờ đã tốt nghiệp đại học, chuẩn bị đi làm, chị cảm ơn các cán bộ nhân viên NNBY, bởi nhờ có họ, có cộng đồng, mẹ con chị không bị bỏ mặc, tiếp tục sống và tìm lại được niềm vui, hạnh phúc cuộc đời.

Cùng hoàn cảnh, chị T.M.H (35 tuổi) vẫn chưa lúc nào nguôi đi cái cảm giác bất an và nỗi ám ảnh về những trận đòn diễn ra hằng ngày. Chị H đến NNBY từ trước Tết 2019 vì không chịu đựng được thói vũ phu của chồng vừa đánh, vừa chửi khiến cuộc sống của mẹ con chị trở nên tuyệt vọng, không lối thoát. Khi được ở NNBY, chị và các con không những ăn ngon, ngủ yên mà còn nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt, các cháu được đi học không lo sợ ánh mắt hà khắc của bố. Trường hợp chị K nhiều lần bị chồng bạo hành, chị cũng đã từng làm thủ tục li hôn, nhưng chồng níu kéo mong chị tha thứ. Đến tháng 3/2021, chồng chị tiếp tục cầm dao đe dọa và dùng gậy sắt đánh bị thương, chị vội bế đứa con nhỏ trốn ra Hà Nội tạm lánh ở NNBY. Biết tin, chồng chị tìm mọi cách như đe dọa đánh đập các con ở quê để ép chị quay về. Nhưng được Hội Phụ nữ, Công an và chính quyền địa phương, các nhân viên NNBY hỗ trợ đưa các con ra Hà Nội với chị. Đến nay, sau khi li hôn, chị K tự tin hơn, tham gia các lớp tập huấn nâng cao kĩ năng sống, khởi nghiệp kinh doanh và được NNBY hỗ trợ gói sinh kế mở quán ăn bình dân, cuộc sống dần ổn định.

Còn rất nhiều những câu chuyện, những tâm sự, sẻ chia và trong mỗi câu chuyện ấy đều được gói ghém từ những bão táp cuộc đời. Nhưng chỉ biết và biết rằng, đến với NNBY – những người không còn có thể trú chân trong chính tổ ấm của mình thì NNBY là điểm tựa giúp họ ổn định tâm lí, chăm sóc sức khỏe, nâng cao kĩ năng sống, tìm lại phương hướng để có thể tự lập cuộc sống và nâng cao vị thế trong chính ngôi nhà của họ.

Mùa Xuân mới đã về! Những người đang tạm lánh tại NNBY không được sum vầy bên gia đình, người thân, nhưng họ vẫn cảm thấy ấm lòng trước sự chăm lo chu đáo mà CWD dành cho. Bởi CWD luôn thấu hiểu và mong muốn được chia sẻ khó khăn, thiệt thòi. Còn các nhân viên ở NNBY thì sao, họ sẵn sàng gác lại những tình cảm gia đình ở lại cùng đón Tết, vui Xuân. Và chính tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ đó đã mang về một mùa Xuân ấm áp tình người đến với những mảnh đời kém may mắn.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.